Trong không khí trầm lắng của thị trường bất động sản, sức tiêu thụ của cả những sản phẩm sơ cấp và thứ cấp đều đang ở mức thấp. Bên cạnh đó, tình trạng lệch pha cung cầu cũng gây chú ý, với lượng sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp chiếm đa phần. Những căn hộ giá dưới 20 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi khu vực trung tâm các thành phố lớn.
Tại chương trình Landshow của VTV Money với chủ đề “Lệch pha cung cầu bất động sản” , ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá về mặt tích cực, Việt Nam đã có những khu đô thị quy mô tầm cỡ khu vực khi bất động sản cao cấp lên ngôi.
"Tất nhiên các nhà đầu tư luôn hướng đến những khách hàng mang lại lợi nhuận cao nhất. Thêm vào đó, số lượng dự án được phê duyệt rất ít. Vì vậy, các chủ đầu tư thuận lợi về pháp lý, có thể ra hàng luôn kỳ vọng nhắm vào người nhiều tiền để thu lợi nhuận cao. Tuy nhiên, cần cân nhắc yếu tố khả năng hấp thụ", ông chia sẻ.
Đề cập tới tình trạng lệch pha cung cầu, ông Thanh nhận định các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp chưa đủ hấp dẫn, nói thêm rằng Chính phủ và Bộ Xây dựng đang quyết liệt tìm mọi cách tháo gỡ để phát triển được phân khúc này.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp không quá mặn mà với phân khúc nhà ở xã hội bởi tính toán đến lợi nhuận. Ông Thanh chỉ ra rằng khi mức lương được tăng lên theo thời gian, chi phí nhân công và vật liệu đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, ông cho rằng không nên khống chế về đơn giá, mà chỉ kiểm soát và để thị trường quyết định các vấn đề đó.
"Nếu phát triển nhà ở xã hội y hệt nhà ở thương mại rồi đưa ra những khung giá không phù hợp với điều kiện thị trường, các nhà đầu tư rõ ràng không quan tâm. Làm ra sản phẩm còn phải xin phê duyệt về giá bán, cùng những thủ tục thậm chí phức tạp hơn nhà ở thương mại, được miễn mỗi tiền sử dụng đất để làm lợi thế giảm giá thành", Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ ra khó khăn của các doanh nghiệp.
Ông nhấn mạnh cần phải thay đổi tư duy làm. Muốn tiết kiệm chi phí phải thực hiện các dự án quy mô lớn, còn làm nhỏ không thể giảm.
"Cách đây 10 năm, một căn nhà giá để hòa vốn đã lên khoảng 17-18 triệu đồng/m2. Tuy còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhà giá dưới 15 triệu/m2 bây giờ không có. Nếu không làm quy mô lớn, giá vốn khoảng 20 triệu/m2 là bình thường. Mặc dù vậy, khống chế giá cả lại làm giảm chất lượng nhà, người dân vào ở bị xuống cấp ngay. Đấy là điều không nên".
"Khi tôi sang Hàn Quốc xem nhà ở xã hội tại quận Gangnam, chất lượng nhà của họ tốt như nhà ở cao cấp của chúng ta. Singapore cũng thay đổi rất nhanh về tư duy làm nhà ở xã hội. Phải làm để người dân có thể sinh sống lâu dài, hoặc khi họ vượt lên một tầm khác thì người đến sau có cơ hội sở hữu", ông Thanh nêu quan điểm.
Từ những lập luận này, ông Thanh đánh giá không nên chỉ nghĩ đến việc xây nhà ở xã hội giá rẻ, đồng thời cần có cơ chế, quy định để những người không thuộc diện sử dụng nhà ở xã hội nữa chuyển nhà cho nhóm người đang khó khăn hơn. Điều này giúp thị trường có tính uyển chuyển, thu hút nhà đầu tư, người dân cũng có cơ hội hưởng lợi.
"Với sự quyết liệt của Chính phủ và Bộ Xây dựng, tôi tin các dự án nhà ở xã hội sẽ được đầu tư quy mô lớn, bài bản, giúp thay đổi hình ảnh về nhà ở xã hội", ông Thanh bày tỏ.