Tài chính

Phó Tổng Giám đốc HDBank tiếp tục đăng ký mua cổ phiếu HDB để đầu tư

Theo thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, ông Nguyễn Văn Hảo – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát Triển TP HCM (HDBank) vừa đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu HDB nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận trong thời gian từ 16/2 – 17/3/2023.

Hiện ông Hảo sở hữu 0 cổ phiếu HDB. Nếu thành công, Phó Tổng Giám đốc HDBank sẽ sở hữu tổng cộng 200.000 cổ phiếu HDB, tương đương gần 0,008% vốn điều lệ ngân hàng.

Đóng cửa phiên giao dịch 13/2, thị giá HDB dừng ở mức 18.050 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, Phó Tổng HDBank sẽ phải chi ra khoảng 3,6 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.

Trước đó, ông Hảo cũng đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu HDB trong thời gian 12/1 – 10/2/2023, nhưng không thực hiện thành công do diễn biến thị trường không thuận lợi.

Ngoài ông Hảo, nhiều lãnh đạo HDBank cũng đã mua vào hoặc đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu HDB trong thời gian gần đây.

Mới nhất, ông Trần Hoài Nam – Phó Tổng Giám đốc HDBank đã mua 105.000 cổ phiếu của nhà băng này, nâng lượng sở hữu lên hơn 1,9 triệu đơn vị. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn trong thời gian 26/12/2022 – 19/1/2023.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc HDBank cũng đã mua 50.000 cổ phần HDB trong thời gian 20/12/2022 đến 18/1/2022.

Trước đó, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank đã hoàn tất mua vào hơn 390.000 cổ phiếu HDB. Giao dịch được ông Thanh thực hiện từ ngày 06/12/2022 đến 4/1/2023 theo phương thức khớp lệnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng cũng mua vào 150.000 cổ phiếu từ ngày 15/11/2022 đến 14/12/2022, nâng sở hữu lên hơn 69,7 triệu cổ phiếu (tương đương 2,76% vốn cổ phần ngân hàng).

Trên thị trường, cổ phiếu HDB vẫn giữ vững được kênh tăng giá duy trì từ giữa tháng 11/2022. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu này đã tăng hơn 13%.

Mới đây, HDBank cũng đã điều chỉnh tỷ lệ tối đa sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (hay còn gọi là room ngoại) từ 18% lên 20%. Động thái này được cho sẽ giúp các quỹ đầu tư chuyên nghiệp quốc tế có thêm cơ hội gia tăng đầu tư và đồng hành với ngân hàng.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022 HDBank đã đạt được kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay với 10.268 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 27,2% so với cùng kỳ. Trong đó tổng doanh thu của ngân hàng cán mốc 21.967 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của ngân hàng cũng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Chất lượng tài sản của HDBank cũng được duy trì ở mức tốt với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ là 1,3%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 1,67%, thấp hơn nhiều so với mức 1,92% của toàn ngành. Tỷ lệ dư nợ trên tiền gửi thấp so với mức tối đa của ngân hàng nhà nước.

Đến ngày 31/12/2022, HDBank có 374 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 24,5 nghìn điểm giao dịch tài chính tiêu dùng và trên 16000 cán bộ nhân viên phục vụ trên 14 triệu khách hàng. Bên cạnh đó, HDBank có hệ sinh thái khách hàng rộng lớn và tiềm năng bao gồm khách hàng của HDBank, Vietjet Air và HD Saison.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm