Cuối năm 2024, nhóm "Bảo tồn quần thể vượn đen má vàng phía nam (Nomascus gabriellae) tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin" được thành lập.
Đây là một trong hai nhóm dự án bảo tồn do phụ nữ lãnh đạo được lựa chọn và tài trợ bởi Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) thông qua chương trình "Trao quyền cho phụ nữ ngành bảo tồn"(EWC).
Nhóm nữ bảo tồn điều tra tiếng hót của vượn đen má vàng
Nhóm gồm Phạm Thị Nhung (quản lý dự án), Nguyễn Thị Thu Phương, Nguyễn Thị Thu Cúc và một thành viên nam Đồng Khắc Thành. Họ hoạt động tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk), nơi vẫn còn bảo tồn được nhiều giá trị đa dạng sinh học nhưng đang chịu áp lực lớn từ các hoạt động khai thác bất hợp pháp.

Hai mẹ con vượn đen má vàng phía nam (vượn đực có màu lông đen, má vàng nhưng vượn cái và vượn con thì có màu lông vàng)
ẢNH: QUANG VIÊN
Hoạt động khoa học trọng tâm của nhóm là điều tra tiếng hót của vượn đen má vàng phía nam, nhằm thu thập dữ liệu về phân bố và ước lượng quy mô quần thể loài loài linh trưởng đặc hữu có giá trị bảo tồn cao này tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin.
Phạm Thị Nhung cho biết nhóm đã tiến hành điều tra tại 10 lán ở trong rừng, mỗi lán lập 3 điểm nghe, các điểm nghe đều được điều tra trong 3 ngày liên tục.
Mỗi lán trại, nhóm ở lại trong rừng tối thiểu 4 ngày. Cứ 4 hoặc 5 ngày sau khi kết thúc điều tra một lán, nhóm sẽ được nghỉ 1 ngày và bắt đầu đợt điều tra đến cụm lán tiếp theo.

Nhóm nữ bảo tồn quần thể vượn đen má vàng phía nam (Nomascus gabriellae) tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin
ẢNH: QUANG VIÊN
Thời gian thực địa ở trong rừng hoàn toàn không có sóng điện thoại và điện. Lương thực, thực phẩm phải được chuẩn bị đầy đủ và mang đi cho 4 ngày liên tục.
Vào mỗi buổi sáng, dưới sự dẫn dắt của Phạm Thị Nhung, nhóm sẽ kết hợp với một số kiểm lâm rồi tách làm 3 nhóm nhỏ đến 3 điểm nghe khác nhau để ghi nhận tiếng hót của vượn.
Thời gian bắt buộc phải có mặt tại điểm nghe là từ 5 giờ - 5 giờ 30 sáng nên nhóm phải di chuyển đi từ lán trại lúc 4 giờ sáng. Một số điểm nghe phải di chuyển từ 3 giờ sáng.
Trong khoảng thời gian từ 30.10.2024 đến 22.12.2024, nhóm đã thực hiện 10 đợt khảo sát thực địa, mỗi đợt kéo dài từ 4 đến 5 ngày, tiếp cận thành công 30 điểm nghe được phân bố chiến lược trong khu vực rừng nguyên sinh.

Cá thể đực vượn đen má vàng lông đen phía nam
ẢNH: QUANG VIÊN
Cho đến nay, tổng cộng nhóm ghi nhận được 58 lần hót của vượn đen má vàng phía Nam. Những dữ liệu này không chỉ cho thấy sự hiện diện và hoạt động của loài trong khu vực, mà còn là cơ sở ban đầu để ước tính mật độ phân bố, phục vụ các nghiên cứu sâu hơn về sinh thái học và hành vi của loài.
Đối diễn hiểm nguy, khó khăn để bảo tồn vượn đen má vàng
Ba cô gái trẻ đến từ Đà Nẵng, Đồng Nai, Thanh Hóa này đã có một hành trình khó quên, đầy thử thách nhưng cũng rất cảm hứng.
Không giống như hình dung thông thường về công việc nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm, hoạt động của họ bắt đầu từ lúc bình minh chưa ló rạng.
Quản lý dự án Phạm Thị Nhung chia sẻ, mỗi điểm nghe tiếng vượn cần ít nhất hai người đi cùng. Họ xuất phát vào sáng sớm để đảm bảo an toàn, bởi rừng sâu đâu chỉ có chim muông mà còn cả rắn độc, thợ săn và hàng loạt yếu tố nguy hiểm. "Không ít lần chúng tôi đã đối mặt trực tiếp với rắn độc chỉ cách vài bước chân", Nhung kể.

Phạm Thị Nhung trao đổi với một cán bộ kiểm lâm về lộ trình đi điều tra tiếng hót của vượn đen má vàng phía nam
ẢNH: T.L
Hai tháng ròng rã từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2024, họ sống giữa thiên nhiên hoang dã trong điều kiện thời tiết lạnh buốt, nhiều đêm mưa như trút nước, gió lùa làm tốc lán, khiến cả đoàn mất ngủ vì lạnh. Trong rừng, những kẻ "khó ưa" như vắt, ruồi vàng… luôn hiện diện thử thách thêm lòng kiên trì của họ.
Thu Cúc tâm sự rằng ban đầu chỉ nói vu vơ "Khi nào chị Nhung đi rừng thì dẫn em đi với" trong một khoá học ngắn về bảo vệ động vật hoang dã từ hồi tháng 5, nhưng đâu ngờ chỉ 5 tháng sau lại được đồng hành cùng nhóm vào rừng.
Cúc là một cô gái sinh ra và lớn lên ở thành phố. Cô tự nhận mình là "gà công nghiệp chính hiệu", nhưng nay phải tập mang vác ba lô, lội suối, băng rừng trong điều kiện không điện, không nước nóng, không sóng điện thoại...
"Lần đầu chạm tay vào nước ban đêm, tôi tưởng như mình đang chạm vào dòng sông băng", Cúc nhớ lại. Ấy vậy mà cô gái ấy đã kiên cường vượt qua tất cả.

Thu Cúc phải chịu cái lạnh cắt da trong những chuyến đi điều tra tiếng hót vượn đen má vàng phía nam
ẢNH: T.L
Những câu chuyện ở "xứ sở mưa", cái tên thân thương Cúc đặt cho trạm 4, khiến ai nghe cũng xúc động. "Chúng tôi dầm mưa suốt từ lúc xuất phát đến lúc về. Một bạn nữ trong đoàn lạnh đến mức không ngủ nổi, cả nhóm người góp áo, góp chăn, lót áo mưa kín mít như ủ bà đẻ thì mới ngủ được", Cúc kể, mắt ánh lên một nỗi niềm vừa thương, vừa tự hào.
Nguyễn Thị Thu Phương, sinh viên năm cuối Trường đại học Nông lâm TP.HCM, háo hức khi được tuyển chọn vào nhóm "Bảo tồn quần thể vượn đen má vàng phía nam tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin". Nhưng hành trình vì sự sống còn của loài vượn với Thu Phương không chỉ có sự háo hức.
Có chuyến cô và các thành viên phải đi bộ hai ngày mới đến điểm đóng lán. Nhất là những đoạn đường dốc, đường trơn trượt dễ té, leo rất mất sức và đau cơ.
"Có lần cả chục người mắc võng sát nhau trong lán nhỏ. Đêm lạnh, em run lên cầm cập, ai cũng quăng chăn, áo khoác, thậm chí cả áo mưa để em đỡ lạnh. Em thật sự biết ơn", Phương chia sẻ thêm.

Từ phải sang là Phương, Cúc và các thành viên hỗ trợ nhóm đang ăn một bữa cơm đạm bạc giữa rừng sâu
ẢNH: T.L
Kỷ niệm khiến Phương nhớ mãi là chuyến vượt sông. Trời mưa khiến nước dâng cao và chảy xiết. Không biết bơi, lại thấy nước ngập đến vai, cô hoảng sợ. "Các anh trong đoàn đã dùng thân chuối làm bè, người giữ dây, người đợi sẵn bờ bên kia. Nhờ họ, em thấy mình mạnh mẽ hơn và thấy ấm áp vì sự đồng hành ấy", Phương kể lại.
Giữa rừng thiêng nước độc, có lẽ thứ quý giá không chỉ là tiếng vượn vang vọng, bằng chứng của sự sống còn của loài linh trưởng đang bị đe dọa nghiêm trọng, mà còn là tình người, sự sẻ chia, niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Cảnh đi dưới trời mưa tầm tả là chuyện thường ngày của nhóm 'Bảo tồn quần thể vượn đen má vàng phía nam Vườn quốc gia Chư Yang Sin'
ẢNH: T.L
Dự án bảo tồn vượn đen má vàng không chỉ là hành trình khoa học, mà còn là hành trình khẳng định sức mạnh và trái tim của những người phụ nữ trẻ Việt Nam kiên cường, quả cảm, đầy tình yêu với thiên nhiên, động vật hoang dã.
Ngoài điều tra tiếng hót của vượn đen má vàng phía nam, nhóm còn tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng tại vùng đệm. Các buổi tuyên truyền đã có tổng cộng 120 người dân từ các buôn làng vùng đệm tham gia.
Nhóm cũng đã tổ chức khóa tập huấn kỹ thuật điều tra và giám sát vượn đen má vàng phía nam dành cho 20 kiểm lâm viên và cán bộ của Vườn quốc gia Chư Yang Sin.
Khóa tập huấn nhằm hỗ trợ các cán bộ thực hành cách điều tra tiếng hót của loài vượn và sử dụng phương pháp Distance Sampling để ước lượng kích thước quần thể.