Tài chính

Chuyên gia: Nới biên độ tỷ giá USD/VND lên 5%, NHNN sẽ giảm được việc bán ra nhiều ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa VND và USD từ mức +/-3% lên +/-5%. Theo cơ quan quản lý tiền tệ, việc điều chỉnh biên độ này nhằm chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Nhận định về động thái này, chuyên gia kinh tế  TS. Lê Xuân Nghĩa đã chỉ ra hai lý do khiến NHNN tiến hành điều chỉnh biên độ tỷ giá.

 TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: DNVN).

Theo chuyên gia, lạm phát của Mỹ vẫn rất cao, đặc biệt là lạm phát cơ bản (không kể giá năng lượng và lương thực). Do vậy Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất khiến cho USD tăng giá và kéo theo các đồng tiền trên toàn cầu bị mất giá so với USD, trong đó có VND.

“Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD. Yen Nhật mất giá khoảng 40%, euro và bảng Anh mất giá khoảng 30%, Trung Quốc - quốc gia có mức độ mất giá nội tệ thấp nhất cũng mất giá khoảng 8%. VND là một trong số ít các đồng tiền mất giá ít nhất, khoảng 4,5%”, TS. Lê Xuân Nghĩa thông tin.

 

Trong bối cảnh áp lực vẫn rất lớn do Mỹ vẫn tiếp tục tăng lãi suất, NHNN không thể áp dụng chiến lược ổn định tỷ giá hối đoái một cách thụ động, mà cần phải linh hoạt cả phía tỷ giá hối đoái và lãi suất.

“Nếu không áp dụng linh hoạt, ví dụ không tăng lãi suất, chỉ bán ngoại tệ để cân bằng cung cầu ngoại tên trên thị trường hối đoái thì dự trữ ngoại tệ sẽ hết trong thời gian ngắn. Ngược lại nếu không bán ngoại tệ mà chỉ tăng lãi suất, lãi suất tiền gửi sẽ có xu hướng tăng. Trong bối cảnh doanh nghiệp rất cần tiền, việc tăng lãi suất sẽ dẫn đến nguy cơ đà phục hồi kinh tế bị chững lại”, ông nói và nhắc lại NHNH đang phối hợp linh hoạt nhiều chính sách, trong đó có chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoái để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu.

 

Nguyên nhân thứ hai, theo ông Nghĩa, có thể là do sức ép từ cán cân vãng lai. Cán cân thương mại của nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, động thái điều chỉnh biên độ của NHNN có hai lợi ích. Doanh nghiệp sẽ có khung mua bán rộng hơn để đáp ứng mức độ biến động tỷ giá trên thị trường. Quan trọng hơn cả là NHNN giảm tần suất can thiệp, giảm việc bán ra nhiều ngoại tệ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm