Trong những tháng cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm liên tục được các nhà băng điều chỉnh theo xu hướng tăng. Thậm chí đã có những nhà băng đưa ra biểu lãi suất tiết kiệm lên mức 11-12,5%/năm (kèm ưu đãi).
Mức lãi suất tiết kiệm tăng cao cùng việc các kênh đầu tư tài chính khác như chứng khoán, BĐS, vàng biến động mạnh khiến lượng tiền nhàn rỗi của người dân đổ vào ngân hàng tăng mạnh.
Trước việc các nhà băng liên tục tăng lãi tiết kiệm, vào giữa tháng 12/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn, đặc biệt mức 9,5% này phải bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng tặng kèm khi gửi tiết kiệm, nhằm tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm.
Sau đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng và sau đó là Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng đã liên tục điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo xu hướng giảm kể từ nửa cuối tháng 12/2022 đến nay. Trong những tháng đầu năm 2023, một loạt ngân hàng lớn tiếp tục điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo xu hướng giảm mạnh.
Chỉ còn 8 ngân hàng duy trì lãi suất tiết kiệm 9,5%/năm
Trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định ở mức 7,4%/năm với kênh quầy và 8,2%/năm với kênh online (tại VietinBank và BIDV), lãi suất tiền gửi tiết kiệm của nhóm ngân hàng tư nhân quy mô lớn đã giảm liên tục trong 2 tháng qua.
Tại Techcombank, nhà băng này hiện chỉ còn áp dụng 2 mốc lãi suất 6%/năm và 8,2-8,7%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi 1-5 tháng và 6 tháng trở lên, trên cả kênh quầy và online. Trong đó, mức lãi suất tối đa 8,7%/năm được ngân hàng áp dụng với các khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng, của nhóm khách hàng Private/VIP 1, kỳ hạn 6 tháng trở lên. So với tháng 12/2022, mặt bằng lãi suất tại nhà băng này đã giảm 0,8%/năm.
Tương tự, một loạt ngân hàng khác như Sacombank, ACB, MBBank, Techcombank, SCB… đều giảm lãi suất huy động giai đoạn này.
Với trường hợp Sacombank, tháng 12/2022, ngân hàng vẫn chấp nhận chi trả cho các khoản tiền gửi 1-5 tháng mức lãi 6%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng trả 8,5-9%/năm; 12 tháng trở lên trả 9,1-9,2%/năm. Đến nay, mặt bằng này đã giảm còn 8,2-8,5%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 8,6-8,85%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên, tương đương mức giảm 0,35-0,5 điểm % ở hầu hết kỳ hạn.
Trong khi đó, lãi suất cao nhất nếu gửi tiền vào ACB hiện nay là 8,4-8,9%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên qua kênh online (tùy hạn mức gửi). Tương tự, lãi suất cao nhất tại HDBank là 9,3%/năm nếu gửi online kỳ hạn 12 tháng; MBBank là 8,1-8,6%/năm cũng với khoản tiền gửi 12 tháng trở lên qua kênh online…
Tại thời điểm tháng 12/2022, từng ghi nhận hơn 20 ngân hàng chấp nhận chi trả mức lãi suất 9,5%/năm trở lên với các khoản tiền gửi tiết kiệm của cá nhân, trong đó có nhiều nhà băng đưa ra mức lãi suất hai con số. Tuy nhiên, đến nay, toàn hệ thống chỉ còn 8 ngân hàng duy trì mức lãi suất này.
Trong nhóm ngân hàng tư nhân quy mô lớn, chỉ có SCB hiện là đơn vị chi trả mức lãi suất cao nhất với mặt bằng 7,8-8,3%/năm nếu gửi 6-11 tháng và 9,1-9,5%/năm nếu gửi 12 tháng trở lên trên kênh quầy. Trường hợp gửi online, mức lãi suất người dân nhận được sẽ là 9,4-9,5%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 9,45-9,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Dù vậy, so với cuối năm 2022, mức lãi suất này của SCB cũng đã giảm gần 0,5%/năm.
Ngoài SCB, toàn bộ ngân hàng đang có biểu lãi suất tiết kiệm 9,5%/năm đều có quy mô nhỏ như BaovietBank, Kienlongbank, NamABank, PVComBank, Saigonbank, VietABank, VietBank.
Với kênh quầy, chỉ SCB và Kienlongbank hiện chấp nhận chi trả mức lãi suất 9,5%/năm với cả tiền gửi tại quầy và online. Trong khi các ngân hàng còn lại trong nhóm chỉ chấp nhận mức lãi suất này nếu khách gửi tiền online.
Trong báo cáo vĩ mô mới đây, các chuyên gia phân tích tại công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) dự báo lãi suất huy động sẽ giảm dần trong năm nay, đặc biệt xu hướng này sẽ gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến giảm lãi suất điều hành vào quý IV.
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cũng cho biết mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã được điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng thời gian qua. Hiện tại, lãi suất huy động trên thị trường vẫn phổ biến trong khoảng 8-9,5% với tiền gửi thông thường.