Trứng
Trung bình một quả trứng rán lớn cung cấp 169 mg cholesterol. Ăn trứng vừa phải không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc các yếu tố nguy cơ như viêm, xơ cứng động mạch, cholesterol cao. Một người trưởng thành khỏe mạnh, có mức cholesterol bình thường có thể ăn 1-2 quả trứng mỗi ngày. Theo các hướng dẫn về chế độ ăn uống, giới hạn cholesterol hàng ngày là 300 mg cho người khỏe mạnh, 200 mg cho người có nguy cơ cao mắc bệnh tim cao hơn. Trứng cung cấp đầy đủ vitamin, sắt, protein, ít chất béo bão hòa. Lòng trắng trứng không có cholesterol.
Cá mòi
100 g cá mòi chứa khoảng 131 mg cholesterol. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, một người ăn hai khẩu phần cá mòi (113 g trong một khẩu phần) là an toàn với sức khỏe. Món ăn này giàu omega-3 mà cơ thể không tự tạo ra. Các loại axit béo giúp kiểm soát triglyceride - chất béo trong máu có thể gây hại cho tim nếu liều lượng cao.
Động vật có vỏ
Ăn 12 con tôm lớn, cơ thể hấp thụ khoảng 130 mg cholesterol, 2 g chất béo. Tôm giàu vitamin B, protein, các chất dinh dưỡng như selen, kẽm. Để an toàn cho sức khỏe tổng thể, mỗi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ để cân bằng lượng tôm ăn hàng tuần. Các loại động vật có vỏ khác trong nhóm ít chất béo, ít cholesterol hơn tôm như cua.
Thịt nạc
100 g thịt bò xay có khoảng 80-110 mg cholesterol. Nhưng nếu cắt bỏ hết mỡ trong một miếng thịt bò thì chỉ có khoảng 45 miligam cholesterol trong một khẩu phần 113 g. Người lo lắng lượng cholesterol cao nên tránh thịt bò bít tết nhiều mỡ, ưu tiên chọn loại thịt bò xay nạc. Lựa chọn lành mạnh hơn là thịt gà nướng không da hoặc thịt gia cầm xay nạc.
Ngoài chế độ ăn uống kém lành mạnh, một số yếu tố nguy cơ gây cholesterol cao bao gồm di truyền, ít tập thể dục, béo phì và hút thuốc. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng mức cholesterol, chất béo trung tính, gây tăng cân. Nam giới không nên uống quá hai ly mỗi ngày, nữ giới uống tối đa một ly.