Thời sự

TGĐ FinnGroup: Nghiên cứu nới room tín dụng, dùng tiền đầu tư công để giải quyết thanh khoản trước mắt

Nếu không có TPDN thì khó khăn đã đến sớm hơn rất nhiều trong đại dịch

Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup,  nhận định trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng đặc biệt trong hai năm COVID. Ông cho rằng nếu không có trái phiếu thì những khó khăn với nền kinh tế đến sớm hơn rất nhiều, không phải đợi đến lúc Fed tăng lãi suất.

 Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup. (Ảnh: UNDP).

“Hai năm vừa rồi tổng lượng tiền huy động từ trái phiếu khoảng hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Riêng năm ngoái khoảng 670.000 tỷ đồng. Nhìn lượng cung tiền tín dụng ra thị trường, năm ngoái tín dụng tăng trưởng 14-15%, cộng 3-4% nữa từ trái phiếu, cung tiền tăng khá tương đối. Điều đó là cần thiết đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, doanh nghiệp đặc biệt khó khăn về thanh khoản”, ông nói.

Quy mô của thị trường trái phiếu hiện nay, chủ yếu là trái phiếu riêng lẻ sau khi tăng lên khoảng 1,5 - 1,6 triệu tỷ đồng, quy mô còn khoảng 20% GDP.

 

Tuy nhiên hiện nay thị trường phát hành đang bị gián đoạn. Tháng 10 có duy nhất một đợt phát hành. Thị trường trái phiếu từng trải qua giai đoạn tăng trưởng rất mạnh (bình quân 45% trong 5 năm) sau đó giảm và đến nay đóng băng.

Vấn đề này tác động rất lớn đến doanh nghiệp và nền kinh tế, lây sang cả cổ phiếu, thị trường chứng khoán, lây sang cả ngân hàng, chứng chỉ quỹ,…, theo CEO FiinGroup.

Rủi ro lớn nhất là nhà đầu tư cá nhân sở hữu trái phiếu riêng lẻ

Đánh giá về những rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới nền kinh tế trong ngắn và trung hạn, Tổng Giám đốc FiinGroup đưa ra 5 rủi ro chính.

Trong đó, rủi ro lớn nhất đến từ việc trái phiếu tư nhân được nắm giữ bởi các trái chủ với tư cách cá nhân ở quy mô lớn (ước tính 33% giá trị lưu hành và có khoảng 300.000 người nắm giữ).

Những vấn đề này tiềm ẩn rủi ro cao bởi tác động đến niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính, không chỉ phát hành trái phiếu mới mà còn cả với với lĩnh vực ngân hàng và thị trường tài chính. Ngoài ra, việc tái cấp vốn không thể được thực hiện theo các đợt chào bán công khai ngay cả với các tổ chức phát hành tín dụng tốt.  

Những rủi ro chính của thị trường TPDN tới nền kinh tế

 Nguồn: Tham luận của ông Nguyễn Quang Thuân tại sự kiện.

Rủi ro tiếp theo được chuyên gia nói tới là rủi ro vỡ nợ trái phiếu và vi phạm chéo, Tổng Giám đốc FiinGroup đánh giá mức độ của rủi ro này cũng khá cao, có thể tác động đến các ngân hàng với tư cách là tổ chức phát hành trái phiếu và thị trường liên ngân hàng. 

Tiếp đó là nguy cơ khủng hoảng thanh khoản nợ doanh nghiệp. Ông cho rằng hiện nay không chỉ các khoản vay chính thức tại các ngân hàng mà các khoản vay ngầm, vay chéo lẫn nhau cũng đang trong tình trạng tràn lan và mất khả năng thanh khoản.

Hai rủi ro còn lại được đánh giá ở mức độ trung bình là rủi ro tháo chạy vốn (có thể dẫn tới việc hồi hương dòng ngoại tệ, FDI chậm lại) và bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Trong ngắn hạn, ông Thuân đánh giá áp lực từ nay đến cuối năm tương đối thấp, số lượng doanh nghiệp nếu mất thanh khoản chỉ khoảng 3-4 doanh nghiệp, tương ứng khoản chi trả 23.000 tỷ đồng. Trong khi đó các doanh nghiệp lớn hầu hết đều ổn. 

Tuy nhiên, áp lực sẽ lớn hơn vào hai năm sau nếu thị trường trái phiếu vẫn đóng băng, tín dụng không gỡ được, các kênh khác không có và đặc biệt trong môi trường lãi suất cao.

Đề xuất lấy một phần tiền đầu tư công mua trái phiếu dài hạn của ngân hàng 

Nói về giải pháp cho vấn đề hiện tại, ông Thuân cho rằng trước hết cần nghiên cứu cân đối nới room tín dụng ở mức độ phù hợp. "Đây không đơn thuần chỉ là câu chuyện trái phiếu, bất động sản mà là câu chuyện Việt Nam có chấp nhận nới cung tiền, tín dụng hay không, chấp nhận lạm phát lớn hơn mức 4%", ông nói.

CEO FinnGroup đưa ra ý tưởng về giải pháp về vốn là các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng lớn, có thể phát hành trái phiếu dài hạn 10 năm để có nguồn tiền hoặc cần cân nhắc sửa đổi nâng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Trong trường hợp ngân hàng kẹt thanh khoản, có thể dùng một phần tiền đầu tư công mua trái phiếu dài hạn của ngân hàng, giải quyết vấn đề có tiền để hỗ trợ.

“Cần có chương trình tín dụng bất động sản, có thể giới thiệu chương trình tín dụng nhà ở dành cho người mua nhà và bất động sản dưới dạng “Kiểm soát tín dụng một chu kỳ” (Ngân hàng - Người mua nhà - Chủ đầu tư - Ngân hàng). Có thể đặt thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đủ điều kiện làm tổ chức thực hiện", chuyên gia cho hay.

Ngoài ra, cần rà soát đặc biệt đối với các tổ chức phát hành lớn có rủi ro đối với các trái chủ cá nhân. Trong đó, cần có hướng dẫn rõ ràng về việc cơ cấu lại nợ, đánh giá rủi ro đối với ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế, cân bằng giữa công bố thông tin công khai và tái cơ cấu tư nhân.

Tổng Giám đốc FiinGroup còn đề xuất thêm giải pháp thúc đẩy trái phiếu phát hành công khai. Kênh này cần được phê duyệt dễ dàng, ngoài ra cũng cần gia tăng sự công khai, bao gồm xếp hạng công khai.

Một giải pháp quan trọng nữa có thể “cứu” thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Thuân, là cần có thông điệp mạnh mẽ hơn từ Chính phủ để khôi phục niềm tin của thị trường nợ.

Về giải pháp trung hạn, ông Thuân cho rằng cần tiếp tục tăng cường minh bạch thông tin, cần có chế độ công khai đối với chủ nợ; quy trình bán trái phiếu, tăng cường thực thi xếp hạng tín dụng và thiết lập mô hình đơn vị định giá trái phiếu.

Bên cạnh đó, ra mắt thị trường thứ cấp tập trung vào tháng 6/2023 theo yêu cầu của Nghị định 65 để công bố thông tin, định giá và thanh khoản.

Một số giải pháp khác ông đề cập đến như giáo dục thị trường dành cho công chúng, các nhà đầu tư đủ điều kiện và tổ chức; mở rộng các nhà đầu tư cơ sở; phát triển tín dụng xanh bao gồm trái phiếu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm