Thành lập từ năm 1981, Thiên Long đã trở thành cái tên quen thuộc đồng hành cùng người tiêu dùng Việt Nam từ ghế nhà trường cho tới văn phòng, chiếm khoảng 60% thị phần bút viết trong nước từ năm 2016 đến nay. Năm 2019, Thiên Long lọt vào top 40 công ty văn phòng phẩm có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất thế giới - theo tổ chức tài chính Plimsoll (Anh).
Mới đây, theo BCTC hợp nhất 2022, Thiên Long ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục, đạt lần lượt 3.521 tỷ đồng và 401 tỷ đồng, tăng 32% và 45% so với năm 2021, vượt 8% doanh thu và 43% lợi nhuận theo kế hoạch đề ra trong ĐHĐCĐ. Như vậy, tính trung bình 1 ngày tập đoàn Thiên Long lãi gần 1,1 tỷ đồng sau thuế.
Tuy nhiên, trong chương trình “ The Next Power ” do S-World tổ chức, CEO Tập đoàn Thiên Long Trần Phương Nga cho biết trong hành trình kéo dài hàng chục năm qua, ngay cả khi công ty đang ổn, họ vẫn nỗ lực trở mình để vươn tới một cái đích khác.
Sơ đồ tổ chức ngược với CEO nằm ở vị trí thấp nhất
Trò chuyện với người dẫn chương trình Trương Lý Hoàng Phi, CEO Trần Phương Nga đề cập đến ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long. Theo bà, dù lớn tuổi nhưng sự trẻ trung của vị Chủ tịch này thậm chí hơn cả giới trẻ.
“ Anh ấy luôn muốn thử. Sai cũng được, thất bại cũng được, rất cởi mở. Đó là yếu tố mà tôi cảm thấy có sự tâm giao ”, bà Nga cho biết. Cũng theo bà, công thức thay đổi của Thiên Long là biết đích đến, đi tới, chấp nhận sai và bằng mọi giá phải đi được.
Một trong những thay đổi quan trọng của tập đoàn là quan điểm về lãnh đạo phụng sự. Bà Nga chia sẻ rằng cách đây hơn một năm, Thiên Long thay đổi thành sơ đồ tổ chức ngược, trong đó CEO nằm ở vị trí thấp nhất.
“ Với quan điểm lãnh đạo phụng sự, tôi không bao giờ mong muốn đề cao cái tôi của bản thân hay những người khác trong tổ chức. Hồi xưa, khi môi trường còn đơn giản, một người có thể ra quyết định được. Nhưng bây giờ mình đang cần rất nhiều yếu tố đổi mới, cần nguồn lực từ nhiều nơi, thì tính độc tài hay cá nhân không làm tổ chức lớn được ”.
“ Lãnh đạo phải là người phụng sự, là bệ đỡ, người dẫn dắt. Ở Thiên Long, thay vì định nghĩa doanh nghiệp là một cỗ máy, tôi định nghĩa đây là một mạng lưới - nơi mỗi con người là một nút thắt. Những nút đó được kết nối với nhau không chỉ bằng quy trình, mà còn là cảm xúc ”, CEO của Thiên Long bày tỏ.
Trước câu hỏi liệu việc thay đổi quá nhiều có tốt cho một tổ chức vốn đang ổn như Thiên Long hay không, bà Nga cho biết quá trình thay đổi sẽ đi kèm với hoạt động đo lường. “ Ban đầu thay đổi một chút tôi chưa cảm thấy đủ, bởi mọi thứ đang quá ăn khớp với nhau, nên nhiều lúc phải đẩy thêm chút nữa ”, bà nói.
Tuy nhiên, nữ lãnh đạo thẳng thắn thừa nhận khó có sự đồng thuận tuyệt đối trong tổ chức, bởi không phải ai cũng cảm thấy thay đổi là ổn.
“ Có những thay đổi không hoàn toàn chính xác. Có những thay đổi chưa tìm được đường đi, đích đến. Chấp nhận những trái chiều như vậy là điều bắt buộc. Trước những quan điểm khác nhau, tôi nghĩ ngoài việc chấp nhận, chúng tôi còn một may mắn là ở Thiên Long mọi người rất yêu thương nhau, nên việc chia sẻ tương đối cởi mở ”, bà Nga cho hay.
Bí quyết quản trị “6 chữ T”
Bà Nga bật mí tại Thiên Long có “6 chữ T” được ưu tiên, trước hết là chữ “Tài”. Dù thừa nhận đôi khi không thấu hiểu những người mới được tuyển dụng, CEO Thiên Long cho biết cả bà và Chủ tịch Cô Gia Thọ đều “ham người tài”. Do đó, họ “thấy người tài cứ mời vào”, không làm nhân viên thì làm người tư vấn.
Chữ T thứ hai được bà đề cập là “Tâm”, bởi nhiều người đã gắn bó rất lâu với Thiên Long, thậm chí gần như cả cuộc đời. Những yếu tố tiếp theo lần lượt là “Tình”, “Tiến Tới” và “Tốc độ”.
“ Cuối cùng mới là “Tiền”. Đây là yếu tố cuối cùng để chúng ta hướng tới một cái đích ”, bà Nga cho biết.
Đề cập tới những tính mới đã được tạo ra trong Thiên Long, vị CEO nhận định thành quả đáng tự hào nhất là đội ngũ nhân viên cảm thấy việc thay đổi không quá bất an.
“ Bây giờ công ty có nhiều bạn trẻ hơn. Quan điểm, cách làm việc, cách sinh hoạt cũng trẻ trung và thoải mái hơn. Sản phẩm của Thiên Long cũng có nhiều cái mới. Trẻ trung, năng động và có yếu tố cảm xúc trong đó ”.
“ Thứ ba là mối quan hệ với các đối tác mở rộng hơn nhiều. Tôi nghĩ những hỗ trợ về sản phẩm, con người trong nội tại và con người bên ngoài là bệ đỡ tương đối tốt để công ty tiếp tục hướng tới những thay đổi trong tương lai. Theo tôi đây mới chỉ là bắt đầu. Tuy nhiên, những thay đổi tiếp theo có lẽ dễ dàng hơn ”, bà Nga đánh giá.