Trong tuần 24/3-28/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho các thành viên vay tổng cộng gần 53.095 tỷ đồng với lãi suất 4% trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Cùng thời gian trên, khối lượng đáo hạn lên tới hơn 52.296 tỷ đồng.
Trên kênh tín phiếu không ghi nhận giao dịch khi nhà điều hành đã ngừng phát hành tín phiếu từ ngày 5/3. Tổng cộng trong tuần qua (từ 24/3 đến 28/3), NHNN đã bơm ròng 800 tỷ đồng khi lượng lớn giấy tờ có giá đáo hạn.

(Nguồn: Wichart)
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm bắt đầu ở mốc 4,34% vào phiên đầu tuần, sau đó tăng lên 4,48% trong phiên ngày 25/3 và giảm dần qua các phiên xuống 3,88% tại ngày 27/3.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn từ một tuần tới ba tháng tại phiên 27/3 hiện dao động từ 4,34% - 4,75%, đều giảm nhẹ (kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần) so với phiên đầu tuần.

(Nguồn: Wichart)
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới công bố, các chuyên gia Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết từ tháng 2 đến đầu tháng 3, tỷ giá VND/USD chịu tác động của sự giao thoa giữa áp lực toàn cầu (chính sách thuế quan, biến động chỉ số DXY, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) và các yếu tố nội địa (nhu cầu nhập khẩu, dòng vốn FDI, can thiệp của NHNN).
Theo dự báo của VPBankS, trong giai đoạn sắp tới, tỷ giá VND/USD dự kiến sẽ chịu áp lực từ đồng USD mạnh trên trường quốc tế khi chỉ số DXY duy trì ở mức cao do chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các cú sốc thương mại.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng kỳ vọng về triển vọng cán cân thương mại, dòng vốn FDI và các yếu tố bổ trợ khác, đồng VND có thể được hỗ trợ để hạn chế mất giá, đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì can thiệp và hỗ trợ tích cực.
"Kỳ vọng tổng thể mức mất giá trong năm được giới hạn trong khoảng 3-5% dựa trên các yếu tố nội sinh như thặng dư thương mại, dòng FDI và kiều hối", báo cáo cho hay.
Còn trong dự báo cập nhật mới đây,Standard Chartered cho rằng mặc dù biến động thị trường của VND vẫn ở mức thấp trong khu vực nhưng các yếu tố bên ngoài như các động lực thương mại và điều kiện kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá.
Các chuyên gia đã điều chỉnh nâng dự báo tỷ giá USD/VND từ mức 25.450 VND/USD lên 26.000 VND/USD vào giữa năm và giảm về 25.700 vào cuối năm 2025.
Standard Chartered nhận định mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh hơn (ít nhất 8%) có thể giúp duy trì lãi suất thấp trong ngắn hạn. "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II nhằm ứng phó với lạm phát gia tăng", tổ chức này dự báo.