Báo cáo với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 17/5, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans – mã PVT) Phạm Việt Anh cho biết doanh thu hợp nhất 4 tháng đầu năm ước đạt 3.350 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch 4 tháng và đạt 38% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 460 tỷ đồng, vượt 53% kế hoạch 4 tháng và tương đương thực hiện 48% kế hoạch năm.
Riêng công ty mẹ ghi nhận doanh thu ở mức 1.025 tỷ đồng, bằng 37% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 180 tỷ đồng, tương đương 119% kế hoạch 4 tháng đầu năm và 32% kế hoạch năm.
Với 8 tháng còn lại của năm nay, tổng công ty đề ra mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 7.150 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 470 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 411 tỷ đồng.
Trong năm 2024, cổ đông PVTrans thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 760 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 38% so với thực hiện 2023. Công ty có truyền thống đặt kế hoạch thấp hơn thực hiện nhiều năm qua.
Ban lãnh đạo trong kỳ họp cổ đông mới đây nói rằng tuy đặt kế hoạch giảm nhưng công ty vẫn kỳ vọng khi thị trường thuận lợi sẽ có kết quả thực tế bằng hoặc cao hơn so với thực hiện năm 2023.
Giai đoạn 2021-2023, toàn hệ thống PVTrans đã tiếp nhận thêm 27 tàu, trong đó có 18 tàu đầu tư và 9 tàu thuê mua (bareboat) kèm theo quyền/nghĩa vụ mua lại tài sản. PVTrans hiện sở hữu và khai thác tổng số 52 tàu các loại với tổng trọng tải đạt hơn 1,4 triệu DWT.
PVTrans hiện là đơn vị vận tải biển hàng lỏng số 1 Việt Nam nhưng quy mô đội tàu hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn trong khu vực và thế giới, chưa có đủ nguồn lực để tham gia tích cực vào thị trường hàng hải quốc tế.
Nhiều tàu cũ của doanh nghiệp cũng sẽ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện khai thác sau năm 2030 theo xu hướng chuyển dịch năng lượng và các yêu cầu cam kết quốc tế COP26 về việc giảm lượng phát thải CO2 vào năm 2030 – 2050.
Ban lãnh đạo cho biết bên cạnh việc tập trung phát triển lĩnh vực cốt lõi là vận tải biển, PVTrans xem xét mở rộng chuỗi hoạt động ở mảng logistics, cảng biển, cảng cạn... thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A), hợp tác (góp cổ phần, liên doanh, liên kết) với các đối tác.
Tổng công ty định hướng gia tăng quy mô thông qua tái cơ cấu chất lượng đội tàu với trọng tâm hướng đến các phân khúc tàu có trọng tải lớn hơn, trẻ tuổi hơn, sử dụng năng lượng sạch hơn, đặt mục tiêu trở thành một đơn vị sở hữu chuỗi logistics toàn diện.