Lắng nghe là việc chúng ta đã biết từ lúc mới lọt lòng, trước cả biết đi hay biết nói, vì vậy mà mọi người luôn nghĩ bản thân biết "lắng nghe", vì nó vốn tự nhiên như hít thở vậy. Không ai nghĩ lắng nghe thực ra lại là một kỹ năng rất quan trọng cần học. Vậy bạn có từng trò chuyện thực sự, giãi bày tất cả tâm sự của mình với một chú chó chưa? Trên thực tế, chó lại là bậc thầy của việc lắng nghe mà con người cần phải học hỏi.
Thông qua Lắng nghe như một chú chó và tạo dấu ấn của mình, Jeff Lazarus cho chúng ta thấy được việc học cách lắng nghe như một chú chó có thể làm thay đổi những tương tác xã hội và củng cố các mối quan hệ, từ đó tạo dấu ấn của mình với thế giới.
Vi phạm luật xích
Sợi xích là thứ kết nối hai sinh vật với nhau, điển hình là một con người và một chú chó, và xích cũng là thứ để kiềm chế. Con người cần tự "xích" mình lại mỗi khi lắng nghe ai đó, không chỉ để kết nối với cá thể khác mà còn kiềm chế bản thân không hành động vô kỷ luật.
Đa số lại thường cất xích trong các cuộc đối thoại khiến chúng ta mắc rất nhiều vi phạm trong khi đối phương cần chúng ta lắng nghe. Chúng ta thường ngắt lời đối phương, tập dượt trước điều mình cần nói, ậm ừ như thể đang nghe nhưng thực chất là không, làm chệch hướng diễn biến câu chuyện…
Chúng ta vẫn lắng nghe, và đưa ra một định nghĩa cho "lắng nghe" rất xuôi tai nhưng hành động lắng nghe trên thực tế lại "có ý nghĩa không hơn là bao so với đợi người kia ngậm miệng để ta có thể bắt đầu nói tiếp".
"Giá như chúng ta nhớ dùng xích mỗi khi được yêu cầu lắng nghe." (Trích)
Sống thật: Trở nên mù công nghệ
Ngày nay chúng ta đều sống trong một thế giới công nghệ ảo, các mạng xã hội, tương tác qua tin nhắn, email mà không phải gặp mặt trực tiếp hay ít nhất là các cuộc gọi. Chúng ta quan tâm số lượng người thích bài viết, số lượng bạn bè hay những người theo dõi chúng ta trên Facebook, Instagram, Twitter mà không quan tâm chúng ta có thực sự kết nối với những người đó hay không, đã bao lâu rồi bạn chưa nói chuyện với người đó, hay kết nối ảo đó có thực sự mang lại giá trị thực nào không?
Công nghệ rất diệu kỳ, nhưng nó "làm giảm nghiêm trọng nhu cầu và cơ hội lắng nghe thực sự". Các trang mạng xã hội hay tin nhắn văn bản có giá trị thực sự khi chúng ta dùng chúng để chăm sóc các mối quan hệ trong đời thực, duy trì chúng tồn tại và tạo điều kiện cho các cuộc gặp trực tiếp chứ không phải thay thế cho các cuộc gặp trực tiếp.
Điện thoại vẫn nằm đó khi bạn cần.
Lắng nghe toàn tâm toàn ý
Loài chó lắng nghe bằng cả cơ thể, dành cho chúng ta sự chú ý trọn vẹn, tận tâm và đầy năng lượng. Con người cần quyết tâm lắng nghe bằng cách vận dụng ba cơ quan: đôi mắt, trái tim và đôi tai. Một đôi mắt biết nói, một trái tim biết để tâm và một đôi tai biết lắng nghe vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải thể hiện sự chú ý của mình dành cho đối phương bằng toàn bộ cơ thể, bộc lộ biểu cảm cơ thể theo cách tự nhiên nhất của riêng bạn cho đối phương thấy bạn quan tâm đến điều họ đang nói.
Tất nhiên nếu bạn muốn ai đó lắng nghe bạn thật sự, bạn nên chắc rằng đây là lúc thích hợp để họ lắng nghe bạn.
"Dừng hoạt động trí óc hiện tại lại; chuyển sang chế độ lắng nghe." (Trích)
Sục sạo
Loài chó là chuyên gia sục sạo. Khi hai chú chó gặp nhau, chúng sẽ sấn tới đánh hơi lẫn nhau chứ không phải giữ khoảng cách với nhau mà hỏi thăm qua loa rồi trả lời bằng tiếng sủa kém hăng hái. Nếu con người tập thói quen đánh hơi giống loài chó, tất nhiên là theo nghĩa bóng, thỉnh thoảng một đến hai lần trong ngày nói chuyện với người bạn gặp ở cửa hàng tạp hóa, hay người xếp hàng chờ tính tiền cạnh bạn, bạn sẽ tạo được cảm giác cộng đồng xung quanh mình, biết đâu bạn sẽ khám phá được cái gì đó hay ho từ câu chuyện của họ. Ở mọi nơi bạn tới, bạn là người "được biết đến", bạn để lại dấu ấn trong tâm trí của người khác. Khi bạn lắng nghe ai đó, cho người đó cơ hội chia sẻ dù chỉ một phút, bạn đã tặng cho họ một món quà lớn rồi.
"Con người có một khao khát căn bản là được lắng nghe." (Trích)
Hạnh phúc đích thực là chú cún con ấm áp
Chó chân thật và ấm áp, chúng thành thật với cảm xúc và không giả vờ, chúng thật sự quan tâm đến bạn. Có rất nhiều câu chuyện về những chú chó xông vào đám cháy cứu người hay bảo vệ con người khỏi những kẻ tấn công. Loài chó có bốn hành vi vì bầy đàn nói chung: an ủi, chia sẻ, thông báo và giúp đỡ. An ủi có lẽ là thứ loài chó giỏi nhất, vì vậy chúng còn giúp chữa bệnh cho con người, những người có tổn thương về thể chất hay tâm lý.
Con người yêu những mối quan hệ trong đó họ cảm thấy có thể bộc lộ bản thân một cách trọn vẹn, với sự chấp nhận hoàn toàn. Điều này hiển nhiên đúng, tất nhiên bạn sẽ thoải mái với một người lắng nghe bạn, không ngắt lời, không phán xét, cũng không cố chỉnh sửa bạn mà chấp nhận tất cả là sự thật về bạn.
"Sự dễ mến là yếu tố bị đánh giá thấp nhất trong tương tác giữa con người." (Trích)
Sức mạnh của khoảng lặng
Con người có thôi thúc không ngừng là phát ra âm thanh, hoặc nếu không như vậy thì họ vẫn nghe tiếng động do người khác tạo ra, hoặc từ các thiết bị nào đó. Sự im lặng đối với một số người có thể là cực hình, bạn hãy tưởng tượng thử bạn ngồi cùng một người bạn và cả hai im lặng không nói gì, đột nhiên bạn sẽ cảm thấy có gì đó kỳ lạ, nói đúng hơn là khó xử. Bạn sẽ nghĩ có gì đó xảy ra với người kia, nhưng chẳng có gì cả. Vài phút im lặng thôi là đủ để khiến người nói cảm thấy "lo âu, sợ hãi, tổn thương, và bị từ chối". Nhưng đôi lúc bạn phải ngậm miệng lại, vì kho báu thật sự là từ những người khác, thông qua việc ta lắng nghe họ. Có một điều rất đơn giản, bạn càng ít nói, lời nói của bạn càng có sức nặng.
"Im lặng là nơi diễn ra giao tiếp thực sự với người khác." (Trích)
Bám gót, ngồi xuống và ở yên: Nghệ thuật kiên nhẫn chú ý
Chó là người bạn trung thành của con người. Chúng được huấn luyện bám gót, ngồi xuống và ở yên, chúng sẽ đặt toàn bộ sự chú ý vào bạn và không bị xao nhãng bởi những yếu tố xung quanh. Bám gót theo Jeff Lazarus là bước chậm lại trong tư duy, biến người kia thành trung tâm sự chú ý của mình, bỏ đi các mối xao nhãng, kháng cự lại việc ngắt lời và dẫn dắt người kia. Việc này rất khó với đa số người, chúng ta thường xuyên bị xao nhãng, hay não nghĩ nhanh hơn miệng nói, ta vừa nghĩ và nói điều này, nhưng trong đầu đang nghĩ trước một điều khác. Tạm dừng và ghi nhận lại điều người kia vừa nói là bước rất quan trọng trong giao tiếp, vì ghi nhận khiến đối phương cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe một cách chân thành.
"Con người có cơn ngứa ngáy muốn ngắt lời trong tâm lý." (Trích)
Đằng sau lời nói
Lắng nghe thường được hiểu là thu nhận âm thanh của lời nói, nhưng con người là sinh vật sống với cảm xúc, vì vậy thu nhận lời nói đơn thuần không đủ để đọc vị con người. Đằng sau lời nói của con người còn kèm theo cảm xúc, con người cần được thấu cảm và loài chó làm rất tốt điều này.
Tin nhắn văn bản khiến yếu tố cảm xúc mất đi, hoặc dễ gây hiểu lầm, hay bày ra thứ cảm xúc giả tạo. Ngữ điệu rất quan trọng trong lời nói, cùng một câu nói nhưng với những ngữ điệu khác nhau, dụng ý cho ra hẳn cũng sẽ khác, điều mà tin nhắn văn bản không làm được.
"Con người muốn được thấu cảm, chứ không phải chỉ là được lắng nghe." (Trích)
Luôn sẵn sàng trình diễn
Chó luôn sẵn sàng trình diễn, chúng không sợ những điều sắp xảy tới, không lo lắng về những gì chưa biết trong tương lai, chúng sẵn sàng làm những điều gián đoạn lịch trình của chúng, coi đó là tiếng gọi phiêu lưu. Trái lại, con người luôn sợ hãi cái chưa biết, lo âu trước những thứ không thể đoán trước, vốn có trong việc lắng nghe và con người phản ứng với thái độ quen thuộc, khuôn mẫu. Con người lo lắng phải gián đoạn lịch trình của mình, phải gác việc của mình sang một bên chỉ để lắng nghe ai đó. Con người không sẵn sàng trình diễn mọi lúc như loài chó, họ cảm thấy không vui khi lịch trình của họ bị gián đoạn, mọi thứ trái với ý muốn của họ. Nhưng con người lại là một sinh vật kỳ lạ, khi từ bỏ kiểm soát và cho phép bất ngờ xảy ra, bạn thường có những trải nghiệm tuyệt nhất trong đời.
"Lắng nghe nghĩa là gác tất cả mọi chuyện trong lòng sang một bên." (Trích)
Hiệu ứng chăn dắt
Khả năng chăn dắt của loài chó được thể hiện rất rõ ràng ở những chú chó chăn gia súc, hay khi một chú chó đi dạo với một con người mà không cần xích. Nó chỉ cần biết bạn muốn đi đâu, nó sẽ giữ bạn đi đúng đường, chỉ đường cho bạn nếu bạn bối rối, động viên bạn đi tiếp nếu bạn đi quá chậm hoặc dừng lại quá lâu. Một thính giả tốt cũng giống như một người chăn dắt tốt. Bạn cần chú ý kỹ xem người nói muốn đi đâu và mục tiêu của người đó là gì, thỉnh thoảng tạo vài dấu hiệu thể hiện bạn vẫn ở bên cạnh, giúp người đó quay lại đúng hướng khi họ rẽ sai hướng câu chuyện. Một người chăn dắt hiệu quả trước hết phải bảo đảm cả nhóm đều chung một hướng trước khi cho phép cuộc đối thoại hướng sang chỗ mới.
Chăn dắt không có nghĩa là tới nơi bạn muốn họ tới mà là giúp họ tới nơi họ muốn tới.