Thị trường bất động sản trong chu kỳ đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của ngành xuất nhập khẩu do rủi ro từ vĩ mô thế giới khiến nỗi lo nợ xấu phình to dần hiện hữu.
Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường này có thể gây ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng đồng thời hình thành những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong báo cáo triển vọng thị trường năm 2023.
Dù vậy, khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng trong việc trích lập dự phòng. Các ngân hàng đã trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và ít phơi nhiễm với trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác.
Theo thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022, tổng mức trích lập dự phòng trong năm 2022 tăng 16% so với cuối năm trước đạt gần 168.218 tỷ đồng. Trong đó, BIDV, quán quân về cho vay khách hàng, đã tăng thêm 9.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro trong năm 2022 đưa mức trích lập lên 38.198 tỷ đồng.
"Ông lớn" ngân hàng khác là VietinBank cũng tiếp tục theo đuổi chiến lược thận trọng trong nhiều năm qua. Tính đến 31/12/2022, dự phòng rủi ro khách hàng của ngân hàng đạt 29.764 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021.
Trong khi đó, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của Vietcombank giảm gần 4% so với năm ngoái, xuống còn 24.779 tỷ đồng.
Ở khối ngân hàng tư nhân, VPBank là ngân hàng có số dư dự phòng cao nhất với 13.675 tỷ đồng, tăng 38% so với cuối năm trước. Trong khi đó, Kienlongbank, SHB và LienVietPostBank lại là các nhà băng có sự tăng trưởng về bộ đệm dự phòng mạnh nhất với mức tăng đều trên 50%.
Nhìn chung, xu hướng gia tăng dự phòng chiếm chủ đạo tại các ngân hàng, song vẫn có 8 nhà băng giảm dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trong năm qua. Vietcombank và một số ngân hàng tư nhân vốn luôn có chính sách trích lập dự phòng rủi ro thận trọng như ACB cũng góp mặt trong danh sách này.
Tại ACB, dự phòng rủi ro cho vay giảm 17%, xuống còn 4.850 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng trong năm 2022 chỉ ở mức 71 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 3.336 tỷ đồng năm 2021.
Nhóm các ngân hàng ghi nhận giảm dự phòng rủi ro còn có Sacombank, MSB, Nam A Bank, Bac A Bank, Eximbank, Kienlongbank và Vietbank. Hầu hết ngân hàng nêu tên có tỷ lệ nợ xấu thấp trong hệ thống, riêng Vietbank tỷ lệ nợ xấu lên đến 3,65%.
Tỷ lệ các ngân hàng dễ bị tổn thương bởi nợ xấu tăng lên
Báo cáo mới đây của WiGroup cho biết dự phòng cho vay khách hàng quý IV của các ngân hàng niêm yết đã giảm 11% so với quý trước. Mức giảm phân bố tập trung chính tại các NHTM Nhà nước với quy mô khoảng 25.700 tỷ (giảm 22% so với quý trước), chủ yếu được dùng để xử lý các nhóm nợ xấu, đặc biệt là nhóm nợ cấp 5, tiêu biểu như tại các ngân hàng BIDV và VietinBank.
Trừ nhóm ngân hàng dự phòng rủi ro lớn hơn 100% gần như không đổi thì số các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) nhỏ hơn 50% trong cơ cấu đã tăng gần 2,5 lần so với cuối năm ngoái, chiếm 17%. Điều này cho thấy số lượng các ngân hàng dễ bị tổn thương bởi nợ xấu đang tăng lên. Đây sẽ là nhóm vào diện rủi ro trong năm sau khi tình hình vĩ mô trở nên kém tích cực.
Dự báo cho năm 2023, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng chi phí tín dụng sẽ tăng do các khoản nợ xấu phát sinh từ các ngành rủi ro như ngành bất động sản. Do đó, trích lập dự phòng sẽ tăng 13% so với năm trước trong năm 2023.
Công ty chứng khoán cho biết các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao và chất lượng tài sản vững chắc, chẳng hạn như Vietcombank và ACB đã giảm chi phí trích lập dự phòng để tăng lợi nhuận trong năm 2022. Tuy nhiên, các ngân hàng khác đã tăng trích lập dự phòng trong năm 2022 để chuẩn bị cho khả năng chất lượng tài sản bị giảm do các khoản nợ xấu liên quan đến ngành bất động sản.
Trong năm 2023, các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp sẽ tiếp tục tăng trích lập dự phòng trong năm 2023, trong khi các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao, đặc biệt là Vietcombank sẽ linh hoạt trong việc giảm trích lập dự phòng để tăng lợi nhuận trong năm 2023.
Ngoài ra, bảng xếp hạng CAMEL của Yuanta cho thấy Vietcombank, Techcombank, ACB và MB vẫn giữ vị thế top 4 trong quý IV/2022.
Theo đó, ACB và Vietcombank tiếp tục có chất lượng tài sản ổn định thể hiện qua tỷ lệ nợ xấu thấp và tỷ lệ LLR cao. Hai ngân hàng này không/gần như không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, tạo nên niềm tin cho các nhà đầu tư trước những lo ngại liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.