Trong những tháng đầu năm, tỷ giá đã có bước tiến bất ngờ khi vọt tăng khoảng gần 5%, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải triển khai nhiều công cụ trên thị trường liên ngân hàng và bán ngoại tệ giao ngay. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, tỷ giá vẫn đang quanh mức bán can thiệp của NHNN là 25.450 VND/USD.
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH, đánh giá rằng trong năm 2024, lạm phát và tỷ giá là câu chuyện chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam.
Theo dự báo của ông Huân, tỷ giá sẽ còn hai đợt căng thẳng nữa, vào tháng 8 - 9 và khoảng tháng 12. "Tỷ giá mang tính thời vụ, những lúc nóng sốt thì do nhập khẩu nhiều, nhập lậu nhiều ...", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng kỳ vọng tỷ giá trong nửa cuối năm sẽ bớt căng thẳng hơn nửa đầu khi xuất khẩu tăng trưởng trở lại.
Ông phân tích rằng tháng 5 vừa qua, Việt Nam nhập siêu nhưng chủ yếu là do nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Nhập siêu sẽ chuyển biến thành xuất siêu trong những tháng sau, khi số nguyên liệu này được sản xuất và bán ra nước ngoài.
Dù vậy, có một thách thức là doanh nghiệp xuất khẩu hiện không bán USD ngay khi thu được tiền mà đợi tỷ giá tăng lên thì mới bán, ông nói. "Vấn đề này ảnh hưởng rất nhiều tới tỷ giá, mặc dù xuất siêu nhưng dòng tiền không về, tác động tới cán cân thanh toán của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng khó có thể quản lý", ông giải thích.
Ngoài ra, ông Huân cho biết lãi suất sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong những tháng cuối năm: "Nếu không tăng lãi suất thì khối ngoại bán ròng liên tục, áp lực lên tỷ giá".
"Bán dự trữ ngoại hối thôi thì không đủ. Động thái này chỉ giảm áp lực của thị trường trong một số thời điểm, nhưng đổi lại là mất dự trữ[...] Theo tôi, nên cho phép VND được dao động trong biên độ lớn hơn 5%", chuyên gia đánh giá
- TIN LIÊN QUAN
-
Thống đốc giải thích vì sao phải duy trì lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng cần tìm cách để các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển dòng ngoại tệ thu được về nước.
Trong một Talkshow gần đây, Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, nhận định rằng tỷ giá sẽ tiếp tục áp lực nhưng đến cuối năm có thể đỡ hơn.
"Ngày trước, nhà đièu hành đặt mục tiêu mất giá khoảng 2 - 3% nhưng đến thời điểm hiện tại có thể phải điều chỉnh lại mục tiêu. Từ nay đến cuối năm không mất giá thêm đã là thành công. Tất cả đang phải cố gắng để tỷ giá dừng ở mức này. Đây là mục tiêu áp lực", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2024 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB đưa ra dự báo rằng VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 do áp lực bên ngoài từ đồng USD giảm trước đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Fed vào tháng 9. Đồng thời, các chuyên gia của UOB cho rằng NHNN sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành đến hết năm 2024.
Cùng với đó, tiền đồng có thể được hưởng lợi từ sự phục hồi tiếp theo của nhân dân tệ (CNY) trong nửa cuối năm 2024 do nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu ổn định rõ ràng hơn.
UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt mức 25.200 VND/USD trong quý III và 25.000 VND/USD trong quý IV/2024, sau đó giảm dần trong hai quý đầu năm 2025 về 24.600 VND/USD.