Quang cảnh diễn ra buổi đấu giá lần thứ 5 lô gỗ sưa tại đình Phụ Chính
Sáng nay (27/4), phiên đấu giá lần thứ 5 của lô gỗ sưa chặt hạ tại đình Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã diễn ra tại hội trường thuộc UBND xã. Chỉ có 2 trong tổng số 5 người mua hồ sơ đủ điều kiện tham dự phiên đấu giá.
Hai vị khách hàng đủ điều kiện tham gia đấu giá vì đã nộp cọc (14 tỷ đồng/người), 3 hồ sơ còn lại không nộp cọc nên bị loại. Cả 2 vị khách hàng này đều đến từ Bắc Ninh.
Do cả 2 vị khách cùng trả giá 73 tỷ đồng (cao hơn 1 tỷ đồng so với giá khởi điểm) để mua lô gỗ sưa của làng Phụ Chính nên Trung tâm đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) đã tiến hành bốc thăm để chọn ra vị khách hàng may mắn.
Kết quả, bà Trương Thị Quỳnh Nga (trú tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh) là người may mắn hơn.
Bà Nga (phải ảnh) là 1 trong 2 người đủ điều kiện tham gia phiên đấu giá
Sau phiên đấu giá, bà Nga chia sẻ, trước đây, bà đã từng xem qua lô gỗ sưa và 1 lần mua hồ sơ tham gia phiên đấu giá lô gỗ sưa ở làng Phụ Chính nhưng khi đó giá còn khá cao nên bà bỏ cuộc.
Ở lần đấu giá thứ 5 này, bà thấy giá cả hợp lý nên quyết định mua hồ sơ và đặt cọc.
“Tôi cứ nghĩ đăng lên trang đấu giá của Sở Tư pháp Hà Nội thì sẽ có nhiều người đến tham gia, không ngờ chỉ có 2 người. Tôi may mắn vì đã trúng đấu giá, cũng là có duyên với lô gỗ sưa”, bà Nga chia sẻ.
Bà Nga cho biết thêm, hiện bà vẫn chưa có ý định gì với lô gỗ sưa này. Bà sẽ bàn bạc thêm với chồng để có những dự định tiếp theo khi mang được lô gỗ sưa về nhà.
Bà Nga cũng đắn đo về việc lô gỗ sưa có thể bị công an thu giữ khi vận chuyển vì không có hóa đơn đỏ. Vụ việc tương tự từng xảy ra tại chính thôn Phụ Chính năm 2010 khi người dân bán gỗ sưa.
Về vấn đề này, đại diện Ban thường trực Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính cho biết, năm 2010, khi người dân bán gỗ sưa tuy không sai nhưng do các bên liên quan không thống nhất từ đầu dẫn đến sự việc.
Còn đối với lô gỗ sưa hiện tại, mọi thủ tục từ xin cấp phép chặt hạ, cất giữ, bán đấu giá đều có sự đồng ý và chỉ đạo của cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ và TP Hà Nội. Ngay cả kiểm lâm, công an cũng đều được thông báo trong quá trình chặt hạ, cất giữ gỗ sưa.
Để đảm bảo an toàn, bà Nga đề xuất Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính có văn bản báo cáo với Công an xã Hòa Chính, Công an huyện Chương Mỹ, đồng thời, trong quá trình vận chuyển gỗ sưa về Bắc Ninh có sự áp tải của lực lượng công an.
Kết thúc phiên đấu giá, bà Nga đã ra sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính – nơi đang đặt chiếc container chứa gỗ sưa. Đích thân bà đã dán thêm tem niêm phong và khóa thêm ổ khóa để đảm bảo lô gỗ sưa an toàn đến khi các thủ tục ký hợp đồng, thanh toán hoàn thành.
Trong lượt bốc thăm, bà Nga may mắn là người thắng cuộc trong phiên đấu giá
Theo quy định, sau 5 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá, bà Nga và Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính sẽ làm hợp đồng mua bán. Sau 7 ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng, bên mua sẽ phải thanh toán cho bên bán. Tiếp tục, 7 ngày sau thanh toán, bên bán phải bàn giao số gỗ sưa cho bên mua.
Trước đó, trong khuôn viên chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có 2 cây sưa quý hiếm. Một cây 130 năm tuổi, có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.
Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho 1 cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng.
Đến tháng 10/2018, thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính bắt đầu chặt hạ 2 cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550kg đến hơn 2.000kg.
Sau 4 năm chặt hạ và qua 4 lần đấu giá thất bại, ở lần đấu giá thứ 5 này, lô gỗ sưa ở làng Phụ Chính đã bán thành công.