Kinh doanh

Phá “bức tường băng”, mở lối cho kinh tế tư nhân bứt phá

Tóm tắt:
  • Nghị quyết 68 được kỳ vọng là bước đột phá thứ ba trong phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.
  • Nghị quyết tập trung giảm thủ tục hành chính, bảo vệ doanh nghiệp tư nhân, và khơi thông nguồn lực.
  • Việc xóa bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết được xem là “phá băng” cho khu vực tư nhân.
  • Cải cách thể chế được xác định là giải pháp then chốt để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68.
  • Các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được hoàn thành trong năm 2025, hướng tới tăng trưởng kinh tế tư nhân 8-10% từ 2026-2030.

Nghị quyết phá ‘bức tường băng’

Tại tọa đàm “Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức mới đây, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đánh giá, sự ra đời của Nghị quyết 68 là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay.

Ông Hiếu cho rằng, việc triển khai tốt Nghị quyết 68 thì đây có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Theo ông, đột phá thứ nhất là việc thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân (giai đoạn 1988-1990). Đột phá thứ hai là trao quyền kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, chủ yếu ở mức gia nhập thị trường (năm 1999-2000, với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp).

Đáng lưu ý, "Nghị quyết 68 sẽ giúp thay đổi khu vực kinh tế tư nhân về chất”, ông Hiếu nói.

W-kinh te tu nhan.jpg
Nghị quyết 68 được đánh giá đã đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay. Ảnh: Hoàng Hà

Nhìn lại các giải pháp đưa ra trong nghị quyết, ông Hiếu nhắc đến ba nhóm mục tiêu mà Bộ Chính trị mong muốn.

Thứ nhất là tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường. Đó là xóa bỏ các rào cản hành chính thông qua việc cắt giảm 30% thủ tục quy định chi phí tuân thủ. Đây là tiến bộ rất lớn so với thời điểm những năm 2000.

Thứ hai là tăng mức độ bảo vệ. Việc xử lý trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân đã theo hướng không hình sự hoá, giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho khu vực này.

Cuối cùng là khơi thông nguồn lực, giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, về vốn, nhân sự.

Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), có thể khẳng định, nghị quyết lần này có tính đột phá cao. Bà dẫn chứng, điều kiện kinh doanh vốn được xem như một “bức tường” rất khó tháo gỡ thì nay, Nghị quyết 68 nêu rõ: chuyển toàn bộ sang công bố, không để các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân.

"Đây là một đột phá thực sự, gần như bức tường được phá băng", bà đánh giá.

Một điểm rất quan trọng, bà Thủy nhấn mạnh, là niềm tin. Lần này, Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự tin tưởng sâu sắc đối với khu vực tư nhân. 

Lý do là bởi hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng hơn 20% GDP; khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng tương đương. Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước chiếm hơn 50%. Nếu mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8% và tới đây là tăng trưởng hai con số thì vai trò của kinh tế tư nhân là cực kỳ quan trọng.

Việc cần làm ngay

Dưới góc độ một doanh nghiệp, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cho hay, doanh nghiệp có 4 mối quan tâm xuyên suốt nhiều năm qua, đó là về chi phí, thủ tục, thị trường và làm sao để chuyển đổi xanh theo định hướng. Nghị quyết 68 đã có các điểm rất cởi mở, tuy nhiên quan trọng là để chính sách này vào cuộc sống.

Để làm được điều đó, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cải cách thể chế là biện pháp then chốt, mang lại hiệu quả nhất, công bằng nhất, tốn ít chi phí nhất.

“Nhìn vào Nghị quyết 68, số lượng giải pháp về cải cách thể chế là chủ đạo. Nếu chúng ta tập trung cải cách mạnh mẽ về thể chế thì tác động sẽ rất lớn. Thể chế phải đi trước thì mới có kết quả”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Về lâu dài, ông đề xuất thành lập một Cơ quan Cải cách thể chế độc lập, trực thuộc Thủ tướng, có quyền đề xuất pháp luật và giám sát thi hành.

Như ở Hàn Quốc, mọi đề xuất trước khi trở thành dự thảo pháp luật chính thức đều phải được Bộ Tư pháp thẩm tra. Nếu bộ này đánh giá chất lượng dự thảo chưa đạt yêu cầu, dự thảo sẽ được trả về để soạn thảo lại.

Còn bà Bùi Thu Thủy đánh giá, chưa bao giờ việc hiện thực hóa nghị quyết được triển khai nhanh như hiện nay.

"Trong hai tháng qua, đội ngũ chúng tôi làm việc gần như không nghỉ, ngày đêm triển khai nội dung. Trong đó, Quốc hội đã công bố 9 nhóm giải pháp, với các nội dung rõ ràng, được áp dụng ngay. Về chương trình hành động, gồm khoảng 50 nhiệm vụ, phần lớn sẽ hoàn thành trong năm 2025", bà Thủy chia sẻ. 

Bà cho hay, nghị quyết có tầm nhìn tới 2045, nhưng nhiệm vụ chính yếu dồn trong hai năm để đảm bảo “thể chế phải đi trước”. Giai đoạn 2026-2030 sẽ khơi thông, phát huy nguồn lực tư nhân, hướng tới tăng trưởng 8-10%. Nếu công tác thể chế kéo dài đến 2029 sẽ không kịp thực hiện mục tiêu.

"Dự kiến nghị quyết của Chính phủ sẽ được ban hành trong tháng 5, có thể ngay tuần tới", bà nói.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

9h sáng nay (12/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 119 - 121 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Sân bay Long Thành ‘đã thức giấc sau nhiều năm ngủ yên’

Đến nay, cả nước đã hoàn thành được 2.268 km cao tốc và dự kiến đến cuối năm hoàn thành thêm 800 km. Đáng chú ý, sân bay Long Thành "đã thức giấc sau nhiều năm ngủ yên", đường kết nối sân bay Long Thành được tích cực triển khai.

Toan tính của Mỹ và Trung Quốc trước cuộc "phá băng" thương mại

Cuộc gặp sơ bộ giữa Mỹ và Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ diễn ra trong bối cảnh hai bên chưa nhượng bộ trong cuộc chiến thuế quan. Trong khi ông Trump tin vào sức ép từ thuế nhập khẩu cao thì Trung Quốc cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó lâu dài.

6 chủ đầu tư giải ngân 0 đồng

Dù gặp nhiều thuận lợi song đến nay giải ngân vốn đầu tư công ở Đắk Nông đạt thấp. Đến nay có đến 6 chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công ở mức 0 đồng.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (11/5), giá vàng trong nước tiếp tục tăng. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 122 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao nhất 120 triệu đồng/lượng.

Miền Bắc, miền Trung mưa đến bao giờ?

Ngày hôm nay (11/5), khu vực miền Bắc và miền Trung tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, nhiều nơi xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to, kèm theo nguy cơ lốc sét và gió giật mạnh. Từ đêm nay mưa lớn giảm dần ở khu vực này. Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục có mưa dông vào chiều và tối nay.

Mưa lớn gây nhiều thiệt hại, một người nghi bị nước cuốn mất tích

Mưa lớn kéo dài tại Bình Dương trong sáng nay (10/5) đã gây ra tình trạng ngập úng trên nhiều tuyến đường. Một người bị nghi mất tích do nước cuốn trôi. Đến 18h30 cùng ngày, vẫn chưa tìm thấy. Nhiều địa phương khác ghi nhận thiệt hại về nhà cửa, hoa màu do mưa lớn.