Doanh nghiệp

Phát Đạt muốn chào bán riêng lẻ hơn 67 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp để trả nợ trái phiếu

Dự kiến vào ngày 30/6 tới đây, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (: PDR) sẽ tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Tờ trình đại hội cho biết, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 680 tỷ đồng. Kế hoạch này giảm 48% về doanh thu và giảm 41% về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm 2022. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến tối thiểu 15% vốn điều lệ.

Trong ba tháng đầu năm nay, Phát Đạt đạt hơn 192 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 69,3% và lãi ròng trên 24 tỷ đồng, giảm 91,5% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, Phát Đạt đạt gần 1.161 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Công ty đã dùng phần lợi nhuận này để chi trả thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập quỹ đầu tư phát triển 2% sẽ được để lại dùng cho hoạt động đầu tư kinh doanh của công ty trong năm 2023, không trích quỹ khen thưởng, phúc lợi và không chia cổ tức 2022.

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).

Huy động vốn trả nợ trái phiếu và phát triển dự án

Hai nội dung quan trọng HĐQT Phát Đạt dự kiến trình tại đại hội lần này bao gồm các phương án huy động vốn từ chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, công ty có kế hoạch chào bán hơn 67 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp trong năm nay. Toàn bộ vốn hơn 670 tỷ đồng dự kiến huy động được dùng để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu mà công ty đã phát hành trong hai năm 2021-2022. Thời gian trả nợ dự kiến trong quý III, IV/2023 và năm 2024 trên cơ sở thỏa thuận giữa công ty và người sở hữu trái phiếu.

Biến động giá cổ phiếu PDR. (Nguồn: Wichart).

Trường hợp một số trái phiếu đáo hạn trước thời điểm hồ sơ chào bán riêng lẻ, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT đàm phán với các trái chủ để gia hạn thời gian thanh toán. Trong trường hợp đàm phán không thành công, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT lên phương án chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ khác để thanh toán đúng theo quy định trong điều khoản của các trái phiếu.

Trường hợp số tiền huy động được từ đợt chào bán riêng lẻ không đạt được 100% như kế hoạch, HĐQT sẽ cân nhắc bổ sung vốn còn thiếu thông qua số tiền thu được từ hoạt động kinh doanh và các hình thức huy động vốn khác phù hợp với quy định pháp luật.

Từ cuối quý IV năm ngoái, Phát Đạt đã liên tục mua lại nhiều lô trái phiếu trước hạn và tất toán các khoản vay đến hạn. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ vay của công ty còn 4.440 tỷ đồng (giảm 825 tỷ đồng so với cuối quý III), trong đó có 2.510 tỷ đồng nợ trái phiếu.

Cập nhật đến ngày 31/3/2023, tổng dư nợ của Phát Đạt còn khoảng 3.477 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu còn 1.621 tỷ đồng.

Dư nợ vay của Phát Đạt tại ngày 31/3/2023. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2023 của Phát Đạt).

Phát Đạt cũng có kế hoạch phát hành tối đa hơn 134 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp và tỷ lệ chào bán là 1:5,5 (cổ đông sở hữu một cổ phiếu được hưởng một quyền mua, mỗi 5,5 quyền mua được mua 1 cổ phiếu chào bán thêm).

Hơn 1.343 tỷ đồng dự kiến thu được sẽ được sử dụng để triển khai các dự án của Phát Đạt và của công ty con, bao gồm: Phân khu số 2 và 9 Khu du lịch sinh thái Nhơn Hội – Bình Định (132 tỷ đồng); Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh – Bình Định (hơn 511 tỷ đồng); Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp – Ngô Mây, Bình Định (400 tỷ đồng); Astral City - Bình Dương (300 tỷ đồng).

Phương án sử dụng vốn dự kiến từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm