Trong video đăng ngày 2/7 trên YouTube, Figure 01 có thể thực hiện nhiều công việc khác nhau, như xử lý tấm kim loại, vận chuyển các bộ phận trên thân xe đến nơi lắp ráp và đưa vào đúng vị trí. Bên cạnh đó, Figure AI cho biết robot này còn đảm nhận công việc giám sát kho hàng.
Tuy nhiên, tốc độ là điểm hạn chế trên Figure 01, khi các hành động diễn ra khá chậm. Trong một số khoảnh khắc, robot cũng cần dây dẫn thay vì hoạt động độc lập.
Figure AI được thành lập năm 2022 tại Mỹ nhưng nhanh chóng tạo ấn tượng với giới đầu tư, được định giá 2,6 tỷ USD. Robot Figure 01 cao 1,6 mét, nặng 60 kg với tải trọng 20 kg và có thể hoạt động độc lập với pin 5 tiếng mỗi lần sạc.
Vào tháng 1, công ty đã ký thỏa thuận thương mại đầu tiên với BMW, trong đó triển khai robot hình người tại cơ sở sản xuất của hãng ôtô Đức tại Spartanburg, Nam Carolina (Mỹ). Robot sẽ được đào tạo trong 12-24 tháng trước khi chính thức vận hành tại nhà máy.
Để làm điều đó, Figure 01 tích hợp mạng nơ-ron cho phép phân tích hình ảnh trên camera, sau đó ánh xạ trực tiếp trên từng pixel của hình ảnh và chuyển hóa thành hành động thông qua mô hình ngôn ngữ thị giác do OpenAI cung cấp. Mạng nơ-ron này cho khả năng xử lý hình ảnh ở tần số 10 Hz để tạo hành động.
Theo Figure, hệ thống AI bên trong robot có thể đảm bảo các hành động, chẳng hạn lắp ráp các tấm kim loại, với dung sai nhỏ hơn 1 cm. Trước khi vận hành, robot sẽ được đào tạo qua mô phỏng.
Hiện một số công ty xe hơi bắt đầu đưa robot hình người vào dây chuyền lắp ráp. Hồi tháng 3, Mercedes thông báo đang sử dụng robot Apollo của Apptronik để thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như lấy và mang linh kiện. Nio của Trung Quốc cũng làm điều tương tự. Honda và Hyundai cũng thử nghiệm robot để tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và nguy hiểm trên dây chuyền lắp ráp, còn Tesla cũng cho biết sẽ đưa Optimus vào trong các phân xưởng sau khi hoàn thiện.