Yên Bái là vùng đất núi rừng từ trước đến nay thường được biết đến qua những địa điểm du lịch đậm đà bản sắc dân tộc như Mường Lò, Mù Cang Chải,… Và đã nhắc đến Yên Bái thì không thể không nhắc đến những đặc sản, những món ăn dân tộc trứ danh của vùng Tây Bắc. Với nền ẩm thực đầy nét riêng và mang màu sắc Việt Nam thuần túy, ẩm thực Yên Bái luôn khiến người khác phải bất ngờ bởi hương vị “ăn một lần là nhớ”.
Nếp Tú Lệ
“Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” câu ca dao của dân tộc Thái ấy từ lâu không chỉ được truyền tụng khắp vùng Tây Bắc, mà hương vị độc đáo của giống gạo quý ấy còn bay xa khắp mọi vùng đất nước.
Nếp Tú Lệ hay còn được gọi là nếp Tan Lả (theo tiếng của người Thái) là loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái. Loại nếp này khi đồ lên thành xôi có vị thơm ngọt và dẻo, rời từng hạt chứ không dính chặt lấy nhau như đa phần các loại nếp thường khác. Càng nhai kỹ ta lại càng thấy món xôi nếp này bùi bùi, ngọt ngọt, không béo, không ngấy mà có một vị ngon riêng đặc biệt thật lạ lùng.
Bánh chưng đen Mường Lò
Bánh chưng đen là món bánh truyền thống của các dân tộc vùng cao nói chung và Yên Bái nói riêng. Không chỉ có màu đen nhánh như nhựa đường, bánh chưng đen còn có hương vị đậm đà, thoang thoảng mùi thơm của các loại lá rừng độc đáo. Chính bởi vậy mà thức bánh này từ lâu đã được xem là đặc sản Yên Bái riêng có được nhiều người “săn lùng” để thưởng thức.
Cũng là những nguyên liệu cơ bản như nếp Tú Lệ, thịt ba chỉ, tiêu hành nhưng để cho bánh chưng được đậm đà và khác lạ, người dân đã lấy thân cây núc nác tước vỏ hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn tạo thành màu đen để nhuộm bánh chưng. Độ dẻo của nếp Tú Lệ, vị bùi bùi của đậu xanh hòa quyện với vị béo béo của thịt lợn tạo nên một món ngon khó cưỡng.
Rau dớn
Rau dớn ở Yên Bái là một loại rau rừng thuộc họ dương xỉ, nhìn vẻ ngoài rất giống rau đọt choại ở miền xuôi nhưng lại hoàn toàn khác. Loại rau này thường mọc quanh năm ở khe núi, ngách đá nhưng tươi ngon nhất vẫn là vào mùa mưa.
Đối với nhiều tộc người, rau dớn là “vua” loại rau, nó chẳng những giúp cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày mà còn là món đặc sản để đãi khách trong các lễ hội. Từ luộc, xào, nấu canh cho tới làm gỏi, dù là bất cứ cách chế biến nào thì rau dớn cũng luôn khiến cho người thưởng thức nhớ mãi hương vị nguyên bản của nó.
Nhộng ong rừng
Tổ ong có ở khắp mọi nơi nhưng tổ ong rừng được chế biến thành món ăn thì chỉ có thể tìm thấy ở Yên Bái.
Nó gần giống nhộng tằm nhưng nhỏ hơn, tầng ong dày cộp, những con nhộng béo núc ngọ nguậy, rỗ nhộng ra và chế biến thành nhiều món. Ong rừng Tây Bắc chủ yếu làm những món đơn giản như: Rang lá chanh, xào măng chua, xào lá nghệ, được chế biến thành nhiều món khác nhau, phổ biến nhất là nhộng ong xào. Món có vị béo nhưng không phải ai cũng dám ăn.
Xôi trứng kiến
Nếu nhắc đến ẩm thực Yên Bái dĩ nhiên không thể nào bỏ qua được món trứng kiến trứ danh. Thứ đặc sản riêng có của núi rừng Tây Bắc này luôn khiến cho người ta mê mẩn bởi hương vị ngậy thơm vô cùng lạ miệng. Những hạt trứng căng mẩy, ú mềm trắng đục, mùi thơm đặc trưng, chỉ nhìn thôi là đã thấy hấp dẫn, thực khách một khi đã ăn là cứ thèm thuồng mãi không thôi.
Ngoài trứng kiến nấu canh, trộn trứng gà đem rán, làm bánh... thì có 3 món nhất định bạn phải thử khi đến Yên Bái. Đó chính là trứng kiến sống, chả trứng kiến lá lốt và xôi trứng kiến. Xôi trứng kiến là sự kết hợp tuyệt vời giữa mùi thơm đậm đà, quyến rũ của nếp nương với vị ngọt bùi, béo ngậy của trứng kiến. Để thưởng thức đúng chuẩn món xôi trứng kiến, bạn phải dùng tay nhón miếng xôi nóng hổi rồi thả ngay vào miệng. Vừa nhai vừa cảm nhận tiếng trứng kiến lốp bốp, bạn sẽ hiểu thế nào là "dư vị khó quên" của món đặc sản này.
Cá sỉnh nậm thia
Cá Sỉnh được người Thái ở Văn Chấn - Nghĩa Lộ (Yên Bái) coi là món đặc sản đáng tự hào, bởi loại cá này chỉ sống duy nhất ở nơi đây. Cá sỉnh ưa sống nơi nước xiết, mình thon dài đầu nhỏ, vẩy trắng, lăn tăn hoa bạc, hai bên sườn ánh xanh. Con nào to nhất cũng chỉ bằng bốn ngón tay, thịt chắc, ngọt, khi nướng lên có mùi thơm đậm, không hề tanh, xương ít lại mềm.
Cá được bỏ ruột, cạo vẩy, dùng gia vị như: hạt sẻn, ớt, muối, tỏi, gừng tía… giã nhỏ nhồi vào bụng cá, dùng lạt nhỏ buộc kín lại. Toàn bộ cá được bọc trong lá chuối rừng non bằng nhiều lớp, rồi vùi trong tro nóng bên bếp lửa nhà sàn.
Măng sặt
Măng sặt là một đặc sản mà núi rừng ban tặng cho người dân vùng Tây Bắc, từ lâu đã có mặt trong vốn ẩm thực truyền thống của dân tộc Việt Nam. Măng sặt có ở khắp các địa phương nhưng chỉ riêng măng sặt ở Yên Bái được nhiều du khách sành ăn lựa chọn.
Loại măng này mọc tự nhiên trên những ngọn đồi ở Trạm Tấu, thuộc huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Có lẽ do phù hợp thổ nhưỡng nên măng sặt tại Yên Bái có màu trắng nõn, mềm vàng và hương vị ngon hơn hẳn những vùng khác. Có rất nhiều món ăn bạn có thể thưởng thức từ măng, được ưa chuộng nhất là măng luộc chấm muối vừng hoặc măng xào.
Đến với Yên Bái, lạc bước vào cảnh sắc thiên nhiên núi rừng, những thửa ruộng bậc thang hay thưởng mây đón gió ở các đỉnh núi thì cũng đừng quên thưởng thức những món ngon quên lối về, đặc sản dân tộc Tây Bắc.