Sáng 14/9, ghi nhận PV, ngôi chính điện của chùa Diệu Đế ở phường Phú Cát (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được “thần đèn” Nguyễn Văn Cư cùng đội ngũ 12 người tiến hành dịch chuyển lui phía sau 18m, sau đó nâng cao lên 15cm
Ngôi chính điện mái lợp ngói liệt được xây dựng cách đây 70 năm có bề ngang 25m và chiều sâu khoảng 14m. Điều đặc biệt, ngôi chính điện này có bức tranh “Long vân khế hội” (hay còn gọi là Cửu long ẩn vân) vẽ 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần điện cùng 4 con rồng trên 4 cột trụ cột giữa chính điện. Bức tranh được vẽ khi ngôi chùa này xây dựng lại sau năm 1953, tương tự bức tranh được vẽ trên trần lăng Khải Định...
Ngôi chính điện chùa Diệu Đế đã dịch chuyển được 4m đầu tiên...
Trước khi tiến hành dịch chuyển, “thần đèn” Nguyễn Văn Cư đã khảo sát, rồi mất thêm 2,5 tháng cho công đoạn cố định phần móng của ngôi chính điện này.
Theo “thần đèn” Nguyễn Văn Cư, khi vào khảo sát ông thấy có 4 cột ở giữa chính điện và cứ nghĩ ngôi chính điện này có cột, có đà... Nhưng khi đào xuống thực tế chỉ có 4 cột giữa, tường xây lên trên móng đá hộc.
“Khi đào thấy như vậy cũng thấy lo, vì ngôi chính điện đã 70 năm, tường hiện trạng nứt xé nhiều chỗ. Sau đó tôi nghĩ ra phương án là bây giờ là làm sao đổ được một hệ đà dưới ôm tất cả các hệ tường và cột ở trên ngôi chính điện”, ông Cư chia sẻ.
Ông Cư cho biết, thực hiện phương án này khá vất vả, việc đào móng gỡ ra để làm hệ đà này phải thực hiện từng đoạn 1- 1,2m vì gỡ dài hơn sợ tường sập, quá trình gỡ phải kê lót, làm sắt đưa vào rồi mới đổ đà, dưới đà phải chêm lót. Chêm lót xong, từ mấy đầu đà có mối nối mới nối tiếp, nối tiếp để đổ hệ thống đà này, tất cả các đà ngang và đà dọc tổng chiều dài là 180m.
Sau công đoạn trên, ông Nguyễn Văn Cư bắt đầu đưa thiết bị máy móc ra để tiến hành chuyển dịch ngôi chính điện từ ngày 13/9 và đã chuyển dịch đi được 4m đầu tiên.
Dự kiến việc chuyển dịch ngôi chính điện lui phía sau 18m thuận lợi nhất cũng phải trong vòng 5 ngày. Sau khi đến đích ổn định xong sẽ đưa ben chịu lực vào và kích cao lên 15cm rồi hoàn chỉnh nền lại...
“Thực tế bây giờ dưới tấm ván trên lăn tấm ván nữa rồi chèn cân tất cả các hàng giàn lại, lúc đó dùng 4 ben chịu lực, mỗi ben như vậy mỗi lần kéo đi được 90- 1m là rút 4 ben chịu lực rút lui cho chạy, chạy theo hệ thống thực tế đó”, ông Cư cho hay.
Theo “thần đèn” Nguyễn Văn Cư, ông đã thực hiện nhiều công trình nâng cao lên 1,5m và có những công trình 250-300 năm; nâng ngôi chùa nặng 2 nghìn tấn ở TP.HCM cao lên 3,4m. Cách đây mấy năm “thần đèn” này cũng đã dịch chuyển ngôi chùa nặng 3.200 tấn ở Long An đi 40m và xoay 110 độ...
“Có công trình 6.000 tấn nâng cao 2m đều có đầy đủ thiết bị để làm và khi nâng cao như vậy không bị phá hủy, nứt nẻ. Máy vận hành, ben chịu lực để làm thì mình phải tính tải trọng công trình, dùng ben chịu lực để rút hoặc đẩy phù hợp, cũng như nâng công trình lên cao, từng cái cột, như cột này tải trọng 70 tấn, cột kia tải trọng 100 tấn... thì dùng ben chịu lực phù hợp với tải trọng của từng cột để kích nâng”, “thần đèn” Nguyễn Văn Cư chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Cư, ngôi chính điện ở chùa Diệu Đế đang tiến hành chuyển dịch có 3 bệ thờ ở trong, gồm bệ thờ Phật ở giữa và bệ bên thờ bài vị vua Thiệu Trị và các ngài, cùng bức tranh “Long vân khế hội” (Rồng mây gặp gỡ) đồ sộ được vẽ trên trần điện, đều phải giữ lại.
“Hôm qua bắt đầu chuyển dịch ngôi chính điện tôi nghĩ sẽ có hiện tượng nứt chỗ này chỗ kia, khi kéo được ben đầu tiên tôi bắt đầu có giải pháp chống đỡ hết và bây giờ những chỗ nứt, kể cả chỗ nứt cũ đều như vậy thôi chứ không phá thêm, nằm trong sự kiểm soát”, ông Nguyễn Văn Cư cho hay.
Cũng theo “thần đèn” Nguyễn Văn Cư, sau khi dịch chuyển xong thì ngôi chính điện này sẽ bền vũng, vì trước đây ngôi chính điện không có hệ cột dưới, chỉ có móng đá hộc và xây tường lên trên móng đá hộc. Bây giờ làm móng xong có sắt chờ dưới, khi đưa ra vị trí móng mới thì cao độ của đáy đà và móng dưới 60cm, có sắt chờ dưới tôi sẽ khoan dưới hệ đà trên, cấy sắt và đổ mấy chục cái cột, lúc đó mới xây tường bao lại...
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận sáng 14/9:
Các công nhân đang tất bật chuẩn bị để tiếp tục tiến hành việc chuyển dịch ngôi chính điện theo kế hoạch
Bức tranh “Long vân khế hội” (hay còn gọi là Cửu long ẩn vân) tại ngôi chính điện chùa Diệu Đế vẽ 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần điện cùng 4 con rồng trên 4 cột trụ nội điện. Bức tranh được vẽ khi ngôi chùa này được xây dựng lại sau năm 1953, theo phong cách bích họa cung đình, tương tự bức tranh trên trần lăng Khải Định
Phần đà ngang và dọc đã được "thần đèn" thực hiện phục vụ chuyển dịch nhìn từ phía trong ngôi chính điện
"Thần đèn" Nguyễn Văn Cư chia sẻ về việc thực hiện chuyển dịch ngôi chính điện chùa Diệu Đế
Hệ đà bê tông cùng hệ con lăn phí dưới...
Ngôi chính điện sẽ được dịch chuyển lui phía sau (bên phải) 18m
Các công nhân đang tất bật chuẩn bị cho việc dịch chuyển ngôi chính điện
2 máy kích ben thủy lực tại công trường
Dự kiến việc chuyển dịch ngôi chính điện lui phái sau 18m thuận lợi nhất trong vòng khoảng 5 ngày là đến đích
Ngôi chính điện đã chuyển dịch đi được 4m trong ngày đầu tiên
Sau khi đến vị mới ổn định xong, ngôi chính điện sẽ được nâng cao lên 15cm rồi hoàn chỉnh nền lại...