Nghiên cứu vừa công bố bởi Viện Gladstone - Đại học California ở San Francisco (UCSF - Mỹ) khẳng định Omicron rất ít cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài chống những biến chủng khác, nếu người bệnh không được tiêm chủng.
Trong các thí nghiệm sử dụng chuột và mẫu máu của người nhiễm Omicron hiến tặng, họ nhận thấy 2 kiểu phản ứng miễn dịch rất khác nhau.
Ở người được tiêm chủng, Omicron như một mũi "siêu tăng cường" mang đến sự bảo vệ tổng thể, giúp chống lại nhiều chủng Covid-19 khác nhau. Tuy nhiên phản ứng miễn dịch lại quá yếu ở người chưa tiêm chủng, không tạo được bảo vệ rộng và đủ mạnh mẽ để chống các chủng khác.
Tờ Medical Xpress dẫn lời tiến sĩ Melanie Ott, Giám đốc Viện Virus học Gladstone (thuộc viện Gladstone): "Trong dân số chưa được tiêm chủng, việc nhiễm Omicron có thể tương đương với tiêm một mũi vắc-xin. Nó cung cấp một chút miễn dịch, nhưng không rộng lắm".
Đồng tác giả Irene Chen giải thích thêm: "Khi Omicron lần đầu xuất hiện, nhiều người tự hỏi liệu nó có thể hoạt động như một loại vắc-xin cho những người không muốn tiêm phòng hay không, có tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và tác dụng rộng hay không".
"Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng, cho dù trước đó bạn đã bị nhiễm biến chủng Omicron" - đồng tác giả cao cấp - giáo sư Jennifer Doudna từ Gladstone và Đại học California ở Berkeley - tiếp lời.
Phản ứng miễn dịch chéo giữa biến chủng này với biến chủng khác cũng cung cấp tác dụng tương tự vắc-xin: giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh, và có lỡ nhiễm thì bệnh cũng nhẹ hơn người chưa có miễn dịch.
Thời gian qua nhiều nhà nghiên cứu đã cố tìm "công thức" hữu hiệu và lâu bền nhất giúp con người chống lại Covid-19 mà không bị bệnh quá nhiều lần cũng như không phải tiêm nhắc quá thường xuyên. Hầu hết các dữ liệu cho thấy "miễn dịch lai" (tức nhiễm "đột phá" hoặc nhiễm rồi vẫn tiêm chủng) là mạnh mẽ và bền nhất, trong khi miễn dịch đơn thuần chỉ từ vắc-xin hay chỉ từ nhiễm bệnh có thể giảm dần theo thời gian.