Khởi nghiệp

Câu chuyện gọi vốn trong mùa Covid-19: Đi tìm nhà đầu tư mới rất khó, trừ startup có sản phẩm thuộc ngành y dược, edu-tech, nội dung số…

Trước đây, để thành công thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền đã khó, giờ sau bê bối WeWork-Uber hay thất bại của WeFit cộng với Covid-19; việc gọi vốn của các startup Việt trở nên khó gấp đôi. Tuy nhiên, lý thuyết này không đúng với tất cả, theo các mentor hay nhà đầu tư ‘thiên thần’ tại Việt Nam, các startup trong những ngành hưởng lợi từ Covid-19 như y dược, edu-tech, giải trí - cụ thể là nội dung số… vẫn được các ‘mạnh thường quân’ săn đón nhiệt tình.

Nhà đầu tư thích startup đã có ý tưởng được kiểm chứng hoặc có sản phẩm bán ra thị trường 


"Ở mặt bằng chung, gọi vốn trong giai đoạn đầu tiên khởi nghiệp ở thời điểm này không dễ so với trước Covid-19.

Việc một loạt startup thất bại trên bình diện thế giới và cả Việt Nam, khiến các nhà đầu tư – như bản thân tôi, không dễ dàng xuống tiền cho startup như trước kia. Bây giờ, trước khi quyết định đầu tư, chúng tôi luôn cân nhắc rất cẩn thận và chi tiết.

Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề tới thị trường đầu tư. Bản thân công việc kinh doanh của các nhà đầu tư lẫn các startup trong danh mục đầu tư đều đi xuống, khiến các nhà đầu tư có xu hướng quay về ‘phòng thủ’. Tôi đang đầu tư vào khoảng 8 đến 9 startup. Vì Covid-19, hầu hết họ gặp khó khăn thật sự: có nhóm doanh số giảm từ 50% - 60%, có nhóm không có đồng doanh thu nào mặc dù chi phí bỏ ra vẫn thế", nhà đầu tư ‘thiên thần’ Nguyễn Tiến Trung kiêm Chủ tịch Kanyo Vietnam SJC và đồng sáng lập Song Han Incubator, sơ lượt tình hình.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều khó, ít nhất theo anh Trung thì những startup trong các ngành nghề sau đây sẽ dễ thở hơn: edu-tech, các ngành hàng thiết yếu, giao hàng online, y tế. Nếu startup đưa ra được mô hình kinh doanh tiềm năng hoặc sản phẩm đột phá, có thể nhận được tiền từ nhà đầu tư thậm chí còn nhanh hơn trước kia. Đặc biệt là ngành edu-tech, bởi Covid-19 là thời điểm ‘giáo dục thị trường’ vừa hiệu quả vừa rẻ tiền.

Trong thời điểm này, nhà đầu tư sẽ thích những startup đã có sản phẩm ra thị trường hoặc ý tưởng đã được kiểm chứng; không ưa những ý tưởng đơn thuần chỉ là ý tưởng. Nhà đầu tư muốn số vốn mình rót xuống dùng đẩy mạnh thị trường chứ không phải bắt đầu phát triển sản phẩm hoặc thăm dò thị trường. Bây giờ, nếu có ý tưởng kinh doanh tốt, các startup nên nhanh chóng triển khai ra thị trường, rồi hãy đi gọi vốn!

"Có một điều các startup cần lưu ý: dù trước hay sau Covid-19, quan điểm của các nhà đầu về một startup đáng đầu tư cũng không thay đổi, họ chỉ kỹ càng hơn trong đánh giá mô hình kinh doanh – con người thực hiện.

Về con người, họ vẫn sẽ tập trung vào các vấn đề như: đội nhóm đó có thật sự quyết tâm hay không, họ đã hy sinh những gì để gầy dựng doanh nghiệp, họ có thể trao cho nhà đầu tư bao nhiêu phần trăm cổ phần, startup cần gì từ nhà đầu tư, họ cần bao nhiêu tiền và để làm gì… Về mô hình kinh doanh: tương lai của dự án sẽ như thế nào, khách hàng là ai, khả năng thích ứng với thị trường – khách hàng…Các câu trả lời càng rõ nét thì cơ hội nhận được tiền từ nhà đầu tư càng lớn!", anh Trung khẳng định.

Ngoài ra, startup đừng tìm cách lừa dối nhà đầu tư, bởi hậu quả startup gánh chịu không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai. Các nhà đầu tư thường có mạng lưới của mình, chỉ cần gian dối một lần, các startup sẽ mất cơ hội gọi vốn ở các giai đoạn tiếp theo (có khi vĩnh viễn).

Một số đơn vị đầu tư ở nước ngoài đang chuyển ngân quỹ đầu tư trực tiếp sang cho vay


Hoàn toàn đồng ý với nhận định của đồng nghiệp, anh Trần Trí Dũng - Cố vấn của chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ, Thư ký Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam (VMI) cho biết: đúng là các nhà đầu tư đang quay về chăm sóc các startup trong danh mục đầu tư của mình thay vì tìm các đối tác startup mới.

Câu chuyện gọi vốn trong mùa Covid-19: Đi tìm nhà đầu tư mới rất khó, trừ startup có sản phẩm thuộc ngành y dược, edu-tech, nội dung số… - Ảnh 1.

Anh Trần Trí Dũng - Cố vấn của chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ

Hơn nữa, làm sao các nhà đầu tư quốc tế có thể yên tâm rót tiền vào một startup Việt Nam chưa gặp gỡ lần nào do Covid-19?! Còn hầu hết những deal đầu tư các startup Việt Nam nhận được kể từ đầu năm 2020 đến nay đều không mới, đây chỉ là thời điểm chốt deal. Như chúng ta đều biết, thời gian từ bắt đầu đến lúc chốt deal đầu tư trung bình khoảng 6 tháng.

Có trường hợp đặc biệt: các tổ chức – nhà đầu tư sở hữu tiềm lực lớn, dù hoạt động kinh doanh của bản thân họ bị thiệt hại nặng nề, nhưng vẫn chấp thuận đầu tư mới rất nhanh với tâm lý "mình đã mất 10 đồng giờ mất thêm 1 đồng cũng chẳng sao, biết đâu may mắn vẫn có thể vãn hồi thất bát từ các thương vụ đầu tư này".

Ngoài ra, một số đơn vị đầu tư ở nước ngoài đang chuyển ngân quỹ đầu tư trực tiếp sang cho vay, bởi cho vay ngắn hạn ít rủi ro hơn đầu tư trực tiếp tại thời điểm này. Mỗi gói vay vào khoảng 500.000 USD. "Trong những lúc khủng hoảng, startup có thêm vài chục hoặc vài trăm USD đã quý! Thế nên, chúng ta cần biết cách tận dụng những gói vay kể trên, bởi bây giờ đi tìm nhà đầu tư mới rất khó. Hơn nữa, thế giới đang nhìn thị trường khởi nghiệp Việt Nam rất tốt", anh Dũng khuyến khích.

Cũng theo anh Dũng, quan hệ giữa founder – nhà đầu tư trước giờ vẫn thế, là mối quan hệ giữa con người – con người; trong thời Covid-19, nhà đầu tư chỉ quyết định cẩn trọng hơn mà thôi.

Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh cũng quan trọng. Startup đang triển khai cái gì và đến đâu, nếu đang ở trong giai đoạn đầu chưa định hình được mô hình nên gọi vốn nhỏ; nếu đã có mô hình kinh doanh – kiếm được tiền thì gọi số vốn lớn hơn… Chúng ta ở giai đoạn nào nên gọi quy mô vốn phù hợp giai đoạn đó, nhằm tìm nhà đầu tư nhanh hơn.

Bàn về cơ hội của các startup trong thời Covid-19, anh Dũng đánh giá cao mảng chế biến nông sản công nghệ cao, dược, edu-tech. Dù ngành logistic – nhất là giao hàng trực tuyến rất nhiều tiềm năng, nhưng do quá cạnh tranh, các startup cần tránh nhảy vào ‘sân chơi’ này.

"Trong thời Covid-19, các ngành thuộc nhu cầu thiết yếu, edu-tech, giải trí phát triển tốt. WeWork sẽ không còn đất sống, trong khi Zoom - ứng dụng phục vụ nhu cầu làm việc thiết yếu tăng trưởng phi mã. Chắc chắn ứng dụng Netflix và game đang phát triển kinh khủng!

Các startup nào dùng công nghệ để giảm chi phí cho người tiêu dùng sẽ được xem trọng. Bây giờ, các nhà đầu tư không nhìn vào sản phẩm mà nhìn vào đặc tính sản phẩm. Có thể mô hình kinh doanh vật lý thuộc vào phạm trù không phải nhu cầu thiết yếu, nhưng nếu số hóa vẫn được đón nhận nhiệt tình, ví dụ: cũng là giải trí nhưng Netflix ngày càng được yêu thích trong khi các khu vui chơi trong trung tâm thương mại đóng cửa.

Các startup chuyên digital – đặc biệt digital content (nội dung số), thị trường cho sản phẩm của họ không giới hạn, chưa nói chỉ cần sản xuất 1 lần bán triệu lần", anh Trịnh Minh Giang - sáng lập Strategy Academy, chủ nhiệm Vườn ươm Lãnh đạo trẻ trong Kỷ nguyên số (YDLI), góp lời.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm