Nền kinh tế đang trải qua giai đoạn khó khăn về vấn đề thanh khoản, doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất cao nhưng ngân hàng thương mại (NHTM) không có nguồn để cho vay, những doanh nghiệp xây dựng thì phải cắt giảm tới 50% lao động, doanh nghiệp có đơn hàng với nước ngoài phải vay tín dụng đen để hoàn thành đơn hàng, dự án.
Hoặc có trường hợp nhiều doanh nghiệp có tiền mặt lo ngại gửi vào ngân hàng sau này muốn vay lại sẽ hết room, nên không dám gửi.
Lãi suất cao làm DN suy yếu và kiến tạo nợ xấu
Chia sẻ tại talk show Đối thoại chuyên đề: “Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô", TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, tình hình hiện nay rất khó chấp nhận.
"Chúng ta đang phục hồi kinh tế, đà tăng trưởng đang rất tốt, với tình trạng lãi suất cao và thanh khoản cạn kiệt như hiện nay sẽ làm đà tăng trưởng bị chậm lại. Nếu không cẩn thận thì sẽ có thể lan truyền từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sang thị trường cổ phiếu, bất động sản và cả hệ thống ngân hàng", TS Nghĩa nói.
Phân tích về yếu tố khiến thanh khoản cạn kiệt, ông Nghĩa cũng chỉ ra rằng, tiền trong lưu thông đang rất thiếu, GDP danh nghĩa (GDP tính theo giá hiện hành) đã tăng 11,5%, trong khi đó cung tiền mới chỉ tăng 3%. "Cung tiền phải đảm bảo cho GDP danh nghĩa nếu không sẽ có những thay đổi, một là sẽ xảy ra lạm phát hai là ảnh hưởng đến tăng trưởng", TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm, một điểm may mắn là năm vừa rồi tình trạng ngược lại, cung tiền tăng trưởng 11% còn GDP và lạm phát chỉ tăng 4,5%. Tức năm ngoái còn dư 6,5%, đây là yếu tố kéo dài tăng trưởng quý I, quý II năm nay. Bước sang quý III, không chỉ thanh khoản của các ngân hàng mà toàn nền kinh tế đã bị ảnh hưởng.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, doanh nghiệp đang gặp khó khăn từ cả bên ngoài và bên trong. Với yếu tố bên ngoài là sự suy yếu của nhu cầu về hàng xuất khẩu, với yếu tố bên trong là lãi suất cho vay.
"Lãi suất cao là cách nhanh nhất khiến doanh nghiệp suy yếu và kiến tạo nợ xấu", ông Thế Anh cảnh báo.
Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên của các ngân hàng thương mại đều đã lên trên hoặc xấp xỉ hai con số, lãi suất cho vay theo đó cũng đã vọt lên cao. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp và rủi ro kiến tạo nợ xấu, bất kể là doanh nghiệp sản xuất hay bất động sản, vị chuyên gia cho hay.
NHNN muốn bơm tiền ra nhưng thiếu công cụ
Mặc dù, Chính phủ đã có những chính sách tài khoá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như gói hỗ trợ lãi suất 2% hay đặt mục tiêu giữ mức lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, song tình trạng cạn kiệt về thanh khoản đã khiến lãi suất tăng cao ở các NHTM dù lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn ở mức khá thấp.
TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, tuần vừa rồi, NHNN cũng đã bơm thêm tiền vào nền kinh tế nhưng gặp những khó khăn nhất định đó là việc thiếu công cụ.
Khi NHNN muốn bơm tiền ra thì phải mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) vào, song việc mua lại TPCP phải phụ thuộc vào nhu cầu bán ra của các NHTM, mà một lượng lớn TPCP đã được các ngân hàng đem thế chấp để vay tiền ở các ngân hàng khác.
TS. Nghĩa chỉ ra rằng, yếu tố quyết định lãi suất của TPCP, tỷ lệ chiết khấu đến đâu, còn việc trái phiếu này nằm ở ngân hàng này hay ngân hàng khác, nếu mua vẫn có thể mua được.
“Nếu không mua vào TPCP thì không thể bơm tiền ra được mà đây là giai đoạn cuối năm, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp tăng cao, thanh khoản của toàn bộ kinh tế có khi chỉ tính bằng từng ngày”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, số tiền mà NHNN bán ngoại tệ ra, hút tiền Việt về cùng với khoảng 900.000 tỷ đồng vốn đầu tư công đang “đóng băng” ở ngân hàng trung ương, tổng cộng đâu đó 1,5 triệu tỷ đồng được hút về trong khoảng thời gian vừa rồi.
Trong đó, NHNN có bơm ra, hút vào được một số còn số tiền 900.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính quản lý gần như bị hút khỏi lưu thông và nằm bất động. Để giải quyết tình trạng này, theo TS. Nghĩa chỉ có hai giải pháp: NHNN phải tính toán bơm đủ tiền để đảm bảo được GDP danh nghĩa hoặc Bộ Tài chính phải bơm vốn đầu tư công ra lưu thông.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cách nhanh nhất là với 300.000 tỷ đang gửi ở 4 ngân hàng quốc doanh thì để cho họ cho vay ra thị trường như một kênh tín dụng thông thường. Ngân sách cũng có thể tạm ứng trước cho các dự án đầu tư công đã có nhà đầu tư trúng thầu để họ triển khai dự án
PGS.TS Phạm Thế Anh cũng cho hay, ở các nước khác, trong trường hợp thanh khoản bị đứt gãy Ngân hàng Trung ương sẽ đứng ra bảo lãnh cho những hoạt động cho vay đó để đảm bảo cung cấp thanh khoản cho hệ thống một cách trơn tru, không bị đứt gãy.
Việc ổn định vĩ mô cũng được ngân hàng trung ương các nước điều tiết theo lãi suất ngắn hạn hoặc điều tiết theo tăng trưởng cung tiền và từ đó điều tiết lãi suất ngắn hạn chứ không cứng nhắc một mệnh lệnh hành chính.
Một trong các mục tiêu quan trọng của ngân hàng trung ương không chỉ là kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn mà còn là sự ổn định của hệ thống tài chính bởi hệ thống tài chính rất quan trọng. Sự đứt gãy, đổ vỡ trên thị trường tài chính có thể truyền dẫn và gây ra khủng hoảng kinh tế thực, PGS. TS Phạm Thế Anh cho hay.