Thị trường bất động sản dù đang phải đối diện với tình trạng thanh khoản chậm nhưng vẫn xuất hiện những "ma trận" giá do môi giới giăng ra.
Trên nhiều trang mua bán bất động sản, không khó để bắt gặp một mảnh đất, một ngôi nhà được nhiều môi giới khác nhau đăng thông tin rao bán với nhiều mức giá có sự chênh lệch rất lớn.
Gần đây nhất, trong một group về đất trang trại, đất ven đô, một ngôi nhà ở Phú Thọ với tổng diện tích 7.100 m2 (gồm 400 m2 đất thổ cư) được rao bán với giá 600 triệu đồng.
Thế nhưng, hai môi giới khác lại đưa ra hai con số thấp hơn khá nhiều là 550 triệu đồng và 500 triệu đồng.
Hay một căn nhà mặt phố Thanh Đàm (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng được môi giới đưa ra mức giá chênh nhau “sốc” lên tới gần 1 tỷ đồng khiến khách hàng khó tin.
Theo đó, căn nhà có diện tích 51m2 với 6 tầng, 1 tum ở mặt phố Thanh Đàm được môi giới rao bán với giá 11,8 tỷ đồng.
Nhưng cũng cùng trang web này, một môi giới khác lại rao bán căn nhà ở mức 12,5 tỷ đồng, chênh 700 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của VTC News , đây không phải hiện tượng hiếm, không chỉ xảy ra ở các vùng ven mà khá phổ biến ngay giữa thủ đô Hà Nội, nơi khách hàng có nhiều kênh tiếp cận thông tin tốt hơn.
Anh Lê Hoàng (Cầu Giấy - Hà Nội) đã chia sẻ hành trình mua nhà đầy gian nan của mình. Anh kể, năm 2021, anh và gia đình quyết định mua một căn liền kề thông qua người bạn là môi giới bất động sản.
“ Người bạn này nói mức giá cậu ấy đưa ra là tốt nhất thị trường với mục đích chỉ giúp tôi chứ không lấy lãi. Nhưng trong khi tôi định chốt thì người nhà tôi phát hiện có môi giới khác rao bán căn liền kề đó với giá 9 tỷ đồng, thấp hơn 2 tỷ đồng so với giá chào bán của bạn tôi. Tôi lập tức dừng mua và tập trung tìm kiếm thông tin thì nhận ra người khác chỉ bán với giá 8,5 tỷ đồng. Chỉ riêng trong giới môi giới với nhau thôi mà mức giá đã chênh tới 3,5 tỷ đồng. Còn so với giá của chủ nhà, chẳng biết mức chênh cao đến mức nào ”, anh Lê Hoàng nói.
Anh Hoàng kể thêm nhiều bất động sản anh tìm sau đó cũng xảy ra tình trạng có nhiều mức giá với mức chênh nhau khá lớn. Điều này khiến anh băn khoăn và đến giờ vẫn chưa chốt mua được căn nào, vì không biết đâu là giá trị thật hoặc lo sợ mình mua nhà bị "hớ".
Liên quan đến hoạt động của môi giới bất động sản, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết vẫn còn những tồn tại, bất cập.
Theo ông Hưng, pháp luật về môi giới bất động sản quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Điều này đã tạo ra xu hướng các cá nhân không thực sự học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về môi giới bất động sản mà chỉ tham gia một số khóa học ngắn hạn do các trung tâm không uy tín đào tạo để học lướt qua các kiến thức nhằm đối phó với kỳ thi sát hạch.
“ Thậm chí, có hiện tượng còn bỏ tiền “mua” chứng chỉ, không có hiểu biết về nghề môi giới ”, ông Hưng nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay những quy định về xử lý, xử phạt trong hoạt động môi giới bất động sản chưa đủ mạnh mẽ.
“ Đã đến lúc chúng ta nên có những quy chuẩn về ngành nghề môi giới bất động sản cho cá nhân và tổ chức. Có quy chuẩn sẽ dễ nhận diện rõ điều kiện cần và đủ cho cá nhân và tổ chức tham gia hành nghề môi giới bất động sản, qua đó có cách quản lý, giám sát và có những chế tài xử lý phù hợp để hoạt động này trở nên chuyên nghiệp hơn ”, bà Hương nêu rõ.