01
Hạ Vy và Thu Dung là hai nhân viên mới được tuyển vào công ty vì năng lực chuyên môn tốt. Họ đều đang trong thời gian thử việc.
Hạ Vy vốn là người vui vẻ, tích cực. Cô rất năng động và nhiệt tình nên nhanh chóng làm quen được với các đồng nghiệp khác trong văn phòng. Hàng ngày, Hạ Vy không chỉ chăm chỉ nỗ lực hoàn thành công việc của mình, tận tâm học hỏi mà còn quan tâm giúp đỡ người khác. Cô quen biết nhiều người, nhân viên ở các phòng ban khác cũng biết đến cô, thường xuyên trò chuyện và hỏi han cô xem có khó khăn gì khi bắt đầu công việc không.
Những tưởng với tính cách và sự nỗ lực, Hạ Vy sẽ được các đồng nghiệp thật lòng yêu mến song thực tế lại không phải như vậy.
Một lần, cô nghe được hai đồng nghiệp khác trong phòng bàn tán về mình. Họ cho rằng cô giả tạo, luôn nói cười vui vẻ song chỉ nhằm lấy lòng mọi người ở thời gian thử việc. Thậm chí, họ còn nghi ngờ Hạ Vy được tuyển vào làm là do quan hệ chứ thực chất không hề có năng lực.
Cứ như vậy, trước mặt cô đồng nghiệp vẫn tỏ ra thân thiết nhưng sau lưng kẻ ghen ghét đố kị, người coi thường, không mấy ai thật lòng.
Nhưng tại sao lại như thế? Hạ Vy có gì không tốt? Năng lực chuyên môn vượt trội, lại chăm chỉ chịu khó, khéo léo trong giao tiếp? Người như vậy chẳng phải xuất sắc sao? Lỗi của cô ấy chính là "quá tốt". Một nhân viên như Hạ Vy chắc chắn sẽ cống hiến rất tốt cho công ty song chính vì cô quá tốt gây nên sự đố kỵ trong lòng các đồng nghiệp.
Trong một môi trường làm việc mọi người thường chú ý đến nhau và có thói quen so sánh hơn thua. Những cô gái trẻ như Hạ Vy đối với những nhân viên cũ trong văn phòng mà nói chính là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ. Sự xuất sắc của cô khiến họ e ngại, đe dọa đến vị trí công việc đang có của họ, bởi vậy họ khó lòng trao cho cô cơ hội để tiếp tục bộc lộ tài năng. Khi đó, chắc chắn các nhân viên cũ sẽ cùng "đồng tâm hiệp lực" đối phó với Hạ Vy. Cô khó có thể vượt qua được thời gian thử việc.
Rõ ràng, ở chốn công sở, bạn sẽ không thể biết được hết những gì người khác nghĩ về mình. Ngoài mặt đồng nghiệp có thể vui vẻ nhưng trong lòng lại có thể là những toan tính, cảm xúc tiêu cực khác. Người khôn ngoan chắc chắn sẽ biết tiết chế, không để mình quá nổi bật, biết nắm bắt cơ hội thể hiện bản thân mà không khiến người khác ghen ghét.
Tiến, không mừng ra mặt, lui, không để người khác biết. Linh hoạt, điềm tĩnh không khoe khoang, không quá phô diễn ấy mới chính là thông minh trong giao tiếp công sở.
02
Cùng vào thử việc với Hạ Vy là Thu Dung. Thu Dung lại là người có tính cách trái ngược Hạ Vy. Thu Dung nhút nhát, tự ti thường cảm thấy bản thân mình còn nhiều thiếu sót. Khi mới vào làm, nhìn các đồng nghiệp cô cảm thấy ai cũng thật tài giỏi, chuyên nghiệp còn mình cái gì cũng không biết.
Cô thường tránh giao tiếp với đồng nghiệp, hàng ngày chỉ lặng lẽ làm việc. Lợi dụng điểm yếu là sự tự ti của Thu Dung, một số đồng nghiệp thường nhờ cô những việc vặt như pha cà phê, in tài liệu, trực nhật,... Mặc dù không thích nhưng cô cũng không từ chối. Trong khi cô tất bật vì bị sai việc, đồng nghiệp lại thoải mái tám chuyện, ăn uống.
Nhiều khi đồng nghiệp còn nhờ cô làm hộ công việc khiến cô trải qua 8 tiếng mệt nhoài ở công ty, về nhà lại còn phải thức khuya làm hộ việc.
Cô chịu thiệt thòi nhưng không dám lên tiếng, cô sợ bị đồng nghiệp ghét, sợ tranh cãi, sợ phiền phức.
Ở nơi làm việc, bạn phải hiểu luật, tất cả nhân viên bình đẳng như nhau, đừng quá tự ti mà trở nên dễ bắt nạt. Người khôn khéo sẽ biết mềm mỏng mà cương quyết, biết tiến biết lùi hợp lí trước sự chèn ép của người khác. Có thể vì là một nhân viên mới, bạn chịu thiệt một chút cũng không sao nhưng hãy đặt ra những giới hạn nhất định. Khi ai đó vượt qua giới hạn đặt ra, phạm đến những lợi ích cơ bản của bạn, bạn đừng thỏa hiệp, hãy dũng cảm phản công. Bạn cần cương quyết nói lên suy nghĩ của bản thân, thể hiện rõ sự am hiểu của mình về "luật ngầm" chốn công sở.
Ở chốn công sở, đừng mềm yếu để bị bắt nạt, cũng đừng cứng rắn khiến người khác e sợ. Hãy linh hoạt biết lúc nào nên mềm mỏng, lúc nào thì cương quyết. Có như vậy bạn mới không phải chịu thiệt thòi.
Cuộc sống nơi công sở là vậy đấy. Quảng giao thì bị ghét, nhút nhát lại thiệt thòi. Giao tiếp nơi công sở tưởng không khó mà khó không tưởng.
03
Nắm ngay 3 bí quyết sau đây để "sống sót" chốn công sở.
1. Bạn ở nơi làm việc 8 tiếng mỗi ngày, giao tiếp với đồng nghiệp nhiều như người thân, đừng coi họ là người dưng.
Thời gian một ngày của người trưởng thành trung bình được tính như sau: 7 tiếng ngủ, 8 tiếng làm việc, 6 tiếng làm các việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân (ăn uống, tắm giặt, làm việc riêng,...), 3 tiếng để giao tiếp với người thân ngoài công ty. Những con số trên cho thấy điều gì? Chúng ta có một lầm tưởng rằng công ty chỉ là nơi để làm việc, đồng nghiệp là những người xa lạ bởi vậy tại sao phải xây dựng những mối quan hệ chốn công sở? Chẳng phải như vậy khá mất thời gian và phức tạp sao?
Song, thực tế, thời gian chúng ta ở công ty nhiều như thời gian chúng ta thức khi ở nhà. Thời gian chúng ta ở cạnh đồng nghiệp còn nhiều hơn thời gian ta ở với người thân. Dù muốn hay không, nơi bạn gắn bó nhiều hơn cả chính là công ty và những đồng nghiệp. Ở thế giới hiện đại này, công ty là ngôi nhà thứ nhất, nhà bạn là ngôi nhà thứ hai.
Việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp nơi công sở là điều hiển nhiên và không thể phủ nhận. Khi những nhân viên trong công ty có mối quan hệ tốt đẹp với nhau, hiệu suất công việc sẽ tăng, làm việc nhóm sẽ hiệu quả hơn và chắc chắn tinh thần mỗi người cũng thoải mái hơn.
Nền tảng để xây dựng bất cứ mối quan hệ bền vững nào cũng đều dựa trên lợi ích đôi bên. Ở chốn công sở đó là lợi ích mỗi cá nhân và lợi ích công ty.
Hơn cả quy tắc then chốt cho mối quan hệ đồng nghiệp ở nơi làm việc là: 6 phần gần gũi, 4 phần xa cách. Bạn có thể thân thiết với các nhân viên khác, chia sẻ đồng cảm với họ nhưng cũng đừng thân thiết quá, hãy giữ cho họ không gian riêng, dành cho họ sự tôn trọng nhất định.
Không gần gũi quá mức, cũng không xa cách quá nhiều chính là cách để giao tiếp công sở có hiệu quả!
2. Nghe nhiều hơn nói, nói rồi nhất định hãy thực hiện
Lắng nghe luôn đáng giá hơn là nói nhưng để làm nó cũng khó hơn rất nhiều. Một sai lầm mà chúng ta thường hay mắc phải là nói quá nhiều và cướp đi cơ hội nói của người khác. Ở nơi làm việc cũng vậy, bạn cần lắng nghe: nghe sếp chỉ đạo, nghe đồng nghiệp trình bày ý kiến, chia sẻ...
Lắng nghe không có nghĩa là bạn hoàn toàn im lặng. Bạn chú tâm khi họ nói và đừng quên đặt ra thêm những câu hỏi nhỏ, gợi mở để khuyến khích đối phương tiếp tục chủ đề. Như vậy, việc lắng nghe sẽ tích cực hơn nhiều.
Nghe nhiều hơn nói, nói rồi bạn nhất định phải thực hiện. Đừng làm mất lòng tin của đồng nghiệp bằng việc suốt ngày ba hoa, hãy chứng minh bằng hành động cụ thể, hãy thực sự chắc chắn rằng những lời bạn nói ra, những điều bạn hứa, bạn có thể thực hiện được.
3. Chân thành đi, có sao thể hiện vậy vì người khác sẽ nhận ra hết
Dù bạn có khéo léo tới đâu, nắm lòng bao nhiêu tuyệt chiêu trong giao tiếp mà thiếu đi sự chân thành thì bạn cũng sẽ khó lòng tạo dựng được những mối quan hệ bền vững nơi công sở.
Sự chân thành của bạn, sự thể hiện chính con người bạn mới chính là điều khiến đồng nghiệp tin tưởng và yêu quý bạn. Ban đầu bạn có thể lo lắng về sự vụng về trong giao tiếp của bản thân mà cố gồng mình tỏ ra khéo léo, bạn lo sợ những sở thích cá nhân sẽ khiến người khác chê cười mà cố che giấu. Khôn khéo quá hóa giả dối, kín kẽ quá hóa xa cách. Nên tránh rơi vào hai trường hợp trên.
Thực ra chỉ khi bạn chân thành tin yêu người khác, họ mới mở lòng với bạn.
Chốn công sở dường như là một thế giới thu nhỏ. Hàng ngày sống trong thế giới đó bạn sẽ trải qua vô vàn tình huống bất ngờ, không lường trước được. Bởi vậy hãy luôn chủ động, bản lĩnh sẵn sàng đối mặt với bất cứ điều gì xảy ra!