Kinh doanh

Elon Musk đang đối đầu với "gã khổng lồ công nghệ" 3.280 tỷ USD trong một lĩnh vực quan trọng

Tóm tắt:
  • Elon Musk và Apple đang cạnh tranh trong lĩnh vực kết nối qua vệ tinh.
  • Apple đầu tư mạnh để phát triển công nghệ giữ tín hiệu cho iPhone ở khu vực xa xôi.
  • SpaceX, với hơn 550 vệ tinh, cung cấp dịch vụ Starlink và tìm kiếm hợp tác với Apple.
  • Cả hai công ty đều cần nhau để mở rộng khả năng kết nối và thúc đẩy doanh số.
  • Cuộc chiến về băng tần giữa SpaceX và Apple có thể ảnh hưởng đến sự phát triển dịch vụ vệ tinh.
Elon Musk đang đối đầu với 'gã khổng lồ công nghệ' 3.280 tỷ USD trong một lĩnh vực quan trọng- Ảnh 1.

Apple đang đối đầu với Elon Musk trong nỗ lực loại bỏ các vùng chết sóng di động bằng công nghệ vệ tinh.

“Gã khổng lồ” iPhone đang đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp liên lạc qua vệ tinh nhằm giữ kết nối cho người dùng ở những nơi không có tín hiệu di động truyền thống. Trong khi đó, SpaceX của Elon Musk đã phóng hơn 550 vệ tinh cung cấp kết nối điện thoại thông qua dịch vụ Starlink.

Để mở rộng năng lực, hai công ty đang cạnh tranh giành quyền sử dụng băng tần – tài nguyên sóng vô tuyến dùng để truyền tín hiệu – vốn có giới hạn. Theo những người am hiểu vấn đề, các khoản đầu tư của Apple vào không gian vũ trụ đã khiến Musk tức giận. SpaceX đã thúc giục các cơ quan quản lý liên bang trì hoãn nỗ lực mở rộng dịch vụ vệ tinh được Apple hậu thuẫn.

Căng thẳng leo thang trong những tháng gần đây khi SpaceX và đối tác T-Mobile tìm kiếm sự hợp tác từ Apple để cung cấp dịch vụ Starlink trên iPhone. Các công ty đã có những cuộc thảo luận đầy căng thẳng và cuối cùng đạt được một thỏa thuận cho phép dịch vụ điện thoại vệ tinh của SpaceX và T-Mobile – sẽ ra mắt vào mùa hè này – hoạt động liền mạch trên các dòng iPhone mới hơn. Tuy nhiên, Apple vẫn giữ quyền kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái phần mềm vốn kín đáo của mình.

Cuộc đối đầu giữa Musk và Apple về dịch vụ vệ tinh là cuộc chiến giữa người giàu nhất thế giới và một trong những công ty có giá trị nhất toàn cầu.

Việc mở rộng khả năng kết nối ở những khu vực xa xôi có thể thúc đẩy doanh số iPhone hoặc gia tăng mức độ sử dụng dịch vụ Starlink của SpaceX. Ở một khía cạnh nào đó, cả hai công ty đều cần nhau để theo đuổi chiến lược riêng. Globalstar – đối tác của Apple trong dịch vụ vệ tinh – đã thuê SpaceX để phóng vệ tinh phục vụ cho khả năng kết nối ngoài vùng phủ sóng của iPhone. Ngược lại, SpaceX và T-Mobile cũng cần sự hợp tác của Apple để đảm bảo sản phẩm của họ dễ dàng sử dụng trên iPhone.

Các lãnh đạo của Apple và SpaceX từng nhiều lần trao đổi về việc kết nối trực tiếp iPhone với vệ tinh của SpaceX, nhưng đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào được ký kết.

Năm ngoái, Apple đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Globalstar – công ty vận hành vệ tinh, nhằm hỗ trợ tính năng kết nối vệ tinh do chính Apple phát triển trên iPhone. Dịch vụ này cho phép người dùng gửi tin nhắn, gọi cứu hộ khẩn cấp và yêu cầu hỗ trợ khi bị kẹt đường ở những nơi không có sóng di động. Khoản đầu tư mới này nhằm giúp Globalstar phát triển một mạng lưới vệ tinh toàn cầu mới, nhằm cải thiện khả năng kết nối qua vệ tinh cho iPhone.

“Công nghệ này đã góp phần cứu sống nhiều người”, Apple cho biết trong một tuyên bố. “Các tính năng vệ tinh này được thiết kế để bổ sung cho dịch vụ của các nhà mạng, mang đến cho người dùng nhiều cách hơn để giữ kết nối”.

Theo các tài liệu cho thấy, SpaceX gần đây đã đề nghị Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) bác bỏ đơn xin sử dụng băng tần của Globalstar nhằm xây dựng mạng lưới vệ tinh mới được Apple tài trợ. SpaceX cho rằng băng tần mà Apple dùng để truyền tín hiệu khẩn cấp là một tài nguyên chưa được tận dụng hiệu quả.

SpaceX đã không phản hồi yêu cầu bình luận.

Adrian Perica – Phó Chủ tịch phụ trách phát triển doanh nghiệp của Apple – được cho là người đóng vai trò then chốt trong các cuộc trao đổi với SpaceX khi hai bên tìm cách giải quyết căng thẳng.

Cuộc đua không gian

Vào tháng 8/2022, SpaceX và T-Mobile công bố kế hoạch cung cấp dịch vụ nhắn tin liên tục ở các khu vực hẻo lánh tại một sự kiện ra mắt ở Texas. Bên trong Apple, một số nhân viên cho rằng thông báo của SpaceX về thỏa thuận với T-Mobile được đưa ra để “đi trước” tin tức mà Apple sắp công bố về dịch vụ nhắn tin khẩn cấp qua vệ tinh trên một số dòng iPhone.

Tesla của Musk và Apple từ lâu đã cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài cho các dự án phát triển xe tự lái. Hai bên cũng từng có tranh cãi liên quan đến X (mạng xã hội trước đây là Twitter), khi công ty này phụ thuộc vào Apple để phân phối ứng dụng trên App Store và thu hút doanh thu quảng cáo.

Một số nguồn tin cho biết, vì bức xúc với cách Apple kiểm soát việc phân phối các ứng dụng bên thứ ba như X, Musk từng cân nhắc việc tự sản xuất điện thoại thông minh.

Elon Musk đang đối đầu với 'gã khổng lồ công nghệ' 3.280 tỷ USD trong một lĩnh vực quan trọng- Ảnh 2.

“Tôi nghĩ đến việc làm điện thoại là thấy muốn chết rồi”, Musk nói trước khán giả ở khu vực Philadelphia vào tháng 10 trong lúc vận động cho ông Donald Trump. “Nhưng nếu bắt buộc phải làm điện thoại, tôi sẽ làm”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, việc xâm nhập thị trường smartphone vốn bị thống trị bởi Apple và Samsung – hai công ty chiếm khoảng 40% thị phần toàn cầu – là điều vô cùng khó khăn.

Cuộc chiến trên quỹ đạo

Thông qua hoạt động Starlink, SpaceX hiện sở hữu số lượng vệ tinh vượt trội so với Apple, và theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, chỉ riêng Globalstar thì không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu kết nối của Apple dành cho iPhone.

Theo những người am hiểu vấn đề, Apple đã nhiều năm đàm phán với các nhà cung cấp vệ tinh khác nhằm đảm bảo có đủ băng tần phục vụ kết nối. Họ cho biết Apple từng cân nhắc đầu tư vào EchoStar – một công ty vận hành vệ tinh có trụ sở tại bang Colorado – để mở rộng số lượng vệ tinh và băng tần hỗ trợ cho iPhone.

Trước đây, Apple cũng từng hợp tác với Boeing để phát triển một kế hoạch vệ tinh, nhưng dự án này không được triển khai. Boeing từ chối bình luận về vấn đề này.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng cách tiếp cận của Apple vẫn có những lợi thế nhất định. Các đối tác tiềm năng mà Apple đang tiếp cận dù sở hữu cơ sở hạ tầng đã cũ, nhưng lại nắm giữ quyền sử dụng băng tần khu vực và toàn cầu – những tài sản mà họ đã mất nhiều năm để tích lũy và nay đang tìm cách thương mại hóa.

Theo: WSJ

Các tin khác

Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang bị chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc thiếu cát san lấp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thi công khu tái định cư và hai tuyến đường kết nối.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Đau đầu vì nút thắt tín dụng

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc gỡ nút thắt về vốn thông qua xây dựng chính sách và cơ chế bảo lãnh tín dụng cởi mở, thông thoáng hơn, thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện hơn, các kênh tiếp cận tài chính đa dạng hơn sẽ là giải pháp đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể hình thành các tập đoàn tư nhân lớn mạnh.

Dự báo vàng tăng lên 200 triệu đồng/lượng, điều gì xảy ra?

Giá vàng trong nước sáng nay (31/3) tăng lên trên mốc 101,5 triệu đồng/lượng, phá vỡ kỷ lục lập trước đó. Chuyên gia cho rằng, về dài hạn, nhiều dự báo vàng có thể lên đến 3.500 USD/ounce, thậm chí 4.000 USD/ounce. Với mức duy trì trong nước và thế giới chênh nhau từ 4-5 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước có thể lên tới 150-200 triệu đồng/lượng.

Bếp ăn Chăm Puông – Hành trình Vinalink Group kết nối yêu thương và những tấm lòng vàng

Ở những vùng cao còn nhiều khó khăn, một bữa ăn đủ đầy không chỉ giúp cải thiện dinh dưỡng mà còn là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm động lực để các em học sinh tiếp tục theo đuổi con chữ. Xuất phát từ tinh thần sẻ chia và trách nhiệm xã hội, Vinalink Group đã tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng bếp ăn tại điểm trường Chăm Puông tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.