Buổi trò chuyện giữa tỷ phú Narayana Murthy, nhà sáng lập Infosys Technologies, người được ví như "Bill Gates của Ấn Độ" và ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT diễn ra tại FVille 3, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thăm và làm việc Việt Nam của ông Murthy từ ngày 19/5 đến ngày 23/5.
Sau màn chào mừng đến từ lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông, CEO FPT, ông Murthy và ông Bình lên sân khấu cùng trao đổi thân tình, không cần host (người dẫn chương trình) kết nối. Hai vị lãnh đạo sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.
Vẫn phong thái hồ hởi, dễ gần, luôn hỏi thẳng vấn đề, những câu hỏi của vị đứng đầu FPT và phần chia sẻ chân thành từ nhà sáng lập Infosys Technologies nhận được sự hưởng ứng của hơn 300 người tham dự. Không ít lần, những tràng vỗ tay kéo dài.
Phần trao đổi giữa hai lãnh đạo doanh nghiệp xoay quanh các vấn đề: hành trình khởi nghiệp, bí quyết thành công, doanh nghiệp Việt học hỏi gì từ Ấn Độ, cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam.
Chia sẻ về mối quan hệ với ông Bình, ông Murthy nói, quen biết Chủ tịch FPT từ khá lâu. Việc trò chuyện, trao đổi ý tưởng của hai ông chứng minh sự hữu dụng và có thể triển khai thành sản phẩm. Đáp lời, ông Bình nhắc mối quan hệ của hai nước được xây dựng từ những năm 1959, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, khi Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad sang thăm Việt Nam, trồng cây bồ đề tại sân chùa Trấn Quốc (Hà Nội).
Mấy chục năm trước, một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam quyết định "bước ra thế giới", sự khởi đầu của Việt Nam cũng được học hỏi nhiều từ Ấn Độ. Với FPT, tham vọng đào tạo xây dựng doanh nghiệp phần mềm đầu tiên cũng được truyền cảm hứng bởi Ấn Độ.
"Năm 1999, lần đầu tiên đến Ấn Độ, tôi cảm thấy choáng ngợp bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin Ấn Độ. Tôi tự hỏi Việt Nam có thể làm được như họ hay không. Tinh thần học hỏi không ngừng như vậy được áp dụng tại FPT Software sau này, là động lực để doanh nghiệp lớn mạnh như hiện tại", Chủ tịch FPT nói.
Nhà sáng lập Infosys, cho biết ông tôn trọng sự dũng cảm, chăm chỉ, tính kỷ luật cũng như tham vọng của nhiều thế hệ người Việt. Ông cho rằng nhiều quốc gia trên thế giới cần phải học hỏi sự sáng tạo của người Việt Nam.
Khởi nghiệp từ tham vọng giải quyết đói nghèo cho người dân
Khi nhận được câu hỏi từ ông Trương Gia Bình "đằng sau câu chuyện khởi nghiệp là gia đình, hay công nghệ, sự đam mê hay lý do gì khác", ông Murthy có những bộc bạch hấp dẫn.
Ông có một quãng thời gian sống và làm việc tại Pháp, mà ông cho rằng "có những trải nghiệm không mấy dễ chịu". Cũng tại đây, ông nhận ra để giải quyết đói nghèo ở Ấn Độ thì cần tạo ra công ăn việc làm, điều này chỉ doanh nghiệp làm được. "Tôi muốn thử nghiệm nên quyết định quay trở lại Ấn Độ", ông Murthy nói. Tuy nhiên, ông đã thất bại với doanh nghiệp đầu tiên bởi sai lầm: không đánh giá đúng nhu cầu thị trường. Sau đó, ông thành lập một công ty khác với những đồng nghiệp khác.
Đến những năm 1980, ông Murthy lại nhận thấy nhiều cơ hội ở Mỹ cho các dịch vụ phần mềm, đặc biệt là khi máy tính bắt đầu phổ biến. "Tôi đã nắm bắt cơ hội và khởi nghiệp nó cho doanh nghiệp của mình", ông Murthy nói. Thời điểm đó, ông đã phân phối 77% cổ phần cho cấp dưới, đó là các nhà lập trình, thực tập sinh... "Với tôi, tiền khi đó không quan trọng lắm. Lý tưởng sống của tôi khi đó là chứng minh được hoạt động kinh doanh có thể tạo ra khối lượng công việc lớn quan trọng thế nào. Đó là cái tôi muốn khẳng định cho sự đóng góp của Ấn Độ. Giải quyết đói nghèo, đó là ước mơ và tham vọng của tôi", ông Murthy nói.
Bí quyết thành công của tỷ phú
Một trong những thành tựu có ảnh hưởng nhất của ông Narayana Murthy là tiên phong hình thành mô hình cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu, cho phép các công ty thực hiện công việc ở những địa điểm có nguồn nhân lực tốt nhất, có ý nghĩa kinh tế nhất và rủi ro thấp nhất, theo giới chuyên gia đánh giá. Mô hình này đã tạo ra cuộc cách mạng hóa ngành dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu trong tối ưu hóa cấu trúc, nguồn lực, phân phối công việc và nâng cao tốc độ và chất lượng dịch vụ.
Năm 1999, Infosys là công ty đầu tiên của Ấn Độ được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq. Năm 2023, công ty đạt doanh thu trên 18 tỷ USD, có 320.00 nhân viên, hiện diện tại 50 quốc gia trên toàn cầu và giá trị thị trường đạt trên 70 tỷ USD.Theo thống kê năm 2023 của Forbes, Murthy sở hữu khối tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, xếp thứ 711 trong số những người giàu nhất hành tinh.
Do đó, kinh nghiệm thương trường, bí quyết dẫn dắt một doanh nghiệp vô danh thành biểu tượng của ngành phần mềm Ấn Độ là mối quan tâm lớn của nhiều người tham sự kiện. Ông Bình cũng không ngoài lề, khi liên tiếp đặt các câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp của vị tỷ phú.
Đáp lời, ông chủ Infosys có những phần chia sẻ rất cụ thể.
Tinh thần doanh nhân "dám làm, dám ước mơ": Theo ông Murthy các doanh nghiệp vốn được sáng lập bởi mỗi doanh nhân, họ cùng nỗ lực biến các ý tưởng thành việc làm, đóng góp cho sự phát triển đất nước. Ở họ còn có tinh thần khởi nghiệp: dám mơ mộng, dám ước mơ. "Ở góc độ nào đó, tinh thần doanh nhân, giúp chúng ta nhiều trong hoạt động kinh doanh", ông Murthy khẳng định.
Tinh thần doanh nhân không do di truyền: Tỷ phú Ấn Độ khẳng định, tinh thần doanh nhân không phải do di truyền, nó là sản phẩm của sự khát vọng trong mỗi con người. "Chúng ta tìm kiếm các cơ hội tiến tới tương lai, để hiện thực hóa giấc mơ của mình", ông nói.
Ông nói, thời ông học đại học, có những sinh viên thông minh hơn ông gấp nhiều lần, nhưng không phải tất cả trong số họ đều thành doanh nhân. Vì vậy, ông Murthy khẳng định, tinh thần doanh nghiệp chính là khát khao tìm kiếm cơ hội trong mỗi người. "Nhiều mô hình doanh nghiệp gia đình, cha truyền con nối thành công, tuy nhiên cũng có không ít trường hợp ngược lại - phá sản", vị tỷ phú nói.
Không tri thức không biến tham vọng thành hiện thực: Ông Narayana Murthy kể, gia đình ông gồm 8 người con, cha là giáo viên. Căn nhà ông ở cũng chỉ có hai phòng nên sinh hoạt khá chật chội. Và con đường để thoát nghèo duy nhất là đầu tư vào giáo dục.
"Chúng ta không học hành, không có tri thức, không thể biến tham vọng thành hiện thực", ông nhấn mạnh. Theo ông, không phải ai cũng học tốt, có thể trở thành một doanh nhân và thành công hay xây dựng những doanh nghiệp khổng lồ nhưng nếu có tri thức, cuộc sống chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.
Sự đồng cảm và hào phóng: Bên cạnh giáo dục, ông được dạy từ nhỏ về sự đồng cảm và hào phóng. Ông cho hay, nhiều doanh nhân trên thế giới dành tới 75% cổ phần của mình cho nhân viên cấp dưới. Và Infosys cũng làm vậy - hào phóng với nhân viên. Ngoài việc lãnh đạo dành quyền lợi cho cấp dưới, bản thân nhân viên cũng cần tôn trọng và gìn giữ những tài sản thuộc về công ty. Đó là nền tảng ông xây dựng cho doanh nghiệp của mình.
Sự tôn trọng: Trả lời câu hỏi của ông Bình "làm thế nào để những người cộng sự gắn bó với mình nhiều năm?", ông Murthy chia sẻ, từ 1981, ông và các nhân sự đã đặt mục tiêu: "Inforsys phải là công ty được tôn trọng nhất tại Ấn Độ".
Theo ông Murthy, chính sự tôn trọng từ khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp đạt 100% lợi nhuận, có sự tin cậy từ khách hàng, công ty sẽ thu hút nhân viên từ doanh nghiệp khác. "Muốn đầu tư dài hạn, doanh nghiệp cần đạt được điều này", ông Murthy nói. Ở một góc nhìn khác, nếu muốn Chính phủ tin cậy, doanh nghiệp cũng phải trở thành một trong những doanh nghiệp được tôn trọng nhất.
Về việc giữ chân nhân sự, ông cho rằng doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện thuận lợi, trao quyền, để nhân viên cảm nhận được hạnh phúc: mang lại sự tự do cho nhân viên, đánh giá họ, thưởng cho họ, từ đó giữ được những tài năng tốt nhất."Kinh nghiệm của tôi không phải tiền là quan trọng nhất mà nhân sự muốn sự tôn trọng, đánh giá đúng năng lực của họ", ông nói.
Ông đánh giá Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á, có thể tạo ra doanh nghiệp dịch vụ phần mềm như FPT. Ông khẳng định FPT nói riêng và Việt Nam nói chung rất độc đáo.Ngay từ những năm đầu tiên, các nhà sáng lập FPT đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo tuyệt vời cũng như một chút may mắn, tập đoàn đã vươn lên, đạt được nhiều thành công.
Ông cho rằng FPT sẽ thành công hơn nữa trong tương lai.
Dự báo về tương lai của Việt trong 20-25 năm tới, ông Murthy cho rằng, với những phẩm chất đáng quý, ít quốc gia nào trên thế giới có được như dũng cảm, tự tin, chăm chỉ, làm việc có kỷ luật, sẵn sàng hy sinh, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu khu vực châu Á và tăng trưởng nhanh trên thế giới.
"Việt Nam sẽ mang sự phồn vinh cho người dân của mình nhanh hơn nhiều quốc gia khác ở châu Á. Tôi không nghi ngờ gì về sự phát triển của các bạn trong tương lai", vị tỷ phú Ấn Độ nhấn mạnh.
Những chia sẻ của vị tỷ phú nhận tràng pháo tay dài của người tham dự. Sự kiện kết thúc lúc 15h30.
Xem diễn biến chính