Thiếu hụt nhân sự - bài toán nan giải cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo kết quả đánh giá uy tín của các công ty bảo hiểm do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report-VNR), thu hút nguồn nhân lực phù hợp có thể là thách thức lớn nhất mà các công ty bảo hiểm phải đối mặt vào năm 2022.
Bảo hiểm là ngành có tốc độ tăng trưởng hai chữ số ngay cả trong thời kỳ bùng nổ của đại dịch. Tuy nhiên, theo khảo sát có đến 20% số doanh nghiệp bảo hiểm đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân sự.
Đáng chú ý, tỷ lệ nhân sự tốt nghiệp từ chuyên ngành bảo hiểm dưới 10% diễn ra khá phổ biến, được ghi nhận tại 40% doanh nghiệp bảo hiểm. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất số lượng các trường đại học, học viện có chuyên ngành đào tạo về bảo hiểm không nhiều và việc đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm tại các trường đại học nhìn chung vẫn mang tính lý thuyết. Có một khoảng cách tương đối lớn giữa kiến thức sinh viên được học ở trường đại học và công việc thực tế khi đi làm.
Thứ hai, đại dịch COVID-19 hoành hành trong hai năm vừa qua cộng thêm việc giãn cách xã hội dài ngày khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Chính vì thế, những công việc như tư vấn bảo hiểm trực tuyến được nhiều người lựa chọn. Thêm vào đó, để có thể đạt doanh thu như kỳ vọng, việc mở rộng đội ngũ nhân viên tư vấn trực tuyến là một chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian này.
Việc tuyển dụng nhân sự không vững nghiệp vụ đã gây ra nhiều khó khăn cho không chỉ doanh nghiệp mà cả khách hàng.
"Việc thiếu hụt nhân sự có kỹ năng chuyển đổi số cũng là một bài toán nan giải đối với các DNBH hiện nay, cản trở việc đánh giá rủi ro có thể gặp phải liên quan đến bảo mật thông tin, dữ liệu. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ nhân sự am hiểu về Insurtech tại các công ty bảo hiểm chủ yếu ở mức 50-70%. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên hiện có cũng như tuyển dụng thêm những nhân sự có sự am hiểu về Insurtech", Vietam Report khuyến nghị
Những thành tựu và triển vọng cho ngành bảo hiểm
Báo cáo cũng cho thấy, 80% số doanh nghiệp bảo hiểm đang tập trung vào chiến lược "Cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng". Mức độ hài lòng của khách hàng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm ở cả 3 tiêu chí là sự hiện diện, năng lực phục vụ và chất lượng sản phẩm đều tăng lên.
Ngành cũng đang chứng kiến xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, khi mà có 90% số công ty bảo hiểm tham gia khảo sát hiện đang triển khai chương trình chuyển đổi số, số còn lại dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới.
Trong bối cảnh phục hồi chung của toàn nền kinh tế, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến tăng trưởng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2022 chỉ từ 10-14%, thấp hơn khá nhiều nếu so với mức tăng trưởng thực tế 24,98% trong năm 2021.
Đáng chú ý, nhóm phi nhân thọ lại khá thận trọng với các kế hoạch kinh doanh năm nay. Nguyên nhân đến từ 1) Xu hướng tăng trưởng chậm lại của nhóm bảo hiểm nhân thọ trong 2 năm trở lại đây; 2) Các khoản chi phí tăng mạnh trở lại khi cuộc sống trở về bình thường: tỷ lệ bồi thường, chi phí bán hàng…; 3) Cơ hội đầu tư cũng phải chắt lọc hơn
Theo nhận định của các chuyên gia, những khó khăn trên chỉ là ngắn hạn, tiềm năng thị trường trong dài hạn vẫn còn rất lớn.