Một ngày năm 2015, ông cụ Dương Minh Vinh ở thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cầm tờ giấy nợ đã nhàu nát và ố vàng đến UBND thành phố để gặp chính quyền địa phương. Tới nơi, ông được các cán bộ ở đó ân cần đón tiếp và hỏi thăm. Qua trao đổi, các cán bộ biết được ông Dương đến để “đòi nợ” thì rất ngạc nhiên. Tuy nhiên, khi thấy nội dung của tờ giấy nợ mà ông cụ đưa cho, thái độ của họ lập tức thay đổi, trở nên nghiêm nghị hơn bao giờ hết.
Theo đó, dù tờ giấy đã bị nhàu nát nhưng những dòng chữ trên đó vẫn còn rõ ràng. Số tiền nợ ghi trên đó là 400 đồng bạc, thời gian cho vay là 85 năm về trước. Thấy vậy, các cán bộ địa phương lập tức liên hệ cảnh sát mở cuộc điều tra. Thông qua những tài liệu lịch sử có liên quan đến mốc thời gian ghi trong giấy nợ, cuối cùng sự thật cũng được phơi bày.
Theo đó, cảnh sát cho biết tờ giấy nợ mà ông Dương mang tới thực sự là giấy nợ của chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn chiến tranh giải phóng đất nước năm 1930. Đây là một trong những giai đoạn rất khó khăn nhất của cách mạng Trung Quốc. Lúc đó, cha của ông Dương đã hào phóng bỏ ra 400 đồng bạc - có giá trị rất lớn vào thời điểm đó, nhằm giúp chính quyền ứng phó với khó khăn trước mắt.
Để ghi nhận tấm lòng to lớn của ông cụ với cách mạng, chính quyền địa phương đã viết giấy nợ làm bằng chứng và hứa khi đất nước được giải phóng, họ sẽ hoàn trả lại gia đình ông cụ số nợ nói trên. Thời gian trôi đi, cha của ông Dương qua đời, gia đình ông cũng trải qua nhiều biến cố, không còn khá giả như trước. Đến khi ông Dương già yếu, không làm được việc nặng, tiền bạc của gia đình gần như cạn kiệt thì ông cụ mới nhớ đến tờ giấy nợ mà cha ông từng nhắc đến.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Dương vẫn quyết đem nó đến UBND thành phố để hỏi về chuyện cũ. Thông qua việc này, ông Dương hy vọng cống hiến năm xưa của gia đình sẽ được chính quyền công nhận. Đồng thời, số tiền được ghi trên đó có thể sẽ giúp gia đình ông thoát khỏi tình cảnh khó khăn, giúp con cái ông có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sau khi các cán bộ địa phương xác minh tờ giấy nợ trên và biết được câu chuyện đằng sau đó, họ rất cảm kích và nhanh chóng báo cáo sự việc với cấp trên. Chính quyền địa phương khi biết chuyện đã cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để hoàn trả số nợ trên cho gia đình ông Dương. Sau khi quy đổi tỷ giá tiền tệ và mức chênh lệch lạm phát ở 2 thời điểm khác nhau, ông Dương đã nhận lại khoảng 40.000 NDT (hơn 140 triệu đồng).
Chưa hết, chính quyền địa phương cũng đã giúp ông Dương xây một ngôi nhà mới để ở, đồng thời giúp ông cụ nộp đơn xin trợ cấp sinh hoạt, hỗ trợ y tế. Những việc làm này được đánh giá là vô cùng thiết thực và có ý nghĩa với gia đình ông cụ, đồng thời thể hiện rõ tinh thần đền ơn đáp nghĩa của chính quyền địa phương.
Theo Sohu, tờ giấy nợ của gia đình ông Dương sau này đã được trưng bày tại bảo tàng ở thành phố Hiếu Cảm, trở thành minh chứng lịch sử ghi lại tình cảm sâu sắc giữa người dân và chính quyền Trung Quốc không chỉ trong chiến tranh mà ngay cả khi hòa bình được lập lại.