Khi được hỏi: "Làm thế nào để vượt qua mỗi khi thất bại?", Tân, chàng trai mắc bệnh bại não bẩm sinh, đáp: "Thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống. Thất bại không phải để chán nản mà là cơ hội để nhìn lại và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp hơn".
Giang Văn Tân sinh năm 2002. Mẹ của cậu, bà Phạm Thị Phúc, 50 tuổi, nhớ lại thời điểm đó vừa mang bầu vừa dầm mình trong nước lũ nhặt ve chai kiếm sống. Cậu con trai sinh ra với cơ thể yếu ớt, tay chân co quắp, sống được nhờ sự chăm sóc từng li từng tí của bố mẹ.
Bố Tân, ông Giang Văn Tiến, 71 tuổi, kể rằng những ngày bé cứ lên xe buýt là người Tân tím bầm, nên ngày nào ông cũng chở con bằng xe đạp, đi về 20-30 km đến Bệnh viện Nhi TW hoặc các trung tâm châm cứu.
Trong những năm ấy, bố quần quật ngoài bãi bồi sông Hồng trồng khoai sắn, mẹ mang rau cỏ ra chợ bán. Họ để con ở nhà, trước cửa bè vì đó là nơi sáng nhất. Thi thoảng người trong xóm nghe "tõm" là chạy sang vớt đứa trẻ từ trong dòng nước.
"Trước gia đình em ở trọ, vì chạy chữa cho em kinh tế kiệt quệ, phải chuyển xuống sông sống", Tân nói.
Một chiều cận Tết 2008, cậu bé Tân đang chơi trước hiên nhà như mọi ngày. Đoàn các thầy cô trường tiểu học của anh trai Tân đến thăm và tặng quà cho gia đình. Cô hiệu trưởng ngồi xuống cạnh Tân hỏi: "Con có muốn đi học không?". Đứa trẻ ấy gật đầu dù đi học là thứ gì đó rất lạ lẫm và đầy lo sợ.
Thông thường các gia đình ở khu vực bãi giữa sông Hồng gặp khó khăn trong giấy tờ tùy thân nên để một đứa trẻ được đến trường cần nhiều nỗ lực và cả sự trợ giúp từ bên ngoài. Nhờ tổ chức Blue Dragon và trường học, con đường đi học của Tân chính thức mở ra.
Nhưng để đưa cậu bé bại não đến trường là một hành trình không đơn giản. Ngày ngày bà Phúc phải bế con chừng nửa cây số lên khu vực để xe. Ban đầu Tân ngồi trong cũi sau lưng mẹ, dần dần ngồi trước kẹp giữa hai chân. Lớn hơn, cậu tự ngồi được sau lưng mẹ, song vì nửa thân dưới gần như liệt nên người xiêu vẹo, không ít lần bị rơi ngã.
Ngay khi tan học về, cậu bé mang bài vở ra trước hiên nhà để học bài trước lúc mặt trời lặn bởi xóm phao không có điện.
Tân kể, suốt thời thơ bé không tối nào được chơi. Bố kèm cậu học về cộng trừ nhân chia và bảng chữ cái. Học xong ông lại tập vận động và nắn bóp tay chân cho con.
"Bố rất nghiêm khắc, ông không cho rằng bệnh tật là cái cớ để từ bỏ mọi thứ, ngược lại có yêu cầu cao hơn vì muốn em lớn lên có thể độc lập và duy trì thể trạng lâu hơn", Tân nhớ lại.
Suốt thời phổ thông, Giang Văn Tân luôn có thành tích học tập tốt. Khi theo học tại Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và công nghệ Hà Nội, cậu bé xóm phao đã tốt nghiệp với bằng giỏi ba năm THPT, bằng giỏi trung cấp kế toán, cùng giải ba môn Lịch sử cấp thành phố.
"Mục tiêu của em là vào đại học nên cố gắng có bảng điểm đẹp nhất", Tân chia sẻ. Nhưng lúc đã đỗ đại học, cậu lại phân vân.
Mấy mươi năm nay gia đình vẫn sống trên sông, không điện, không nước sạch. Kinh tế không khá lên, ngược lại khó khăn hơn vì cha trải qua hai lần tai biến, mẹ ốm bệnh. Sau cùng Tân quyết định đi làm vài năm để kiếm tiền vào đại học.
Chàng trai đăng ký học và làm về công nghệ thông tin tại Trung tâm Nghị lực sống - doanh nghiệp xã hội hỗ trợ toàn diện cho người khuyết tật. Song song Tân vẫn tích cực tham gia các hoạt động trong cộng đồng người khuyết tật, bại não và các hoạt động của Liên Hợp Quốc ở Việt Nam.
Đầu năm 2024, Giang Văn Tân quyết tâm theo đuổi học bổng Chắp cánh ước mơ của trường đại học RMIT Việt Nam. Ba ngày sau phỏng vấn, chàng trai nhận được thư của trường. Phản ứng đầu tiên của cậu là che mắt lại, kéo xuống cuối thư để nhìn xem có các từ như "rất tiếc" hoặc "chúc bạn may mắn lần sau".
"Lúc không thấy các chữ đó là tim đập rộn ràng. Em mới dám kéo lên, từ từ đọc toàn bộ thư trúng tuyển", Tân kể.
Niềm vui hóa thành dòng nước mắt trong cuộc gọi ngay sau đó. "Con đậu rồi!", Tân nghẹn ngào thông báo cho mẹ, người khi ấy đang làm thêm ở quán phở. Mẹ cậu hét lớn: "Mẹ chúc mừng con. Đậu rồi phải vui lên chứ".
Học bổng toàn phần từ RMIT sẽ trang trải học phí trong suốt bốn năm, bao gồm một năm học tiếng Anh và ba năm chuyên ngành Công nghệ thông tin, cùng sinh hoạt phí hàng tháng.
"Khó khăn không làm giảm đi ý chí, mà ngược lại còn khiến em kiên trì hơn. Tân là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong học tập và cuộc sống", cô Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của Tân, chia sẻ.
Anh Đỗ Duy Vị - đồng giám đốc điều hành của tổ chức Blue Dragon, nơi đã đồng hành cùng Tân từ những năm thơ bé - nhận xét: "Chính động lực mạnh mẽ và trí thông minh đã giúp Tân vượt qua nghèo khó và bệnh tật bẩm sinh để đến được hôm nay".
Đứa trẻ từ xóm phao trên sông Hồng thừa nhận con đường đi có thể dài ngắn khác nhau, hoàn cảnh có thể khó khăn đến đâu nhưng mục tiêu của cậu trước nay chưa bao giờ thay đổi.
"Học bổng này là cơ hội để em thay đổi cuộc sống gia đình", chàng trai nói.