Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), cú xì hơi của bong bóng tiền số năm 2022 đã quét sạch 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường và khiến nhiều người sợ hãi, thế nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng thấm đòn khi nhiều trường hợp vẫn mơ làm giàu bằng con đường này.
Cụ thể, tờ WSJ phỏng vấn nhiều trường hợp vẫn đổ tiền vào thị trường này và tin rằng đây là cơ hội tốt để bắt đáy và xây dựng sự nghiệp giàu sang. Số liệu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh Philadelphia cho thấy 39% người chơi tiền số vào tháng 10/2022 nói rằng họ sẽ mua vào tiếp.
Trong mùa dịch Covid-19, thị trường tiền số đã bùng nổ mạnh mẽ khi nhà đầu tư bị cách ly và dồn tiền vào kênh này. Thế nhưng vào năm 2022, khi bong bóng xì hơi và nhà đầu cơ rút vốn, hàng loạt đồng tiền số đổ vỡ cùng vô số những vụ bê bối diễn ra đã làm mất niềm tin của vô số người chơi. Ngoài ra, các cơ quan quản lý vào cuộc với những quy định siết chặt thị trường, yêu cầu đóng cửa nhiều dịch vụ cũng như sản phẩm tiền số càng khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Bất chấp những thách thức đó, nhiều người vẫn tin tưởng vào tiền số khi nhận định rằng các phương thức làm giàu truyền thống đã không còn dễ dàng như trước, nếu không muốn nói là quá khó khăn cho tầng lớp lao động bình dân. Việc đầu tư dài hạn, kiếm thu nhập thụ động từ cổ phiếu, bất động sản trở nên kém hấp dẫn hơn so với những đường cong lên xuống giá của tiền số.
Anh Jordan Johnson
Còn niềm tin
Anh Jordan Johnson là đứa con duy nhất trong gia đình tốt nghiệp đại học. Bản thân anh từng mong mỏi tấm bằng sẽ giúp anh kiếm được mức lương ổn định, nên anh đã kiếm một công việc ngân hàng. Thế nhưng mức lương của anh bị cố định quanh khoảng 55.000 USD/năm và người đàn ông này dần mất kiên nhẫn với con đường lao động, tiết kiệm, làm giàu truyền thống.
Vậy là anh Johnson bỏ việc, khởi nghiệp một công ty nhỏ tại Ariz và chơi tiền số từ tháng 1/2022 với kỳ vọng có lợi nhuận nhanh. Người đàn ông này đổ khoảng 90.000 USD tiền tiết kiệm từ bán nhà và vay nợ để chơi tiền số. Thế nhưng cả 3 đồng tiền mà Johnson đầu tư là Ether, TerraUSD và Luna đều đổ bể khiến anh mất gần hết số vốn.
Thế nhưng sau đó, anh Johnson vẫn tiếp tục chơi tiền số bởi người đàn ông này cho rằng thị trường chứng khoán quá chậm, trong khi anh chẳng thể kiếm tiền giỏi hơn những chuyên gia đã lăn lộn trong nghề cổ phiếu nhiều năm.
Theo nghiên cứu của Viện Pew, tính đến tháng 7/2022 đã có khoảng 16% người Mỹ từng chơi, giao dịch hay sử dụng tiền số, cao hơn mức 1% của năm 2015. Bất chấp những rủi ro cực kỳ lớn trong mảng này nhưng vẫn có rất nhiều người Mỹ coi đây là đường tắt dẫn đến sự giàu sang.
Chuyên gia tài chính Valerie Rivera của FirstGen Wealth nhận định mọi người không nên đưa tiền số vào danh sách đầu tư của mình vì nó quá rủi ro, nhưng đây lại là kênh ưa thích của rất nhiều bạn trẻ muốn giàu nhanh.
Thậm chí, bà Rivera còn cho biết rất nhiều người Mỹ chơi tiền số khi còn chưa trả xong nợ thẻ tín dụng, qua đó cho thấy khả năng kiểm soát tài chính rất kém.
Không nhiều lựa chọn
Báo cáo của Viện JP Morgan Chase Institute thì cho thấy đa phần những người chơi tiền số đều mất tiền tính đến tháng 6/2022, nhưng thị trường này lại nhanh chóng tạo nên rất nhiều trường hợp triệu phú, tỷ phú từ tay trắng, qua đó hấp dẫn giới trẻ. Điều này cũng tương tự như chơi xổ số hay đánh bạc vậy, khi ai cũng hy vọng mình sẽ là kẻ giàu có tiếp theo.
Tuy nhiên, tờ WSJ thì nhận định đối với nhiều người, tiền số trở thành một trong những lựa chọn không nhiều để thoát nghèo và vươn lên đẳng cấp giàu sang.
Giá Bitcoin trong 1 năm qua
Anh Sage Gidden và Billy Curtis, đều là những nhân viên phòng gym tại Bentonville ở ngoài độ tuổi 20. Cả 2 đều cho biết mình chơi tiền số vì những phương thức đầu tư khác trở nên quá khó khăn và không dễ thành công với họ. Riêng anh Giddens cho biết thậm chí đã giành 25% thu nhập hàng tháng để chơi tiền số, điều mà anh đã làm cả năm nay.
Theo 2 bạn trẻ này thì thị trường bất động sản cần quá nhiều vốn, quá nhiều quy định cũng như sự nhanh nhạy, kiến thức trong nghề. Với công việc và đồng lương ít ỏi của mình thì họ chẳng thể giàu nhanh được với kênh này.
Anh Curtis cho biết việc kiếm một tấm bằng đại học có thể giúp họ có công việc tốt hơn nhưng cuối cùng con đường này cũng chỉ là một “trò lừa”. Theo anh Curtis, tiền học phí đắt đỏ sẽ khiến anh lâm vào nợ nần như bao người Mỹ khác, nai lưng đi làm trả nợ trước khi kịp kiếm tiền để giàu.
Trái ngược lại, tiền số không có quá nhiều rào cản để tiếp cận, không cần bằng cấp, kinh nghiệm và lại có mức biến động mạnh đủ để đưa một người nghèo thành triệu phú, tỷ phú trong tích tắc. Tất nhiên, những lợi thế đó cũng sẽ đi kèm với rủi ro lớn tương ứng.
“Tiền số rất nguy hiểm, nhưng rủi ro cao thì cũng đi kèm với lợi nhuận lớn. Chúng tôi thì cho rằng đây là một kênh để kiếm tiền nghỉ hưu được”, cả 2 chàng trai cho biết.
Sợ bỏ lỡ
Giáo sư xã hội học Adam Goldstein của trường đại học Princeton nhận định sự bùng nổ của thị trường tài chính trong vài thập niên trở lại đây khiến nhiều người Mỹ tin rằng mình có thể giàu lên nhờ đầu cơ các cơn sóng lên xuống của thị trường.
“Ngày càng nhiều người tin rằng nếu họ đi trước được sóng thị trường vào đúng thời điểm thì đó sẽ là tấm vé qua cánh cửa của giới thượng lưu và đại gia”, Giáo sư Goldstein nói khi liệt kê một số ví dụ như thị trường bất động sản, chứng khoán và cả tiền số.
Anh Joe Oathout
Trong một nghiên cứu kết hợp cùng giáo sư Carly Knight của trường đại học New York, giáo sư Goldstein nhận thấy các gia đình từng đầu cơ tích cực trên thị trường chứng khoán trong cuộc sụp đổ bong bóng dotcom thập niên 1990 có xu hướng đầu cơ ác liệt hơn trong cuộc khủng hoảng bất động sản giữa thập niên 2000. Ví dụ như sẵn sàng đổ hết tiền tiết kiệm để vay thế chấp mua nhà hoặc giao dịch bất động sản một cách mạnh mẽ hơn.
Nói ngắn gọn, giáo sư Goldstein nhận định những người từng chứng kiến các đợt bùng nổ và xì hơi của bong bóng thị trường sẽ có xu hướng lầm tưởng rằng mình có thể thành công nếu đi đúng hướng.
Đây là trường hợp của anh Joe Oathout sống tại Alaska khi từng bỏ lỡ cơ hội làm giàu nhờ đầu tư. Người đàn ông 44 tuổi này có một doanh nghiệp xây dựng nhỏ và cho biết mình đã suýt chút nữa mua cổ phiếu Amazon năm 2007 khi chưa chia tách chỉ có giá khoảng 4 USD. Thế nhưng Oathout đã không làm điều đó và sự bỏ lỡ này khiến anh tiếc nuối không thôi.
Bản thân Oathout đã chứng kiến đà bùng nổ và xì hơi của thị trường tiền số khi đổ 20.000 USD đầu tư năm 2021 và biến chúng thành 500.000 USD nhưng lại mất sạch sau đó vì không chịu bán.
Hiện Oathout vẫn kỳ vọng tiền số sẽ sống lại nên anh vẫn mua vào đều để không bị lỡ sóng lên mới.
“Tôi tự nói với bản thân mình rằng khi cơ hội xuất hiện thì bạn phải có gan chấp nhận mạo hiểm”, anh Oathout nói với WSJ.
*Nguồn: WSJ