Doanh nghiệp

Hoa Sen ế 2 triệu cổ phiếu HSG chào bán giá ưu đãi 10.000 đồng/cp

Một siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home. (Ảnh: HSG).

Đại hội cổ đông thường niên ngày 21/3 và Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) đã phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đối với cán bộ lãnh đạo, quản trị - điều hành chủ chốt năm 2022 “nhằm gắn kết lợi ích giữa cán bộ nhân viên và công ty, thu hút, duy trì và thúc đẩy cán bộ nhân viên có năng lực, gắn bó lâu dài”.

Hoa Sen đã lập danh sách các cán bộ lãnh đạo, quản trị - điều hành chủ chốt đủ điều kiện tham gia chương trình ESOP. Tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành là 4.934.800 đơn vị, giá chào bán là 10.000 đồng/cp, tức là thấp hơn đáng kể so với giá trên thị trường.

Thực tế đến ngày 30/6, các cán bộ của Hoa Sen đã nộp tiền mua 2.930.800 cổ phiếu, còn lại 2.004.000 cổ phiếu không được mua hết.

HSG kết phiên 1/7 ở mức 16.900 đồng/cp, tức là cao hơn 69% so với giá chào bán trong đợt ESOP.

Ban đầu, Hoa Sen quy định thời gian nhận tiền mua cổ phiếu ESOP là từ 3/6 đến 20/6. Sau đó, tập đoàn gia hạn nộp tiền đến ngày 30/6 nhưng vẫn có nhiều cán bộ lãnh đạo không mua cổ phiếu HSG với giá 10.000 đồng/cp.

Các cán bộ cấp cao và người thân (thuộc diện phải công bố thông tin giao dịch) đã mua tổng cộng 2.164.000 cổ phiếu HSG trong đợt ESOP vừa qua, như thể hiện trong bảng thống kê dưới đây:

Nhiều lãnh đạo của Hoa Sen tham gia vào đợt ESOP vừa qua nhưng không mua hết tổng số cổ phiếu HSG mà tập đoàn muốn phát hành.

Trong đợt ESOP vừa qua, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ mua nhiều nhất với 500.000 đơn vị HSG trị giá 5 tỷ đồng, qua đó củng cố vị thế cổ đông lớn nhất tại Tập đoàn Hoa Sen. Trong diễn biến mới đây, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen cũng do ông Vũ làm Chủ tịch đã bán sạch 17,75 triệu cổ phiếu HSG trong ngày 24/6, thu về khoảng 250 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Trần Ngọc Chu và Tổng Giám đốc Trần Quốc Trí mỗi người mua 250.000 cổ phiếu HSG trong đợt ESOP này.

Trước khi giao dịch ESOP diễn ra, chỉ có Thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Văn Luân và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Huy công bố đăng ký mua vào.

Các lãnh đạo còn lại của Hoa Sen – bao gồm Chủ tịch Lê Phước Vũ – chỉ thông báo kết quả giao dịch, không thông báo dự định giao dịch. Danh sách các lãnh đạo tham gia chương trình ESOP cũng chưa từng được Hoa Sen công bố.

Hoa Sen cho biết sẽ tiếp tục phân phối 1,97 triệu cổ phiếu HSG trong chương trình ESOP mà người lao động không mua trong đợt đầu cho những người lao động khác của công ty.

Điều kiện chào bán không thay đổi, tức là giữ nguyên mức giá 10.000 đồng/cp, hạn chế chuyển nhượng trong 12 tháng kể từ ngày kết thúc việc thu tiền mua cổ phiếu của người lao động.

Hạn chót để nộp tiền mua cổ phiếu ESOP đợt này là ngày 4/7. Nếu người lao động vẫn không đăng ký mua hoặc nộp tiền không đúng thời hạn thì những cổ phiếu còn lại sẽ bị hủy bỏ.

Kết phiên hôm nay 1/7, giá cổ phiếu HSG dừng ở 16.900 đồng/cp, giảm 55% so với đầu năm 2022 và thấp hơn 66% so với đỉnh lịch sử trong tháng 10 năm ngoái, tuy nhiên vẫn cao hơn 69% so với giá phát hành 10.000 đồng/cp của đợt ESOP.

 Tiêu thụ tôn mạ của Hoa Sen suy giảm trong tháng 5/2022.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hoa Sen tiêu thụ gần 100.700 tấn tôn mạ trong tháng 5, giảm 35,5% so với tháng liền trước đồng thời thấp hơn 43% so với cùng kỳ 2021.

Mặc dù vậy, Hoa Sen vẫn đang dẫn đầu toàn ngành với thị phần 5 tháng đầu năm đạt 29,7%, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Các vị trí tiếp theo thuộc về Nam Kim (Mã: NKG), Tôn Đông Á, TVP và Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG).

Thị phần của Hoa Sen suy giảm đáng kể so với 2021 nhưng vẫn dẫn đầu toàn ngành.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm