Tuần trước, Tan chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội. "Để tôi cho các bạn thấy môi trường làm việc của một Gen Z", cô viết dưới phần mô tả của video.
Công việc của Tan bắt đầu từ 8h30 sáng đến 5h chiều, chủ yếu là tiếp khách, bán mộ và thay các gia đình của người quá cố dọn dẹp vệ sinh quanh mộ. Cô được trả khoảng 4.000 tệ (hơn 13 triệu đồng) mỗi tháng, tuần làm việc 6 ngày.
"Bởi vì sống và làm việc trong nghĩa trang nên tôi thường gọi đùa mình là 'người canh mộ'", cô tếu táo nói.
Tan miêu tả nơi làm việc có không gian tuyệt đẹp, yên tĩnh, khí hậu trong lành và không bị áp lực. Chưa kể, cô có thể nuôi chó, mèo, giải trí với Internet hoặc nghe đồng nghiệp chơi những bản nhạc yêu thích vang vọng khắp nghĩa trang.
Khi quyết định theo ngành Quản lý và Công nghệ tang lễ hiện đại, bố mẹ Tan rất phân vân, lo ngại con gái khó có thể lập gia đình bởi làm công việc "kém may mắn". Nhưng cô cho rằng làm ở nghĩa trang là điều bình thường, công việc nhẹ nhàng giống như được nghỉ hưu sớm nên sẽ gắn bó lâu dài.
Đoạn video cô gái 22 tuổi chia sẻ về nghề nghiệp nhanh chóng nảy ra tranh cãi. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi một sinh viên mới ra trường lại chọn công việc trông coi nghĩa trang, bởi quan niệm nơi đây không may mắn và không có tính cạnh tranh cao.
Nhưng số khác cho rằng việc trông coi nghĩa trang của Tan đang phản ánh văn hóa "buông thả", chán việc ngày càng gia tăng của người trẻ ở Trung Quốc.
"Tôi rất thích công việc này vì không phải đối phó với những đồng nghiệp thích soi mói hay sếp liên tục cằn nhằn, gây áp lực", một người để lại bình luận.
Theo dữ liệu năm 2021, thu nhập trung bình hàng năm ở Trùng Khánh là 33.800 nhân dân tệ (hơn 117 triệu đồng), tương đương 2.800 nhân dân tệ mỗi tháng nên mức lương của Tan được xếp ở mức cao.
Thị trường dịch vụ tang lễ của Trung Quốc đã mở rộng đáng kể trong những năm gần đây khi dân số già đi nhanh chóng. Năm 2020, thị trường này được định giá 257 tỷ nhân dân tệ (36 tỷ USD), theo công ty nghiên cứu Huajing Research của Trung Quốc.
(Theo SCMP, Chinatimes)