Khởi nguồn của sự thay đổi
Một trong những giai thoại về Elon Musk rất nổi tiếng là chuyện ông sa thải người trợ lý đã làm việc cho mình trong suốt 12 năm sau khi cô này yêu cầu tăng lương.
Cần biết rằng đây là một người rất thân cận với tỉ phú. Ở một góc độ nào đó, cô được coi là một phần của Elon.
Cô ấy đã gắn bó hoàn toàn với ông, đã làm việc nhiều giờ, kể cả cuối tuần và đêm muộn, di chuyển từ Los Angeles đến Thung lũng Silicon và ngược lại.
Cô từng quản lý lịch trình của Elon giữa Tesla và SpaceX. Cô cũng hỗ trợ trong quan hệ công chúng và đưa ra các quyết định của công ty.
Về bản chất, cô này được xem như một trợ lý cá nhân tận tụy. Cô sẵn sàng mang đồ ăn, quản lý các cuộc hẹn, lên kế hoạch thời gian dành cho con cái, chuẩn bị quần áo cho tỉ phú, đối diện với báo chí và khi cần thiết sẽ kéo ông ra khỏi các cuộc họp để có thể giữ đúng lịch trình.
Điều này khiến cô ấy giống như một thứ tài sản vô giá của công ty, và một ngày cô đưa ra yêu cầu được tăng lương với Musk.
Khi đó, Musk chỉ nói: “Tôi đồng ý là cô rất quan trọng với tôi và công ty. Có lẽ yêu cầu tăng lương là chính đáng thôi.Nhưng cô hãy cứ nghỉ ngơi hai tuần và tôi sẽ đánh giá xem việc tăng lương có thực sự đúng đắn hay không.”
Điều mà Elon muốn biết là liệu cô trợ lí kia có phải là người không thể thay thế hay không, vì vậy ông đã cho cô ấy nghỉ hai tuần để đánh giá xem mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào khi cô vắng mặt.
Sau hai tuần, Musk đã nhận ra thứ mình cần. Ông biết rằng mình có thể làm việc thoải mái mà không cần sự trợ giúp của trợ lí. Vì vậy, ông đã sa thải cô ấy.
Theo Business Insider, ông Musk cho biết: “Trong tất cả những giai thoại giả tạo về tôi, đây là những gì mang đến cho tôi nhiều phiền phức nhất. Aslee (tác giả) thậm chí chưa bao giờ kể cho tôi hoặc trợ lý của tôi nghe câu chuyện này. Nó hoàn toàn rất vô lý.” Tuy nhiên, câu chuyện này cũng gợi cho Musk những suy nghĩ về số lượng nhân viên hiện có mà ông không cần.
Bắt tay hành động
Sau vụ việc trên, Musk bắt đầu cắt giảm số lượng nhân viên. Không quan trọng người đó đã làm việc cho ông trong bao lâu. Nếu vị trí của họ không thực sự cần thiết, họ sẽ bị sa thải.
Năm 2018, Musk sa thải nhân viên nhanh khủng khiếp. Theo Entrepreneur, nhân viên Tesla còn được khuyến cáo không nên đi ngang qua Musk khi ông đang sẵn cơn bực tức trong người.
Vấn đề này cũng được Futurism tổng hợp lại, rằng Elon Musk lang thang trong nhà máy và sa thải nhân viên với tâm trạng thất thường.
Thực tế, Musk không phải là kiểu người sẵn sàng sa thải một ai đó chỉ vì tâm trạng thất thường hay vì họ đã vượt quá giới hạn. Ông hẳn phải có những cân nhắc thấu đáo trước khi thực hiện.
Cùng thời điểm vào năm 2018, Musk đã sa thải 7 nhà quản lý SpaceX vì tiến độ phát triển vệ tinh băng thông rộng diễn ra chậm chạp. Ông muốn giữ đúng lịch trình ra mắt vào giữa năm 2019.
Theo tạp chí Bloomberg, vào tháng 1 năm 2019, Tesla đã sa thải hơn 3000 công nhân, trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ.
Quyết định này đã gây ra một làn sóng chấn động trong toàn ngành công nghiệp. Musk nhấn mạnh rằng cuộc thanh lọc này là cần thiết để “cho phép công ty đi đúng hướng, để công ty luôn có những con người bắt kịp với xu thế mới. Đó là yêu cầu phải có của một công ty làm việc với những tiến bộ mới nhất của công nghệ”.
Vào tháng 3 cùng năm, Observer báo cáo Tesla đã sa thải một phần ba đội ngũ tuyển dụng toàn cầu của mình, tương đương với khoảng 150 người.
Một số người suy đoán rằng việc sẵn sàng sa thải nhân viên là một dấu hiệu cho thấy Musk quan tâm ít đến hạnh phúc của nhân viên và quan tâm nhiều đến sự phát triển của các công ty ông sở hữu. Trong khi đó, Musk chỉ giải thích rằng mọi thứ xuất phát từ nhu cầu giảm chi phí và kiếm thêm lợi nhuận.
“Tôi không muốn phải sa thải bất kỳ ai. Nhưng nếu không làm như vậy, chúng tôi sẽ phải trả rất nhiều tiền cho những người không làm gì cả”, Musk nói.
Tầm nhìn sâu rộng của ông đã được đền đáp. Vào tháng 1 năm 2021, Tesla ghi nhận năm đầu tiên có lãi. Họ đã tích lũy được lợi nhuận 721 triệu USD vào năm 2020, trái ngược với khoản lỗ 862 triệu USD vào năm 2019.
Bài học rút ra
Quyết định của Musk về vấn đề nhân sự dưới trướng là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng việc kinh doanh không chỉ dựa trên mỗi tinh thần kinh doanh, mà còn bao gồm việc xây dựng các công ty với hiệu suất cao, có thể tồn tại lâu dài.
Một bài học khác dành cho mỗi người lao động là hãy cố gắng để trở thành một người không thể thay thế tại nơi làm việc. Nếu không, giá trị của chúng ta có thể không được công nhận. Và trong trường hợp như vậy, ta có thể bị mất việc một cách dễ dàng.