“Đừng có đầu tư mò, kẻo tiền mất tật mang” là lời khuyên mà chúng ta đã nghe đến mòn cả tai. Người không có tiền nhàn rỗi để đầu tư thì nghe tai phải lọt sang tai trái, không có vốn nên cũng chẳng quan tâm. Còn những người có chút tiền nhàn rỗi thì khác. Muốn đầu tư để tiền đẻ ra tiền, nhưng kiến thức gần như bằng không nên cứ loay hoay, đắn đo mãi.
Với những bạn trẻ đang trong hoàn cảnh này, anh Gerard Do - Người quản lý hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, đồng thời là tác giả cuốn sách Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư, cho rằng đầu tư chứng chỉ quỹ là lựa chọn phù hợp nhất.
Vì sao chứng chỉ quỹ lại là kênh đầu tư phù hợp nhất với người chưa có nhiều kiến thức?
“Có hai trường phái đầu tư là đầu tư là đầu tư thụ động và đầu tư chủ động. Chứng chỉ quỹ là một dạng đầu tư thụ động, được thiết kế dành cho những người chưa biết gì hoặc chưa biết nhiều về thị trường đầu tư.
Bạn có thể hiểu đơn giản rằng chứng chỉ quỹ giống như một cái rổ, trong đó có chứa các mã cổ phiếu nhất định, được chọn lọc bởi các nhà quản lý chứng chỉ quỹ” - Anh Gerard Do giải thích sơ lược về hình thức đầu tư chứng chỉ quỹ.
Anh Gerard Do
Hiện tại, có 3 loại chứ chỉ quỹ trên thị trường chứng chỉ quỹ mở:
- Chứng chỉ quỹ cổ phiếu (chỉ đầu tư vào cổ phiếu). - Chứng chỉ quỹ trái phiếu (chỉ đầu tư vào trái phiếu). - Chứng chỉ quỹ cân bằng (đầu tư vào cả cổ phiếu và trái phiếu).
Vậy tại sao chứng chỉ quỹ lại là kênh đầu tư phù hợp nhất với nhà đầu tư F0 - những người chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trên thị trường? Với thắc mắc này, anh Gerard Do giải đáp như sau.
“Có 3 lý do để chứng chỉ quỹ trở thành kênh đầu tư lý tưởng cho F0.
Lý do thứ nhất: Mua chứng chỉ quỹ giúp bạn tiết kiệm về chi phí và thuế. Bạn càng đưa ra nhiều quyết định giao dịch và hoán đổi danh mục đầu tư, lợi nhuận của bạn càng bị bào mòn bởi phí giao dịch và tiền thuế khi bán cổ phiếu, mà cũng chưa chắc các quyết định đó có thực sự hiệu quả hay không. Các khoản phí và thuế này có vẻ nhỏ trong ngắn hạn, nhưng sẽ tích tụ lãi kép qua thời gian và sẽ ăn mòn 1 phần không nhỏ vào tổng lợi nhuận.
Lý do thứ hai: Mua chứng chỉ quỹ giúp giảm thiểu tối đa sai lâm trong đầu tư. Bạn càng đưa ra nhiều quyết định mua bán, giao dịch cổ phiếu, cơ hội để bạn mắc sai lầm càng cao. Lựa chọn công ty để đầu tư chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Nếu kiến thức chưa đủ vững, bạn nên đầu tư chứng chỉ quỹ, vì danh mục đầu tư đã được cái chuyên gia/nhà quản lý chứng chỉ quỹ đánh giá, chọn lọc giúp cho bạn rồi.
Lý do thứ ba: Mua chứng chỉ quỹ không tốn nhiều thời gian và công sức. Đây là một ưu điểm rất lớn với những người quá bận rộn, không có nhiều thời gian quan sát, nghiên cứu thị trường” .
Việc đầu tư chứng chỉ quỹ cũng giống như việc mua vàng, mỗi tháng, bạn dành một ít vốn và mua đều hàng tháng trong tối thiểu 1 năm. Nếu làm được như vậy, anh Gerard Do khẳng định thành quả mà bạn gặt hái được sẽ rất lạc quan.
Đầu tư chứng chỉ quỹ, liệu có nhược điểm hay không?
Câu trả lời chắc chắn là có. Chứng chỉ quỹ là kênh đầu tư ít rủi ro cho nhà đầu tư F0, nhưng điều đó không có nghĩa rằng đây là kênh đầu tư chỉ có ưu, không có nhược.
Ảnh minh họa
- Bị phụ thuộc vào bên thứ ba - công ty quản lý quỹ: Chứng chỉ quỹ phụ thuộc vào các quyết định đầu tư của công ty quản lý quỹ. Chính vì vậy, nhà đầu tư không có quyền can thiệp vào quá trình đầu tư của quỹ.
- Rủi ro biến động giá: Giá trị chứng chỉ quỹ có thể bị ảnh hưởng bởi biến động giá trị tài sản của quỹ.
- Rủi ro thanh khoản: Một số chứng chỉ quỹ có thể có độ thanh khoản thấp, khiến cho việc bán chúng trở nên khó khăn.
- Không được cam kết lợi nhuận: Nhiều người lầm tưởng rằng mua chứng chỉ quỹ là chỉ có lãi, không có lỗ vì các mã chứng chỉ quỹ được chuyên gia/công ty quản lý quỹ lựa chọn. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Không tồn tại bất cứ một hình thức đầu tư nào không có rủi ro và hơn hết, cũng không có bất kỳ chuyên gia/công ty quản lý quỹ nào dám cam kết mức lợi nhuận cụ thể, ngoại trừ các “tập đoàn lùa gà”.
Chứng chỉ quỹ có thể là kênh đầu tư phù hợp nhất, ít rủi ro nhất với đối tượng các nhà đầu tư non trẻ, chưa có nhiều kiến thức kinh nghiệm, cũng không có nhiều thời gian nghiên cứu, thăm dò thị trường. Dẫu vậy, cũng đừng nhầm lẫn và đánh đồng việc mua chứng chỉ quỹ với chuyện cứ mua là chắc chắn lãi, không lo lỗ nhé!