
Sáng 13/5 tại Hà Nội, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam (VAWE) phối hợp với Vidogroup tổ chức gặp gỡ Quỹ Cherie Blair, tổ chức quốc tế hỗ trợ nữ doanh nhân toàn cầu.
Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế, với sự tham dự bà Lê Thị Bích Trân, Phu nhân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành, hơn 50 nữ doanh nhân từ 18 tỉnh phía Bắc cùng bà Cherie Blair và lãnh đạo Quỹ.
Khởi nghiệp từ giá trị bản địa, lan tỏa bằng công nghệ
Một trong những câu chuyện truyền cảm hứng là hành trình khởi nghiệp của bà Nguyễn Ngọc Bích (Kat Nguyễn), đồng sáng lập thương hiệu Cỏ Cây Hoa Lá. Lấy cảm hứng từ những sản phẩm nông sản truyền thống như rượu gừng của mẹ, thương hiệu đã ứng dụng công nghệ để chuyển hóa nguyên liệu bản địa thành sản phẩm chăm sóc sức khỏe hiện đại. Sau 8 năm phát triển, doanh nghiệp này không chỉ phục vụ hơn 5 triệu khách hàng mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế, hiện đã có mặt tại Amazon, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Điểm khác biệt của Cỏ Cây Hoa Lá là xây dựng thành công một cộng đồng hơn 43.000 phụ nữ, nơi họ không chỉ là người tiêu dùng mà còn là những người khởi nghiệp, làm chủ cuộc sống. Hiện có hơn 6.000 phụ nữ đang có thu nhập từ 8 triệu đến vài chục triệu đồng mỗi tháng nhờ mô hình kinh doanh cộng tác.
Chia sẻ về định hướng phát triển, bà Ngọc Bích cho biết: “Thay vì sử dụng tiền quảng cáo cho nền tảng quốc tế như Facebook, Google, chúng tôi chọn cách chia sẻ lợi nhuận cho chính người Việt để tái tuần hoàn kinh tế trong nước, đặc biệt là trao cơ hội cho phụ nữ phát triển”.
Tuy vậy, niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm khởi nghiệp trên các sàn thương mại điện tử vẫn là thách thức. Ngọc Bích nhấn mạnh: “Chất lượng là ưu tiên hàng đầu, nhưng chúng tôi cần thời gian để thuyết phục thị trường bằng uy tín và sự kiên định.”
Bên cạnh câu chuyện kinh doanh, nhiều sáng kiến khởi nghiệp còn mang đậm giá trị xã hội. Tiêu biểu là dự án tái chế vải vụn của bà Phạm Thị Hiền, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hoàn Kiếm. Từ những mảnh vải tưởng chừng vô giá trị, các sản phẩm hoa vải thủ công độc đáo được tạo ra, vừa tạo sinh kế cho phụ nữ khuyết tật, vừa lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi mở lớp dạy nghề hàng tháng, giúp chị em học, thực hành và đưa sản phẩm ra thị trường qua hội chợ, triển lãm”, bà Hiền chia sẻ.
Chuyển đổi số, chìa khóa đi nhanh và đi xa
Theo bà Hà Thị Phương Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) cho biết, trong kỷ nguyên số, digital và AI là bộ đôi không thể thiếu để doanh nghiệp khởi nghiệp tăng tốc và bền vững.
“Ngày nay, chỉ có ý tưởng là chưa đủ. Doanh nghiệp cần có công cụ số để mô hình hóa, vận hành và tiếp cận thị trường hiệu quả. Chúng tôi phối hợp với FPT, CNC và các doanh nghiệp công nghệ để thiết kế khóa học phù hợp với nữ doanh nhân, bằng tiếng Việt, giúp họ đi nhanh bằng chính nguồn lực sẵn có”, bà Thanh chia sẻ.
VAWE cũng chuyển hướng từ đào tạo tư duy kinh doanh sang tích hợp công nghệ ngay từ đầu trong các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Thay vì học lý thuyết suông, các nữ doanh nhân được học cách ứng dụng AI vào quản trị nguồn lực, thương mại điện tử và định vị thương hiệu.
Một nền tảng tiêu biểu đang hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả là Her Venture, do bà Cherie Blair, phu nhân cựu Thủ tướng Anh và sáng lập Quỹ Cherie Blair, giới thiệu.
Ứng dụng ra mắt tại Việt Nam từ năm 2018, được thiết kế riêng cho nữ doanh nhân bận rộn, cho phép học các kỹ năng kinh doanh trong vòng 10 phút mỗi ngày, thậm chí có thể học offline, bất cứ lúc nào. Nội dung được bản địa hóa 100% bằng tiếng Việt.
“Chúng tôi muốn công nghệ phải là công cụ bình đẳng. Her Venture giúp phụ nữ học cách thiết lập doanh nghiệp, hiểu về marketing, tài chính, kiên trì và tận dụng internet để tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn”, bà Blair nhấn mạnh.
Hiện tại, khoảng 80% người dùng của Her Venture tại Việt Nam là nữ, với mục tiêu đạt 1 triệu người dùng trong thời gian tới. Những kết quả ban đầu cho thấy, sau khi tiếp cận ứng dụng, nhiều phụ nữ đã cải thiện đáng kể hiệu suất kinh doanh.
Trong dòng chảy chuyển đổi số, phụ nữ không chỉ là người tiếp nhận mà đang từng bước trở thành người kiến tạo xu hướng công nghệ, khởi nghiệp bằng chính trí tuệ, bản lĩnh và sự kết nối cộng đồng.
Từ những chai rượu gừng truyền thống đến ứng dụng AI trên sàn thương mại điện tử, hành trình khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam đang vươn xa, lan tỏa và thay đổi tương lai bằng chính công nghệ trong tay họ.