Khi các hạn chế phòng chống dịch ở Hàn Quốc được dỡ bỏ, nhiều cặp đôi bắt đầu tổ chức đám cưới sau hai năm đình trệ. Điều này vô tình khiến bạn bè, người thân của cô dâu, chú rể gặp khó khăn giữa thời kỳ chi phí sinh hoạt tăng cao.
"Lương thấp, giá cả tăng cao, sinh hoạt eo hẹp, cộng với việc ăn cưới triền miên khiến tôi chịu áp lực lớn", Jang, người vừa tìm được việc làm, than thở.
Theo truyền thống, khách đến dự đám cưới ở đất nước này buộc phải gửi tiền mừng để chúc phúc vợ chồng trẻ. Số tiền này được cặp đôi chi cho tiệc cưới và mua quà tặng khách mời.
Tùy điều kiện kinh tế và mối quan hệ thân thiết hay xã giao, khách sẽ gửi một khoản tiền tương ứng. Trong trường hợp không thể tới dự tiệc, người thân và bạn bè có thể gửi tiền mừng hoặc chuyển khoản. Một số khách gửi tặng hơn 300.000 won (khoảng 5,4 triệu đồng) thay lời chúc phúc vợ chồng trẻ.
Nhưng hai năm Covid-19 khiến nhiều người kiệt quệ kinh tế, công việc bất ổn, thua lỗ khi đầu tư vào cổ phiếu và tiền điện tử. Họ buộc phải tiết kiệm tối đa trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
"Mỗi khi nhận thiệp tôi biết mình sắp mất tiền. Thật buồn khi không thể thành tâm chúc mừng hạnh phúc đôi trẻ và chỉ quan tâm đến tình hình tài chính, bởi lương giữ nguyên còn chi tiêu tăng mạnh", người đàn ông họ Kim chia sẻ.
Kim nói phải chi ít nhất 100.000 won (1,8 triệu đồng) cho mỗi đám cưới, mức tối thiểu để bỏ phong bì. Còn bản thân Jang phải chật vật để có tiền mừng, thậm chí vay tiền bố mẹ.
Trước tình cảnh sinh hoạt phí tăng cao, Lee, 33 tuổi phải từ bỏ thói quen cà phê sáng nhưng không thể trốn các lời mời đám cưới. Hiểu rõ vợ chồng trẻ bỏ ra số tiền lớn để tổ chức đám cưới, nhất là khi giá hoa và thực phẩm tăng, Lee e ngại phong bì 100.000 won vẫn ít và dễ bị cho là keo kiệt.
Để giảm thiểu chi tiêu, nhiều người Hàn đã chọn chuyển khoản tiền mừng thay vì đến tiệc cưới. Cho, 27 tuổi quy định chỉ mừng cưới 50.000 won với người quen, còn nếu đến tham dự tiệc chiêu đãi, số tiền tối thiểu là 100.000 won.
Nhưng điều này tạo áp lực lên các cặp đôi có ý định tổ chức đám cưới. "Tôi không muốn lời mời tới dự lễ cưới thành 'hóa đơn' với bạn bè, người thân. Nhưng vẫn phải mời và nhận tiền mừng vì tiệc cưới có chi phí 70.000-80.000 won cho mỗi khách", Park, người sẽ tổ chức kết hôn vào tháng 7, nói.
Còn Seong, người vừa kết hôn gần đây nhận ra, tổ chức đám cưới gây ra nhiều căng thẳng hơn niềm vui. Thậm chí một số tình bạn bị hủy hoại vì tiền mừng.
Kim Tae-gim giáo sư ngành Kinh tế, Đại học Dankook (Hàn Quốc) cho rằng nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất về tài chính là người trẻ và có thu nhập thấp. "Họ không đủ điều kiện kinh tế để dự những lễ cưới như vậy", ông Kim nói.
Nhưng việc từ bỏ quan niệm gửi tiền mừng đám cưới không đơn giản. "Đây là phong tục biểu trưng cho lời chúc phúc của người thân, bạn bè với cô dâu, chú rể nên không thể biến mất. Dù với tình hình giá cả tăng cao, đám cưới có thể thành áp lực với cả cặp đôi và khách mời", Yoon Sang-chul, giáo sư ngành Xã hội học, Đại học Hanshin, nhận định.
(Theo Korea joongang daily)