Công nghệ

Những người trẻ mê sưu tầm cassette mini

Anh Ngô Hoàng Long, 28 tuổi tại TP HCM, kể trong một lần công tác ở Đà Nẵng cuối năm 2019, anh tình cờ mua được mấy món đồ điện tử cũ, trong đó có một số băng cassette. Tò mò muốn nghe thử, anh tìm chỗ bán máy cassette. Vì đang đi công tác, anh chọn một máy cầm tay.

Anh Long bên cạnh các mẫu cassette mini sưu tầm. Ảnh: Bảo Lâm

Anh Long bên cạnh các mẫu cassette mini sưu tầm. Ảnh: Bảo Lâm

Chiếc máy anh Long chọn là Sony TCM-47, một mẫu cassette cầm tay nhỏ gọn, dòng mono và có loa ngoài. Anh cho biết đã nhanh chóng mê âm thanh của máy, nên quyết định mua thêm những thiết bị khác. Đến nay, anh đã sưu tầm hơn 40 mẫu, chủ yếu là dòng mini nhỏ gọn với nhiều kích thước, màu sắc, độ hiếm.

Lê Phước Trung, 34 tuổi, là nhân viên kinh doanh tại TP HCM, cũng sưu tầm cassette mini hơn 5 năm nay. Tự nhận là người có nhiều cảm xúc với những thứ xưa cũ, anh tìm đến cassette để thỏa mãn cả phần nghe và nhìn.

"Tôi tìm đến những âm thanh xưa cũ, mộc mạc, dễ chịu, chất âm nguyên bản, đặc biệt là có thể nhìn ngắm nó được. Vừa có thể nghe, vừa có thể nhìn, trọn vẹn không gian mà nó tạo ra, điều các thiết bị hiện đại không thể nào có", anh Trung nói.

Ban đầu, anh tìm đến các mẫu cassette lớn. Nhưng theo thời gian, anh chuyển sang sưu tầm dòng máy nhỏ hơn. Anh tự hào vì đã "qua tay" hơn 1.000 model khác nhau, trong đó một nửa là cassette mini. Nhiều mẫu thế giới chỉ sản xuất vài chiếc, có duy nhất một chiếc ở Việt Nam.

Để thỏa mãn thú vui của mình, anh Trung chọn cách vừa chơi vừa mua bán để "trải nghiệm nhiều nhất có thể". Hiện bộ sưu tập của anh có khoảng 100 mẫu, hầu hết trong đó được anh mô tả là "hiếm có khó tìm".

Một số mẫu cassette mini trong bộ sưu tập của anh Trung. Ảnh: Bảo Lâm

Một số mẫu cassette mini trong bộ sưu tập của anh Trung. Ảnh: Bảo Lâm

Cassette mini thường có kích cỡ chỉ lớn hơn cuốn băng cassette một chút, ưu tiên tính di động. Đa số tích hợp loa kèm chức năng radio, một số chỉ hỗ trợ tai nghe. Chúng là thiết bị nghe nhạc phổ biến cho giới trẻ từ những năm 1980 tới 2000, trước khi máy nghe nhạc CD và MP3 ra đời.

Admin một nhóm Facebook chuyên chơi cassette với 40.000 thành viên cho biết rất nhiều người tham gia có tuổi đời khá trẻ, thuộc thế hệ cuối 8x, 9x và cả những người sinh sau năm 2000.

Theo anh Trung, trào lưu chơi cassette mini của giới trẻ bắt đầu sôi động hơn từ đầu năm nay, một phần sau khi MV There's No One At All của ca sĩ Sơn Tùng M-TP xuất hiện. Trong video, ca sĩ vào vai một cậu bé bị mẹ bỏ rơi từ bé cùng một chiếc cassette mini. Thiết bị này là Sony Walkman TPS-L2, ra mắt tháng 7/1979, được mệnh danh là "cỗ máy nghe nhạc cá nhân giá rẻ đầu tiên".

Đối với người trẻ, việc chơi cassette khó hơn nhiều so với các thú chơi khác, bởi đây đều là các thiết bị đã ra mắt cách đây hàng chục năm. Anh Long cho rằng mua được máy mini rất khó, vì những người bán đa số là trung niên, thích chơi máy đài lớn, còn máy cầm tay rất ít.

Bên cạnh đó, nguồn mua băng cassette chất lượng bị hạn chế cũng là điều khiến nhiều người nản lòng khi chơi. "Thông thường, các loại băng được thu lại nhiều lần, nghe không 'đã' bằng băng gốc hoặc được thu âm ở các công ty chuyên nghiệp", anh nói.

Anh Trường, có 6 năm chuyên thu âm băng cassette ở Long Biên (Hà Nội), cho biết thời gian qua, anh nhận được nhiều đơn hàng là những người trẻ muốn thu băng cassette về chơi. "Khi thu âm, vấn đề quan trọng là nguồn nhạc phải có chất lượng cao. Nguồn nhạc bây giờ dễ kiếm hơn so với cách đây vài năm, nhưng để thu được âm thanh nguyên bản cần đến đầu thu tốt. Ngoài ra, cũng cần các loại có điều chỉnh tốc độ, tần số... để đáp ứng nhu cầu khách hàng", anh chia sẻ.

Trong khi đó, anh Trung cho rằng nơi sửa chữa mới là vấn đề "khó nhằn" hiện nay nếu chơi cassette mini. "Ở TP HCM, vẫn có một số nơi chuyên sửa chữa máy cassette cỡ lớn, nhưng cassette mini gần như không còn ai. Một phần vì nó khó sửa, đòi hỏi độ tỉ mỉ do linh kiện nhỏ. Phần nữa là tiền công sửa còn cao hơn việc mua một cassette mới", anh nói.

Theo anh Trung, người chơi khi mới tiếp xúc với cassette mini cần tìm hiểu kỹ dòng máy trước khi chơi. Quan trọng nhất là nên chơi theo nhóm để được tư vấn về cách chơi và trao đổi các dòng máy với nhau để nâng cao trải nghiệm. Ngoài ra, nên chọn máy từ những thương hiệu lớn như Sony, Aiwa, Panasonic, Victor... "Hiện tại, Trung Quốc cũng có một số loại máy mini với nhiều mẫu mã và giá rẻ, nhưng chất lượng âm thanh không cao, lại nhanh hỏng vặt", anh Trung khuyên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm