Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, dự thảo đề xuất phương pháp tính phí sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe như sau:
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được chủ động trong việc sử dụng các phương pháp để tính toán phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu: Phí bảo hiểm phải được xây dựng dựa trên số liệu thống kê, bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài và phải tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm; đảm bảo được các quyền lợi đã cam kết với bên mua bảo hiểm.
Phí bảo hiểm phải đảm bảo tính hợp lý, công bằng với bên mua bảo hiểm và đảm bảo an toàn tài chính và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.
Phí bảo hiểm phải được xác định dựa trên cơ sở tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe của người tham gia bảo hiểm. Trường hợp áp dụng một mức phí chung cho nhóm khách hàng tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải thể hiện rõ nguyên tắc, phương pháp xác định mức phí chung đó.
Trường hợp giảm phí bảo hiểm căn cứ trên quy mô nhóm, số tiền bảo hiểm hoặc khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến giảm các rủi ro bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký cụ thể các trường hợp, nguyên tắc, căn cứ giảm phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm sau khi giảm phải đảm bảo không thấp hơn so với phí bảo hiểm thuần của sản phẩm bảo hiểm.
Phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm đối với bảo hiểm xe cơ giới
Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chủ động áp dụng phương pháp tính phí bảo hiểm xe cơ giới phù hợp, bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
Phí bảo hiểm được xây dựng bảo đảm tuân thủ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 87 Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi);
Phí bảo hiểm gộp bao gồm phí bảo hiểm thuần, chi phí triển khai sản phẩm (bao gồm phí quản lý giám sát hoạt động bảo hiểm, các khoản trích lập bắt buộc theo quy định pháp luật, chi hoa hồng, chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chi phí quản lý doanh nghiệp) và lợi nhuận dự kiến;
Áp dụng một hoặc một hoặc một số các yếu tố liên quan đến rủi ro sau đây làm cơ sở tính phí bảo hiểm, bao gồm: Tuổi, giới tính lái xe cơ giới; loại xe cơ giới; hãng xe, thương hiệu xe cơ giới; mục đích sử dụng xe cơ giới; năm sản xuất, thời gian hoạt động của xe cơ giới; trang thiết bị an toàn của xe cơ giới; thói quen điều khiển, lộ trình điều khiển xe cơ giới; địa bàn hoạt động của xe cơ giới; lịch sử tai nạn, tổn thất của xe cơ giới.
Trường hợp sử dụng các yếu tố liên quan đến rủi ro khác ngoài các yếu tố nêu trên, doanh nghiệp bảo bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bảo đảm có số liệu thống kê thực tế triển khai trong vòng 5 năm liên tiếp về yếu tố liên quan đến rủi ro khác;
Việc giảm phí bảo hiểm bảo đảm nguyên tắc phí bảo hiểm sau khi giảm phí không thấp hơn phí bảo hiểm thuần và căn cứ trên: Số lượng xe cơ giới tham gia bảo hiểm/khách hàng; Khách hàng thường xuyên; Lựa chọn khấu trừ cao hơn mức tối thiểu; Kênh phân phối; Phân phối sản phẩm theo các gói kết hợp nhiều sản phân phối; Lịch sử yêu cầu bồi thường; Các yếu tố liên quan khác (nếu có) làm giảm, phân tán, chia sẻ rủi ro hoặc giảm chi phí triển khai sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới;
Phí bảo hiểm của các điều khoản bảo hiểm bổ sung bảo đảm tương ứng với điều kiện, trách nhiệm bảo hiểm; trường hợp điều khoản bổ sung mở rộng phạm vi bảo hiểm theo các điều kiện bảo hiểm chính thì phải phải tăng phí bảo hiểm, thu hẹp phạm vi bảo hiểm thì giảm phí bảo hiểm nhưng trong mọi trường hợp không được giảm hơn mức phí thuần.