Dinh dưỡng

Phình mạch máu não có tái phát không?

Tóm tắt:
  • Túi phình mạch máu não có thể tái phát sau can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật kẹp clip.
  • Tái phát thường xảy ra trong 3-5 năm do coil bị nén hoặc thành mạch yếu.
  • Triệu chứng tái phát gồm đau đầu, yếu liệt, rối loạn thị giác, co giật hoặc mất thăng bằng.
  • Người bệnh cần khám thần kinh và chụp MRI, MRA hoặc CTA để đánh giá tình trạng.
  • Kiểm soát huyết áp, ngừng hút thuốc và tập thể dục đều giúp phòng ngừa tái phát.

Trả lời:

Túi phình mạch máu não là tình trạng thành mạch giãn phình bất thường, thường xuất hiện tại các điểm phân nhánh của động mạch lớn như động mạch thông trước, động mạch thông sau hoặc động mạch cảnh trong. Phần lớn các túi phình nhỏ không gây triệu chứng rõ ràng, nhưng khi phát triển lớn hoặc vỡ có thể chèn ép dây thần kinh, mô não lân cận, gây đau đầu, yếu liệt, nguy cơ đột quỵ.

Túi phình mạch máu não sau điều trị bằng các phương pháp như can thiệp nội mạch đặt coil hoặc phẫu thuật kẹp clip song vẫn có nguy cơ tái phát. Khả năng túi phình phát triển trở lại thường xảy ra trong vòng 3-5 năm sau can thiệp coli, chủ yếu do các vòng coil bị nén lại theo thời gian hoặc thành mạch tiếp tục suy yếu.

Phương pháp kẹp clip có nguy cơ tái phát thấp hơn nhưng vẫn có thể xảy ra, nhất là với những túi phình nằm sâu, vị trí khó tiếp cận hoặc liên quan đến bất thường cấu trúc mạch máu bẩm sinh. Một số yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp kéo dài, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người bị phình mạch não cũng làm tăng nguy cơ tái phát.

Chụp MRI giúp đánh giá tình trạng mạch máu, phát hiện sớm túi phình hoặc bất thường nguy hiểm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Chụp MRI giúp đánh giá tình trạng mạch máu, phát hiện sớm túi phình hoặc bất thường nguy hiểm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Túi phình tái phát thường ít biểu hiện triệu chứng cho đến khi đạt kích thước lớn hoặc sắp vỡ. Người bệnh xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau đầu nhiều, rối loạn thị giác (nhìn mờ, nhìn đôi), tê yếu nửa người, nói khó, mất thăng bằng, co giật hoặc ngất xỉu thoáng qua, cần khám sớm. Bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy túi phình đang chèn ép dây thần kinh hoặc chuẩn bị vỡ.

Ba bạn xuất hiện đau đầu kèm yếu tay trái là dấu hiệu bất thường cần được đánh giá chuyên sâu. Bạn nên sớm đưa ba đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để bác sĩ khám, thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như cộng hưởng từ (MRI), chụp mạch máu não (MRA, CTA) nhằm xác định nguyên nhân và có hướng xử trí kịp thời.

Để phòng ngừa tái phát túi phình mạch máu não, người bệnh cần duy trì lối sống và ăn uống khoa học, kiểm soát huyết áp, ngừng hút thuốc lá đồng thời tập luyện thể dục vừa sức, đều đặn để cải thiện sức khỏe mạch máu. Khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ giúp phát hiện sớm và xử lý kịp thời các bất thường nếu có.


Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp

Các tin khác

Mua gói bảo hiểm nhân thọ hơn 500 triệu đồng, người đàn ông được thông báo: "Sau 25 năm, số tiền anh nhận về có thể chỉ vài nghìn đồng"

"Tôi từng nghĩ, bảo hiểm nhân thọ là một khoản đầu tư dài hạn – đóng vài trăm triệu, sau này sẽ nhận lại một khoản lớn. Nhưng nhiều năm sau, tư vấn viên thông báo, nếu rút, số tiền tôi nhận về có thể chỉ còn lại... vài chục triệu sau 7 năm, thậm chí vài nghìn đồng sau 25 năm."