Nắm bắt cơ hội từ thị trường tiềm năng
Tại một siêu thị ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, bà Lương Tiểu Phương đi thẳng đến quầy sữa và chọn vài lon sữa đặc Ông Thọ bỏ vào xe đẩy như một thói quen. Bà Phương chia sẻ: "Loại sữa đặc này có vị thơm đặc trưng, không bị ngấy nên gia đình tôi thường sử dụng để ăn với màn thầu (bánh bao) và sữa chua hay pha với cà phê".
Ông Lưu Nguyên, chủ điểm sỉ với hệ thống 50 đại lý tại Quảng Châu cho hay, ông biết đến sữa đặc Ông Thọ trong những lần tới Hong Kong và một số quốc gia ở Đông Nam Á. Ông quyết định nhập hàng về bán, đến giờ đã gần 3 năm với doanh thu tăng trưởng đều. Vị này dự kiến 6 tháng cuối năm doanh thu tăng hơn 20% vì nhu cầu người dùng đang tăng trở lại sau thời gian dài Covid-19.
Trung Quốc là một trong những thị trường mới nhiều tiềm năng của Vinamilk, với sản phẩm chủ lực là sữa đặc Ông Thọ. Trước đó, doanh nghiệp đã ra mắt thương hiệu tại thị trường này năm 2019, với đa dạng sản phẩm như sữa chua, sữa đặc... Tuy gặp sự gián đoạn do Covid-19, doanh nghiệp vẫn duy trì được khách hàng tại thị trường tỷ dân với các dòng sản phẩm phù hợp. Như sữa đặc Ông Thọ hiện chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục xuất khẩu sang quốc gia này, với doanh thu lũy kế hơn 4,1 triệu USD.
Ông Võ Trung Hiếu - Giám đốc kinh doanh quốc tế của Vinamilk cho biết: "Các hội chợ không chỉ là cơ hội cho chúng tôi hỗ trợ tốt hơn cho nhà phân phối hiện có trong việc kinh doanh mà còn để tiếp cận với các khách hàng mới tiềm năng". Ông lấy ví dụ tại thị trường Trung Quốc, đầu năm đến nay, công ty đã tham gia 2 kỳ hội chợ ở Thượng Hải và Quảng Châu để hỗ trợ thêm cho nhà phân phối địa phương. Trong các hoạt động này, Vinamilk đã cùng lên ý tưởng thiết kế, tạo bộ nhận dạng thương hiệu, tư vấn về sản phẩm để người tiêu dùng an tâm sử dụng.
Với dân số gần 1,5 tỷ người, Trung Quốc là thị trường rộng lớn với nhu cầu hàng hóa cao và đa dạng. Quảng Châu là cửa ngõ phía Nam kết nối Trung Quốc với thế giới. "Đây là cơ hội tốt để hàng Việt Nam tiến sâu và mở rộng hơn tại thị trường Trung Quốc", ông Hiếu nhận định.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 19,8 tỷ USD. Trong bối cảnh hiện nay, có thể xác định thị trường tỷ dân sẽ tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho xuất khẩu Việt Nam do lợi thế về vị trí địa lý gần, chi phí logistics thấp hơn, nhu cầu thị trường gia tăng, nhiều lợi thế từ các thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương Việt Nam và Trung Quốc tham gia.
Từ nay đến cuối năm, thương hiệu sữa Việt có kế hoạch tiếp tục tham gia nhiều đợt hội chợ tại các tỉnh thành khác của Trung Quốc và nhóm thị trường thuộc khu vực Australia, New Zealand với mục tiêu giới thiệu, mở rộng danh mục sản phẩm xuất khẩu, dịch vụ sản xuất, gia công, tư vấn sản phẩm chứ không chỉ đơn thuần là thương mại hàng hóa.
Xây dựng lợi thế cạnh tranh
Chất lượng sản phẩm, giá thành được xem là lợi thế cạnh tranh khi các sản phẩm Việt "xuất ngoại". Ngoài ra, bản sắc thương hiệu, sản phẩm độc đáo dành cho thị trường ngách, thời gian qua cũng đang được nhiều doanh nghiệp tận dụng. Năm 2022 giá trị thương hiệu của Vinamilk có sự thăng hạng đáng kể, với vị trí thứ 6 trong top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu.
Ngoài các tiêu chuẩn như FDA (Mỹ), Organic EU và Trung Quốc, HALAL... những sản phẩm doanh nghiệp này mang đến các hội chợ, triển lãm còn có chứng nhận như Clean Label Project, Purity Award về sự tinh khiết an toàn, hay đánh giá 2, 3 sao từ giải quốc tế về Vị ngon thượng hạng (Bỉ).
Nhờ đó, Vinamilk nâng cao uy tín tại thị trường quốc tế, nắm giữ lòng tin của các đối tác. Tại Dubai - cửa ngõ của khu vực Trung Đông, các hợp đồng với giá trị hàng chục, hàng trăm triệu đôla được doanh nghiệp chốt với đối tác minh chứng hiệu quả đầu tư lớn cho R&D của thương hiệu thời gian qua.
Nhận xét về Vinamilk, ông Zia Ahmad Mohd Asmail - đối tác lớn trong hơn 10 năm tại khu vực Trung Đông cho biết: "Khởi điểm từ một thị trường, nay chúng tôi muốn mở rộng, phân phối các sản phẩm của Vinamilk tại các quốc gia khác trong khu vực này".
Tại thị trường Australia và New Zealand - vốn nổi tiếng với ngành sữa, doanh nghiệp chọn lối đi vào thị trường ngách: chào hàng dịch vụ sản xuất cho chuỗi siêu thị, nhà hàng.
"Chúng tôi hợp tác với Vinamilk hơn 6 năm và nhập khẩu các sản phẩm từ Vinamilk để phân phối tại chuỗi Siêu thị Foodstuff, New Zealand", ông David Swain, công ty Remarkable Foods Limited - New Zealand, một đối tác của Vinamilk cho biết. "Chúng tôi luôn tin tưởng vào chất lượng dịch vụ và sản phẩm của công ty. Tất cả đều đáp ứng không chỉ quy định của nước nhập khẩu mà còn các yêu cầu cao về thời gian và số lượng giao hàng của hệ thống chuỗi bán lẻ".
Doanh nghiệp hiện hợp tác sản xuất cho các thương hiệu lớn để phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn Costco, Woolworths, Coles, Aldi, Foodstuff với doanh thu gần 4 triệu USD một năm.
Cuối tháng 6 vừa qua, Vinamilk cũng công bố tái định vị thương hiệu. Theo Tổng giám đốc Mai Kiều Liên, việc đổi mới thương hiệu lần này là theo hướng quốc tế hóa, để thương hiệu không chỉ phù hợp với người Việt, mà còn đủ sức đẩy ra thế giới, phù hợp với chiến lược của công ty thời gian tới.
Mới đây, theo báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của công ty đạt 29.000 tỷ đồng tăng 1,2% cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng. Riêng quý II với doanh thu 15.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.220 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,6% và 5,6% so với thực hiện năm trước, Vinamilk đã ngắt chuỗi giảm lợi nhuận 5 quý liên tiếp.