Doanh nhân

Cách Joe Kiani trở thành tỉ phú medtech: Từ kĩ sư điện đến nhà chế tạo máy thở oxy hàng đầu nước Mỹ

MedTech (công nghệ y tế) là thuật ngữ chỉ việc ứng dụng công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo để thực hiện chăm sóc y tế từ xa, cung cấp các giải pháp thiết thực cho cộng đồng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, các ứng dụng MedTech đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ và dần được phổ biến trên toàn cầu. Lĩnh vực này từ đó cũng sản sinh ra nhiều tỷ phú USD, nổi bật là Joe Kiani – Chủ tịch kiêm CEO Masimo Corp. (Masimo).

VietTimes trân trọng giới thiệu tới độc giả bài chuyển ngữ về hành trình từ kĩ sư điện đến nhà chế tạo máy thở oxy hàng đầu nước Mỹ của Joe Kiani vừa được đăng tải trên tạp chí Forbes.

Joe Kiani đã đạt được ước mơ của mình. Masimo Corp. (Masimo) do ông thành lập và điều hành với vai trò là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO), đã tìm ra một thị trường ngách để trở thành một trong những nhà sản xuất máy đo độ bão hòa oxy hàng đầu. Đây là loại máy sử dụng những cảm biến đầu ngón tay được các bệnh viện sử dụng để đo độ bão hòa oxy trong máu của bệnh nhân.

Masimo đã biến Kiani - với xuất thân từ gia cảnh nghèo khó ở Iran, nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ - trở thành một tỷ phú, theo ước tính của Forbes.

Là một kỹ sư điện, ông tự hào vì các thiết bị do tự tay thiết kế đều rất xuất sắc, chiếm thị phần lớn hơn đáng kể so với đối thủ cạnh tranh Nellcor, một chi nhánh của Medtronic trên thị trường máy đo oxy dùng trong các bệnh viện Mỹ. Medtronic là công ty có quy mô lớn gấp 15 lần so với Masimo. Hai công ty cùng nhau chiếm khoảng 90% thị phần.

Năm ngoái, Masimo, có trụ sở tại Irvine, California, đã ghi nhận doanh thu 1,2 tỉ USD và mang về 223 triệu USD lợi nhuận.

Khi ảnh hưởng của đại dịch Covid khiến nhu cầu đối với công nghệ của Masimo tăng lên (nồng độ oxy trong máu thấp là một cảnh báo sớm rằng căn bệnh đang trở nên tồi tệ hơn), cổ phiếu của công ty đã tăng 85% từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, mang lại cho Masimo vốn hóa thị trường hơn 16 tỉ USD.

Tham vọng mới

Sau đó, Kiani quyết định mơ một giấc mơ lớn. Ngày 15/2, Masimo tuyên bố chi hơn 1 tỉ USD để mua lại Sound United, một công ty kinh doanh âm thanh, loa và tai nghe tập trung vào người tiêu dùng sở hữu các thương hiệu như Marantz, Denon, Bowers & Wilkins và Boston Acoustics.

Ngay hôm sau, cổ phiếu của Masimo giảm 37%, đánh mất 5 tỉ USD vốn hóa. Điều này khiến Kiani bị sốc.

“Chúng tôi nghĩ [các nhà đầu tư] sẽ nói 'tuyệt vời!' Và với những gì đã đạt được, chúng tôi sẽ không thất bại”, Kiani cho biết. “Bạn có biết những gì mà một trong số họ đã nói với tôi không? Trả nó lại. Đừng mua nó", ông nói.

Nhưng Mike Polark, một nhà phân tích tại Wolfe Research ở Boston, không ngạc nhiên về những phản ứng tiêu cực này.

"Trong công nghệ kỹ thuật, sự tập trung sẽ tạo ra tiền", ông nói và nhấn mạnh vấn đề không phải là Kiani đã trả quá nhiều tiền để mua Sound United. Đây là một công ty kinh doanh lành mạnh, có lãi, dự kiến sẽ đưa doanh thu của Masimo lên 2 tỉ USD trong năm nay, tăng 67%.

“Vấn đề đối với Phố Wall là định hướng chiến lược. Tại sao Masimo bán tai nghe chụp tai?", Polark lý giải.

Việc mua lại sẽ ngay lập tức khiến lợi nhuận của Masimo suy giảm. Tỷ suất lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh thiết bị y tế của Masimo là 65,8%. Trong khi đó, hàng điện tử tiêu dùng hàng hóa, như tai nghe, con số điển hình chỉ là 20%.

Động thái này đã thúc đẩy nhà quỹ đầu tư chủ động Politan Capital Management, một công ty lâu năm do Quentin Koffey quản lý, mua gần 9% cổ phần của Masimo, theo hồ sơ vào đầu tháng 8.

Koffey là một nhà đầu tư kỳ cựu của quỹ đầu tư chủ động Paul Singer Elliott Management và quỹ đầu cơ D.E.Shaw. Politan không đưa ra bình luận về kế hoạch của mình, nhưng vào tháng 3, công ty hậu thuẫn công ty bảo hiểm sức khỏe Centene thay thế Giám đốc điều hành của mình.

Cách Joe Kiani trở thành tỉ phú medtech: Từ kĩ sư điện đến nhà chế tạo máy thở oxy hàng đầu nước Mỹ - Ảnh 1.

Một doanh nhân và một kĩ sư bẩm sinh

Kiani đã bán hơn 500 triệu USD cổ phiếu Masimo kể từ khi IPO vào năm 2007 và vẫn nắm giữ 8,5% cổ phần trị giá 650 triệu USD. Ông đang đánh cược, các thiết bị y tế sẽ ngày càng được tích hợp với điện tử tiêu dùng.

Vị tỷ phú này có kế hoạch chuyển đổi sản phẩm kinh doanh của Sound United từ tai nghe chụp tai sang thiết bị trợ thính và tai nghe nhét tai nâng cao.

Ông cho rằng mọi người sẽ hoan nghênh việc sử dụng chúng, không chỉ để nghe giai điệu (hoặc tăng cường thính giác) mà còn để đo các chỉ số quan trọng của họ, chẳng hạn như nhịp tim và độ bão hòa oxy. Tất nhiên, ông không phải là người duy nhất có tầm nhìn này.

Garmin bán đồng hồ theo dõi nhịp tim, độ bão hòa oxy trong máu và hydrat hóa. Apple Watch mới nhất có thể thông báo cho người đeo về nhịp tim cao hoặc thấp bất thường hoặc các biến đổi bất thường.

Vào tháng 9, Sony thông báo gia nhập thị trường máy trợ thính không cần kê đơn. Sự khác biệt thực sự duy nhất là những công ty đó đều là những công ty đa quốc gia lớn với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu dùng.

Những lần đánh cược của Kiani

Kiani, 57 tuổi, đã nhiều lần “đánh cược” như vậy. Năm 1974, khi 9 tuổi, ông và gia đình chuyển từ Iran đến Alabama để cha ông có thể theo học ngành kỹ thuật. Họ không có tiền; trong một thời gian, gia đình bốn người sống trong một dự án nhà ở ở Huntsville.

Năm 1977, Kiani chuyển đến San Diego, nơi cha của Joe đã đăng ký theo học một chương trình MBA. Hai năm sau, khi Joe 14 tuổi và chị gái 15 tuổi, cha mẹ họ quay trở lại Iran để làm việc (mẹ ông là một y tá) và để hai chị em sống một mình.

"Chị gái tôi rất nghiêm khắc! Tôi đã bị quản lý rất chặt", Kiani nói. Ông tốt nghiệp trung học năm 15 tuổi — chủ yếu là vì môn toán mà cậu học ở Iran là môn toán nâng cao nên cậu đã được bỏ qua vài lớp.

Cùng năm đó, ông và chị gái theo học tại Đại học Bang San Diego. Ở đây, ông học kỹ thuật điện trong khi làm việc bán thời gian ở nhà ăn và quản lý khu chung cư nơi ông sống. Kianis tham gia mọi lớp học có thể với giáo sư Fred Harris, một chuyên gia trong lĩnh vực xử lý tín hiệu. Năm 1987, ông tốt nghiệp thạc sĩ kỹ thuật điện.

Vào cuối những năm 1980, khi đang làm kỹ sư tại nhà phân phối chất bán dẫn Anthem Electronics, ông đã nhận một công việc phụ là thiết kế một máy đo oxy với chi phí chỉ 100 USD/chiếc cho một công ty khởi nghiệp. Kiani phát hiện ra những thiết bị này thường phát ra cảnh báo giả, thường được kích hoạt khi bệnh nhân vô tình cử động ngón tay của họ.

Được trang bị kiến thức về xử lý tín hiệu và bộ lọc thích ứng — về cơ bản là phần mềm loại bỏ tiếng ồn — Kiani nói với startup rằng ông có thể giảm số lượng cảnh báo sai. Tuy nhiên, công ty không quan tâm. Vì vậy, vào năm 1989, Kiani, khi đó 24 tuổi, quyết định bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của riêng mình, Masimo với số vốn 40.000 USD được lấy ra từ khoản thế chấp căn hộ của ông. Trong hai năm, ông làm việc cả đêm và cuối tuần trong nhà để xe ở Nam California của mình trong khi vẫn giữ công việc ban ngày tại Anthem.

Sử dụng một phương trình mà ông mô tả là một thứ gì đó chỉ hơn đại số lớp năm, Kiani đã nghiên cứu một mẫu thử nghiệm giữ cho máy đo oxy hoạt động ngay cả khi bệnh nhân đeo chúng di chuyển xung quanh hoặc có lưu lượng máu thấp. Thiết bị này đặc biệt quan trọng ở một nơi: phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh, nơi bạn không thể bảo trẻ sơ sinh không được vặn vẹo.

Ông đã được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng của mình gần như ngay lập tức và liên hệ với 4 công ty Mỹ, hy vọng có thể tích hợp công nghệ của Masimo vào hệ thống của họ. Tuy nhiên, ông đã không gặp may ở đây.

May mắn chỉ mỉm cười khi ông chào hàng ở nước ngoài. Ông đã có những giao dịch với NEC ở Nhật Bản và một số công ty ở châu Âu.

Cách Joe Kiani trở thành tỉ phú medtech: Từ kĩ sư điện đến nhà chế tạo máy thở oxy hàng đầu nước Mỹ - Ảnh 2.

Trụ sở của Masimo (Ảnh: Internet)

Kiên cường trước các đối thủ nặng ký

Việc thâm nhập vào thị trường bệnh viện Mỹ gần như là không thể. Các tập đoàn thu mua cho các cụm bệnh viện đã ký kết các giao dịch độc quyền (và sinh lợi) với các đối thủ cạnh tranh của Masimo.

Vào tháng 3 năm 2002, New York Times đã đăng tải một bài báo trên trang nhất làm sáng tỏ cách thức mua hàng của các nhóm này, giới thiệu Masimo như một công ty có máy đo oxy xung siêu việt về cơ bản đã bị loại khỏi thị trường.

Một tháng sau, Kiani ra điều trần trước tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Thượng viện cùng với những người đứng đầu Novation và Premier, hai tập đoàn thu mua bệnh viện.

Ông nói với các thượng nghị sĩ: “Việc đối thủ cạnh tranh chính của chúng tôi [Nellcor], sở hữu hơn 90% thị trường máy đo oxy, có thể trả tiền cho các tổ chức mua hàng theo nhóm để loại trừ Masimo là một thất bại. Trong vòng một tháng, Premier đề nghị ký hợp đồng với Masimo. Một năm sau đó, Novation cũng tiếp bước.

Kiani sẵn sàng cạnh tranh với những đối thủ lớn hơn nhiều.

Năm 1999, ông kiện Nellcor (khi đó thuộc sở hữu của Tyco) về vi phạm bằng sáng chế; 10 năm sau, ông cũng đệ đơn khiếu nại tương tự chống lại Royal Philips.

Năm 2006, Nellcor bắt đầu trả cho Masimo những thiệt hại và tiền bản quyền tổng cộng gần 800 triệu USD, và Royal Philips cũng đã trả lại cho Masimo 300 triệu USD vào năm 2016. Masimo cũng đã được trả 45 triệu USD, là kết quả của vụ kiện chống độc quyền mà công ty thực hiện chống lại Nellcor vào năm 2002.

Apple là cái tên tiếp theo. Masimo đã cáo buộc Apple vi phạm bằng sáng chế và trộm cắp bí mật thương mại.

Ngay sau khi Masimo ra mắt máy đo oxy phiên bản đầu tiên hoạt động với điện thoại thông minh vào năm 2013, công ty đã nhận được cuộc gọi từ Apple, nói rằng họ muốn nói chuyện về việc hợp tác.

Kiani đã có một cuộc họp tại trụ sở chính của Apple tuy nhiên không đạt được kết quả nào. Cùng năm đó, giám đốc y dược của Masimo gia nhập Apple. Sau đó, vào năm 2014, một giám đốc công nghệ của công ty ông cũng từ chức.

Apple đã nộp một số bằng sáng chế mà Kiani nói là dựa trên công nghệ của ông. Masimo đã khởi kiện năm 2020; vụ án dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào năm sau.

Masimo đang nghiên cứu để phát triển các sản phẩm khác bên cạnh máy đo oxy. Công ty có một sản phẩm có thể theo dõi hemoglobin không xâm lấn và đã mua lại một công ty của Đức, TNI.

Đây là công ty đã sản xuất một thiết bị hỗ trợ hô hấp để cung cấp oxy cho bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc viêm phế quản mãn tính.

Tuy nhiên, ước tính khoảng 80% doanh thu của Masimo trong lĩnh vực y tế vẫn đến từ sản phẩm cốt lõi của nó là máy đo oxy.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Masimo đã triển khai máy đo oxy theo nhịp tim bằng dây đeo thông minh gắn với một ứng dụng điện thoại thông minh mà hàng trăm bệnh viện cung cấp cho bệnh nhân Covid, cho phép họ theo dõi liên tục tại nhà.

Tháng 8 năm nay, Masimo đã ra mắt chiếc đồng hồ thông minh đầu tiên của mình: chiếc đồng hồ “Theo dõi sức khỏe nâng cao” trị giá 499 USD để đo độ bão hòa oxy, nhịp tim, nhịp tim, hydrat hóa và hơn thế nữa. Một chuỗi bệnh viện ở Saudi Arabia hiện đang tiến hành thử nghiệm.

“Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, sản phẩm này sẽ phục vụ từ vài trăm bệnh nhân lên đến 80.000 bệnh nhân”, Kiani nói.

Liệu một công ty medtech không có độ phủ về thương hiệu đối với người tiêu dùng có thể vượt qua những đối thủ nặng ký như Apple và Garmin (?).

Nhà phân tích Mike Matson của Needham & Co. chỉ ra rằng, thị trường đồng hồ thông minh là vô cùng rộng lớn với 25 tỷ USD - và bị phân mảnh. “Tôi không thấy họ chiếm được thị phần từ Apple”, ông nói.

Tuy nhiên, cũng có thể có một thị trường thích hợp cho đồng hồ của Masimo dành cho các vận động viên chuyên nghiệp, kể như, những người luyện tập ba môn phối hợp và chạy marathon và cần số liệu thống kê sức khỏe chính xác cao.

Matson cho biết, Garmin đã đạt được 1 tỉ USD doanh số bán đồng hồ thông minh bằng cách tập trung vào thể dục. Còn theo Kiani, các ca sĩ cũng quan tâm đến việc sử dụng đồng hồ để đo mức độ hydrat hóa của họ, điều này ảnh hưởng đến chất lượng giọng hát./.

Theo Forbes


Cùng chuyên mục

Đọc thêm