Có thể bạn không biết, nhưng chính những quan niệm cũ kỹ về việc học đã khiến bạn chẳng học được gì "ra trò", bạn tự "thôi miên" chính bản thân mình rằng: Học là phải cần có tâm trạng, học phải có động lực mới học được, việc học phải tuân theo một số phương cách nhất định mới đúng... Tất cả những điều này không hợp lý! Muốn biết tại sao không hợp lý? Cuốn sách Bí quyết học gì giỏi nấy của Peter Hollins sẽ cho bạn câu trả lời thỏa đáng dưới đây:
Quan niệm: Trí thông minh và tài năng thiên bẩm là điều cần thiết
Chỉ những người thông minh bẩm sinh mới có thể học hành đến nơi đến chốn thôi sao? Có phải sự thật là có những người không đủ khả năng học hành? Chúng ta chỉ được ông trời định sẵn cho một vài nhiệm vụ cỏn con thôi, nên đừng so đo với người khác, thật vậy ư?
Không, không, không. Trên thực tế, tài năng thiên bẩm chỉ là một yếu tố nhỏ giúp ta học tập thuận lợi hơn. Cách nghĩ, hóa ra là thứ khác biệt đáng kể nhất giữa những người học thành công và những người học không thành công. Những người có cách nghĩ cởi mở – người tin rằng họ có thể cải thiện kỹ năng/kiến thức bằng sự nỗ lực qua thời gian – làm được nhiều thứ và làm tốt hơn nhiều so với những người có thể có nhiều tài năng hơn, nhưng lại tin trí thông minh là một thuộc tính cố định, không thể cải thiện.
Có rất nhiều lý do cho việc này. Những người tin rằng trí thông minh là cố định đã tự dựng lên nhiều rào cản cho tương lai của chính họ. Không hiếm những người thông minh bẩm sinh nhưng không nỗ lực đẩy bản thân mình tiến lên, bởi họ tin điều đó là vô ích. Tại xuất phát điểm, người thông minh có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, nhưng họ không thể đa dạng hóa và vươn lên vượt quá một điểm nhất định. Điều này giới hạn lượng và loại kiến thức/kỹ năng họ có thể học. Một số người khác lại có xu hướng chấp nhận mức "thấp hơn trung bình" ở những bộ môn mà họ cho rằng mình "không có năng khiếu", ngay cả khi chỉ cần họ cố gắng nỗ lực thêm chút nữa là có thể dễ dàng đạt được mức xuất sắc trong bộ môn bị ngó lơ đó.
Ngược lại, những người có cách nghĩ cởi mở – bất kể họ không có chút năng khiếu ban đầu nào trong với môn học sắp tới – biết rằng qua thời gian, với sự nỗ lực và hướng dẫn phù hợp, họ có thể thành thạo trên bất kỳ lĩnh vực nào. Họ thấy thế giới đầy rẫy những cơ hội. Họ biết rằng thất bại ban đầu, nếu có, thì cũng không phải là lý do để tuyệt vọng. Ngược lại, họ thấy thất bại là cơ hội để học hỏi nhiều hơn, một bài học không quên về những điều không nên làm.
Cũng chính vì không sợ thất bại, người có cách nghĩ cởi mở sẵn sàng nắm bắt khi cơ hội xuất hiện. Họ cũng tiến bộ nhanh hơn trong khi học, có lẽ vì họ ít nản lòng hơn, hoặc không để những vấp ngã làm những rào cản cho sự tiến bộ của mình.
Những cá nhân có tư duy cởi mở cũng xem nhẹ quan niệm rằng trí thông minh được xác lập ngay từ lúc mới sinh. Mỗi chúng ta đều học khi lớn dần lên. Chúng ta bắt đầu bằng việc học cách cầm nắm đồ vật từ khi còn nằm trong cũi, rồi học cách nâng đầu dậy, và bò. Chẳng mấy chốc, ta chập chững những bước đi đầu tiên, bi bô nói chuyện với cha mẹ. Rồi dần dần, ta học đại số, đọc văn học và làm thí nghiệm khoa học.
Chúng ta bắt đầu cuộc sống này từ khi còn rất yếu ớt, chẳng biết gì, cũng chẳng có kỹ năng nào, nhưng bộ não của chúng ta lớn lên, biến đổi, và thay đổi – không chỉ khi còn trẻ, mà còn mãi đến ngày ta chết đi. Mỗi ngày là một cơ hội để học, để hoàn thành mục tiêu, để thực hiện những thứ còn lớn lao hơn những gì ta tưởng tượng. Tất cả những gì chúng ta phải làm là tự mình giải quyết vấn đề, tin tưởng vào bản thân, học hỏi từ những bậc thầy và thực hành các kỹ năng mới cho đến khi nó trở thành một phần của ta.
Quan niệm: Việc học phải tuân theo một số phương cách nhất định
Một quan niệm sai lầm khác là mỗi chúng ta đều có một cách học riêng, khiến ta hoặc khó khăn, hoặc dễ dàng học từ những phương pháp nhất định, bằng những phương tiện nhất định.
Quan niệm này cũng nói rằng mỗi chúng ta có một kiểu tinh thần-tâm trí khác nhau, nên cần có những cách học khác nhau để đạt được tiềm năng của mình.
Quan niệm này được truyền bá rất rộng rãi, bắt nguồn từ nghiên cứu của nhà tâm lý học Howard Gardner. Gardner đã phác thảo tám loại trí thông minh khác nhau, bao gồm: ngôn ngữ, logic, âm nhạc, vận động, không gian, tương tác, nội tâm và tự nhiên. Những loại trí thông minh này không chỉ ra các kỹ năng cá nhân, mà chỉ mô tả những đặc điểm chung. Như Gardner mô tả trong lý thuyết của mình, mỗi loại trí thông minh có một hệ thống thu nhận kiến thức khác nhau. Những hệ thống khác nhau cần được kết hợp với nhau để tạo ra những cách tiếp cận bổ sung, khác biệt, giúp đào tạo con người hiệu quả.
Thật không may, đại chúng đã biến công trình của ông thành cơ sở để phân biệt mọi người với nhau. Các nhà báo và nhiều người khác đã suy luận rằng vì mỗi chúng ta có những dạng thông minh khác nhau, nên mỗi người cần những cách thức học tập khác nhau để đạt được hiệu quả cao nhất. Điều này vô tình biến thành một cái cớ để các sinh viên có thành tích kém bao biện, đổ lỗi, rằng vấn đề nằm ở cách dạy chứ không phải bản thân người học, nếu nhà trường trình bày tài liệu theo một dạng thức khác, sinh viên mới tiếp thu dễ dàng được.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, khi được học theo phương cách ưa thích của mình, người học không cho thấy xu hướng học tập tốt hơn hay nhanh hơn. Thay vào đó, người ta phát hiện ra rằng tất cả mọi người, bất kể sở thích của họ thế nào đi nữa, học tốt nhất khi tài liệu được trình bày dưới dạng phù hợp.
Điều này là hợp lý. Mỗi người chúng ta tuy rằng khác nhau, nhưng không quá khác đến nỗi một số người trong chúng ta có thể học chơi thể thao "ngon lành" hơn bằng cách đọc về chúng – việc này luôn luôn đòi hỏi sự vận động. Tương tự như thế, để nói và viết tốt môn ngoại ngữ nào đó, ta buộc phải nghe và đọc.
Lý thuyết về đa trí tuệ của Gardner vốn phù hợp chính xác với những nghiên cứu phản biện trên. Ông cho rằng mỗi người chúng ta cần sử dụng tất cả các phương pháp để học, và việc phát hiện những loại trí thông minh khác nhau này có thể giúp giáo viên tìm ra nhiều cách hơn để giao tiếp với mọi học sinh – chứ không chỉ với những người có phong cách học tập phù hợp.
Một quan niệm sai tương tự về học tập và bộ não là quan niệm khăng khăng phân loại con người thành kiểu não phải hay não trái. Những người mạnh não trái được cho là logic
hơn, trong khi những người não phải thì nghệ sĩ hơn. Nhiều người tin rằng vì những khác biệt sinh học này, mọi người cần phải học tập và nên tham gia các hoạt động phù hợp với kỹ năng và hạn chế của mình.
Niềm tin sai lầm này nảy sinh do một số lần quét não cho thấy mức độ hoạt động khác nhau ở mỗi bán cầu khi một người thực hiện các hoạt động khác nhau. Nhưng theo các lần quét não gần đây, bộ não hoạt động như một đơn vị thống nhất trong những hoạt động trí tuệ.Trên thực tế, bộ não hoạt động một cách toàn diện hơn; tất cả chúng ta đều sử dụng một trăm phần trăm bộ não của mình ở cả hai bán cầu, và chúng ta không bị giới hạn bởi một năng khiếu logic hay nghệ thuật duy nhất. Rất nhiều người xuất sắc ở cả hai lĩnh vực (nghệ thuật lẫn tư duy logic), và bạn cũng có thể như vậy.
Quan niệm: Học cần phải có động lực
Quan niệm sai lầm tiếp theo mà mọi người thường mắc phải đó là chờ có động lực rồi mới học. Việc chờ đợi cảm hứng xuất hiện là một sai lầm. Hãy nghĩ xem, nào có ai thích thú hay cảm thấy có động lực để học điều mà họ không quan tâm; mục tiêu cuối cùng không phải lúc nào cũng có thể khích lệ chúng ta học hành; chưa kể việc học không phải lúc nào cũng thú vị hoặc dễ chịu. Động lực không phải là thứ khiến bạn nhấc mông lên khỏi ghế và hành động; mà là sự tự tin.
Tự tin nghĩa là bạn có lòng tin rằng mình có thể đạt được một mục tiêu nào đó. Tự tin ở
mức cao sẽ khuyến khích bạn lăn xả vào việc học tập hơn, vì bạn biết nếu có vấp ngã, bạn sẽ có thể đứng lên và bắt đầu lại. Bạn biết bạn có năng lực, có khả năng và có thể hoàn thành những gì mình đã đặt ra mà không có chút lăn tăn nào trong lòng.
Ngược lại, người thiếu tự tin thường tự sợ hãi và nghi ngờ chính bản thân mình. Khi không tự tin, bạn sẽ luôn tự hỏi điều gì xảy ra nếu bạn mắc lỗi, và lo lắng sẽ có bao nhiêu lỗi xảy ra.
Thiếu tự tin, bạn so sánh bản thân với những người khác đã đạt được mục tiêu của mình, rồi tự thấy quãng đường để đạt đến đẳng cấp tuyệt vời đó thật xa xôi. Không có tự tin, mọi sự không hoàn hảo đều trở thành minh chứng cho sự bất tài của bạn (trong mắt bạn). Khi thiếu sự tự tin, bạn thấy việc bắt tay vào hành động chẳng có nghĩa lý gì.
Học tập không hề dễ. Nó đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Thách thức bản thân học hỏi điều mới là chuyện không dễ dàng đối với bất cứ ai. Không có lý do gì để chờ đợi "có tâm trạng học tập"; bởi tâm trạng đó có lẽ sẽ không bao giờ xuất hiện. Học tập không phải lúc nào cũng vui vẻ, và học cũng không phải là điều bạn chỉ có thể làm khi cảm thấy thoải mái.
Học tập là cách chúng ta "nâng cấp" bản thân so với hiện tại. Nó khó thật. Nhưng nếu bạn có chút cảm giác tự tin ở những gì bạn có thể đạt được, vậy thì nếu còn điều gì ngăn bạn bắt đầu thì đó chỉ có thể sự lười biếng của bạn.
Quan niệm: Phải có khoảng thời gian trống nhất định thì mới học được
Ngay cả khi biết rằng mình phải học gì đó để phát triển bản thân hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống, nhiều người vẫn từ bỏ với lý do không có thời gian. Cái cớ này càng trở nên "nặng ký" hơn bởi một nghiên cứu phổ biến của Malcolm Gladwell, rằng phải mất một lượng lớn thời gian để thành thạo một kỹ năng hoặc sở thích mới. Trong quyển sách Những kẻ xuất chúng (Outliers:The Story of Success), Gladwell đã tuyên bố: phải mất 10.000 giờ luyện tập thì một người mới có thể thành thạo một kỹ năng mới. Với "điểm chuẩn" cao đến như vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người vừa nhìn vào con số đã nhanh chóng khẳng định họ quá bận để có thể học. Xét cho cùng, việc răm rắp tin vào "điểm chuẩn" này không hoàn toàn thỏa đáng.
Hãy xem xét khía cạnh này: Nếu bạn dành ra ba giờ đồng hồ để mày mò tự học bắn cung, bạn sẽ học được chút ít nào đó. Nhưng cũng với ba giờ đó, bạn dùng để học cùng một chuyên gia – người có thể quan sát và chỉnh sửa động tác cho bạn, hướng dẫn bạn tập trung vào những kỹ thuật cần nắm vững. Hai kết quả học này có tương đương không? Tất nhiên là không. Học với một người hướng dẫn sẽ giúp quá trình học trở nên nhanh hơn, dễ dàng hơn, ít sai lầm hơn. (Dĩ nhiên, nếu bạn có một chiến lược rèn luyện và giữ gìn kỷ luật trong học tập, bạn sẽ còn thuần thục kỹ năng nhanh hơn bạn nghĩ).
Rõ ràng, Quy tắc 10.000 giờ mà chúng ta vẫn đang tin theo hoàn toàn không cân nhắc đến thực tế rằng chất lượng thực hành có thể tác động đến lượng thời gian cần thiết để ta thuần thục một kỹ năng mới.
Theo tác giả sách Daniel Goleman, việc thực hành có chủ ý cần "một người có đôi mắt chuyên gia" để giúp bạn xác định cụ thể những điểm bạn có thể cải thiện, thúc đẩy bạn đạt đến mức độ thuần thục cao nhất. "Nếu không có những nhận xét, điều chỉnh, hướng dẫn như vậy, bạn không thể đạt được thứ hạng cao nhất. Sự hướng dẫn và sự tập trung sẽ giúp bạn, chứ không chỉ thời gian". Với sự hướng dẫn của chuyên gia, chúng ta có thể tránh được những sai lầm, phí phạm không đáng có để về đến đích trong thời gian ngắn nhất có thể.
Bằng việc xác định tâm thế chú trọng vào chất lượng, chúng ta có thể sử dụng các kỹ
thuật và mẹo phù hợp để con đường học hành trở nên ngắn hơn, dễ dàng hơn, ít phải trả giá vì sai lầm hơn. Khi được hướng dẫn tốt, cho dù dưới hình thức là người cố vấn hay tài liệu giảng dạy chất lượng, chúng ta có sự chú ý và thực hành tập trung, từ đó học hành hiệu quả hơn nhiều. Tóm lại, làm việc thông minh hơn mà không phải chăm chỉ hơn, là điều hoàn toàn có thể. Và khi làm thế, ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Tự học nói thì dễ, nhưng làm không dễ! Nếu không kiên định với việc này bạn thường sẽ bị "gãy gánh giữa đường". Quyển sách Bí quyết học gì giỏi nấy của tác giả Peter Hollins sẽ "đánh thức" tinh thần cầu tiến trong mỗi người chúng ta, rằng không cần phải có năng khiếu trời ban, không cần tuân theo phong cách học tập đặc biệt, cũng không cần nhiều thời gian để học một kỹ năng/bộ môn mới. Không có điều kiện tiên quyết thực sự nào, ngoài trừ - tinh thần sẵn sàng nỗ lực.