Kinh doanh

Panasonic sa thải 10.000 người

Tóm tắt:
  • Panasonic sẽ cắt giảm 10.000 nhân sự đến năm tài chính 2027, chiếm khoảng 4% tổng nhân viên toàn cầu.
  • Tập đoàn đối mặt nhiều vấn đề, bao gồm sự chồng chéo chức năng giữa các đơn vị.
  • Panasonic dự kiến lỗ 130 tỷ yen trong năm tài chính 2025 và tái cấu trúc quản trị từ tháng 2/2025.
  • Các mảng kinh doanh kém lợi nhuận như tivi, thiết bị nhà bếp có thể bị rút lui hoặc bán.
  • Panasonic tập trung mở rộng lĩnh vực phần mềm và AI, mua lại Blue Yonder với giá hơn 7 tỷ USD.

Trong một nỗ lực tái cấu trúc, tập đoàn điện tử khổng lồ của Nhật Bản Panasonic quyết định cắt giảm 10.000 nhân sự. Kế hoạch thu gọn bộ máy sẽ được thực hiện đến năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2027, chủ yếu thông qua việc khuyến khích nghỉ hưu sớm và các biện pháp khác.

Panasonic đang đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm tình trạng chồng chéo chức năng giữa các đơn vị trong tập đoàn. Tập đoàn dự kiến ghi nhận khoản lỗ 130 tỷ yen (895 triệu USD) trong năm tài chính 2025 kết thúc vào tháng 3/2026.

Được biết, trong số 10.000 người bị cắt giảm, sẽ có 5.000 nhân sự trong nước và 5.000 nhân sự ở nước ngoài. Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng số nhân viên của tập đoàn Panasonic trên toàn cầu rơi vào khoảng 228.000 người. Số nhân sự bị cắt giảm chiếm khoảng 4% tổng nhân viên.

Theo Chủ tịch kiêm CEO Panasonic Yuki Kusumi, việc cắt giảm nhân sự là cần thiết để chuẩn bị cho tương lai 1-2 thập kỷ tới.

“Tôi thực sự xin lỗi”, ông nói. “Nhưng nếu không mạnh dạn giảm chi phí cố định, chúng tôi sẽ không thể quay lại con đường tăng trưởng”.

Các bộ phận của cả công ty mẹ Panasonic HD lẫn các công ty con từ lâu đã bị cho là có sự trùng lặp chức năng. Tháng 2/2025, Panasonic đã công bố cải cách quản trị với 2 trụ cột chính là cắt giảm nhân sự và xem xét lại danh mục kinh doanh. Mục tiêu là tăng hơn 300 tỷ yen lợi nhuận vào năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2029 so với kế hoạch của năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025.

Tại cuộc họp báo tháng 2, Chủ tịch Yuki Kusumi phát biểu: “Chúng tôi sẽ tái cấu trúc triệt để cơ cấu tổ chức và chi phí - thứ vốn đang cản trở khả năng cạnh tranh kinh doanh”.

Trong quá trình xem xét lại danh mục, các lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận và triển vọng tăng trưởng thấp sẽ được coi là “vấn đề”. Bốn lĩnh vực được nêu tên là tivi, thiết bị gia dụng nhà bếp, động cơ công nghiệp và linh kiện ôtô. Nếu khó tái cấu trúc, công ty sẽ quyết định rút lui hoặc bán các mảng này.

Được thành lập tại Osaka, Nhật Bản cách đây hơn một thế kỷ, Panasonic đã duy trì nhiều mảng kinh doanh đa dạng, từ tivi, máy ảnh kỹ thuật số đến điện thoại di động và thiết bị nhà bếp. Tuy nhiên, trong 2 thập kỷ trở lại đây, thương hiệu này đã phải vật lộn tái định hướng hoạt động kinh doanh rộng lớn.

Lợi nhuận Panasonic bắt đầu giảm từ giữa những năm 2000, dẫn đến các khoản lỗ lớn vào đầu những năm 2010. Dưới sự lãnh đạo của cựu Chủ tịch Kazuhiro Tsuga, công ty đã phải cắt bỏ các mảng kinh doanh thua lỗ như tivi plasma. Mãi đến giữa những năm 2010, Panasonic mới vượt qua giai đoạn thua lỗ nặng nề.

Hiện Panasonic đang nỗ lực mở rộng sự hiện diện trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ trí tuệ nhân tạo, trong đó điểm nhấn là thương vụ mua lại công ty phần mềm Blue Yonder có trụ sở tại Arizona với giá hơn 7 tỷ USD.

“Chúng tôi đang xem xét nhiều phương án, bao gồm mở rộng thêm các mối quan hệ hợp tác”, đại diện Panasonic nói.

Theo: The NY Times 

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

9h sáng nay (12/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 119 - 121 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Sân bay Long Thành ‘đã thức giấc sau nhiều năm ngủ yên’

Đến nay, cả nước đã hoàn thành được 2.268 km cao tốc và dự kiến đến cuối năm hoàn thành thêm 800 km. Đáng chú ý, sân bay Long Thành "đã thức giấc sau nhiều năm ngủ yên", đường kết nối sân bay Long Thành được tích cực triển khai.

Toan tính của Mỹ và Trung Quốc trước cuộc "phá băng" thương mại

Cuộc gặp sơ bộ giữa Mỹ và Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ diễn ra trong bối cảnh hai bên chưa nhượng bộ trong cuộc chiến thuế quan. Trong khi ông Trump tin vào sức ép từ thuế nhập khẩu cao thì Trung Quốc cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó lâu dài.

6 chủ đầu tư giải ngân 0 đồng

Dù gặp nhiều thuận lợi song đến nay giải ngân vốn đầu tư công ở Đắk Nông đạt thấp. Đến nay có đến 6 chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công ở mức 0 đồng.

Vì sao cứ tăng giá điện là lo?

Từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc giá điện tăng như một “cú bồi” khiến sức chống chịu của doanh nghiệp càng thêm chật vật; người dân lo lắng giá các mặt hàng tăng theo, phải hạn chế chi tiêu.

Giá vàng “lên bổng xuống trầm”, nhà đầu tư vẫn tin vào xu hướng tăng

Trong tuần qua, giá vàng thế giới chứng kiến những biến động mạnh do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, lạm phát và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dù vậy, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường bán lẻ vẫn nghiêng về khả năng giá vàng tiếp tục tăng trong thời gian tới.