Cổ phiếu họ FLC từ top vốn hoá đến dính án thao túng, rời sàn
Các cổ phiếu trong hệ sinh FLC từng một thời khuynh đảo thị trường, góp phần đưa ông Trịnh Văn Quyết thành người giàu nhất sàn chứng khoán. Năm 2017, tài sản trên thị chứng khoán của ông Quyết đạt đỉnh hơn 2 tỷ USD (58.852 tỷ đồng). Ở thời đỉnh cao, ROS, GAB có giá hàng trăm nghìn đồng/ cổ phiếu. FLC, ROS lọt rổ VN30, thuộc nhóm 30 công ty có quy mô và thanh khoản lớn nhất trên thị trường.
Năm 2019, ông Trịnh Văn Quyết từng khẳng định, nếu FLC không về mệnh giá, cổ phiếu của FLC Homes và Bamboo Airways không trên "ba chữ số" sẽ xin phá sản, thương hiệu FLC vứt đi. Thời điểm ấy, ông Quyết hứa hẹn, giá cổ phiếu sẽ cao gấp nhiều lần giá trị hiện tại (khoảng 4.000 đồng/cổ phiếu), nếu không được 10 lần thì ít nhất cũng là 5 lần, 7 lần, 8 lần.
Sau việc ông Quyết bán chui cổ phiếu ở vùng giá đỉnh, FLC lao dốc mạnh.
Phải đến năm tháng 3/2021, FLC mới về lại mệnh giá. Sau đó, cổ phiếu này bắt đầu hành trình leo giá, đến 7/1/2022 đạt đỉnh 22.550 đồng/cổ phiếu. Đến 11/1/2022, FLC lại lập kỷ lục giao dịch 154,9 triệu cổ phiếu trong 1 phiên, bị bán tháo sau khi việc ông Quyết bán chui cổ phiếu bị phanh phui. Đây cũng là thời điểm toàn bộ tài khoản chứng khoán của ông Quyết bị phong toả sau khi bán chui 74,6 triệu cổ phiếu vào ngày 10/1/2022.
Cũng từ đây, FLC bắt đầu lao dốc, nhiều phiên mất thanh khoản. Đến 8/9/2022, FLC bị đình chỉ giao dịch, đóng cửa ở mức 3.570 đồng/cổ phiếu. Không thể khắc phục những tồn tại khiến cổ phiếu bị đình chỉ, đến 14/2/2023, FLC bị huỷ niêm yết bắt buộc. Đến nay, FLC chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính bán niên soát xét 2022, báo cáo tài chính quý IV/2022, chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022.
FLC chính thức khép lại hành trình 12 năm niêm yết, cổ phiếu chuyển lưu ký sang sàn UPCoM, nhưng chưa hẹn ngày giao dịch trở lại. Đây chỉ là thủ tục theo quy định tại Luật Chứng khoán. Cổ phiếu của công ty hủy niêm yết, nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Ngoài ra, tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên hệ thống giao dịch UPCoM.
Hàng trăm nghìn nhà đầu tư "mắc kẹt"
Cổ phiếu FLC chủ yếu do nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ. Hiện tại, hơn 64.700 cổ đông đang sở hữu khoảng 709,9 triệu cổ phiếu FLC. Sau khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết, trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư đăng tìm “đồng đội”, cùng nhau lập nhóm cập nhật thông tin về cổ phiếu FLC. Các nhà đầu tư có phần bình tĩnh hơn do nhiều người đã có “bài học” từ ROS.
Bị huỷ niêm yết từ 30/8/2022, dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS đang được chuyển sang sàn UPCoM nhưng chỉ dừng ở đó. Cổ phiếu chưa hẹn ngày giao dịch trở lại.
Các nhà đầu tư vẫn đang được mời đến cơ quan công an để làm rõ thiệt hại.
HNX cho biết, việc xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch của ROS sẽ được thực hiện sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và hướng dẫn của cơ quan quản lý.
Với trường hợp của ROS, theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, việc nâng khống vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra, do đó HNX chưa có cơ sở để xác định số vốn điều lệ hợp lệ cũng như tính đại chúng của ROS và số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch. Tới nay, 38.000 cổ đông của ROS vẫn chưa thể giao dịch cổ phiếu này.
Cơ quan điều tra xác định, cả 6 cổ phiếu FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB đều bị ông Trịnh Văn Quyết thao túng giá. Đến nay, FLC, ROS bị huỷ niêm yết bắt buộc. HAI, ART, GAB vào diện đình chỉ giao dịch. Nhóm FLC chỉ còn 2 đại diện trên sàn, là KLF, AMD nhưng đều bị hạn chế giao dịch.
FLC chỉ còn 2 đại diện trên sàn, là KLF (CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS), AMD (CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone). Tuy nhiên, 2 cổ phiếu này đều bị hạn chế giao dịch.