Xã hội

Nhiều xã ở Quảng Ngãi bỏ số thứ tự, lấy tên dòng sông quê hương

Tóm tắt:
  • Huyện Quảng Ngãi đổi tên xã theo dòng sông quê hương, bỏ số thứ tự ban đầu.
  • Người dân đồng tình và ủng hộ các tên xã mang tính văn hóa, lịch sử.
  • Quảng Ngãi sửa tên xã thành Nghĩa Hành, Đình Cương, Thiện Tín, Phước Giang.
  • Các xã mới liên quan đến từng dòng sông nổi tiếng như Phước Giang, Vệ Giang, Trà Giang.
  • Các địa phương khác như Tư Nghĩa, Mộ Đức cũng đổi tên phù hợp ý kiến cộng đồng.

Việc các địa phương ở Quảng Ngãi thay đổi tên gọi xã mới mang tên dòng sông quê hương và tên các địa chỉ đỏ, có tính văn hóa, lịch sử, bỏ số thứ tự như dự kiến ban đầu, đã được người dân đồng tình, ủng hộ.

Xã mang tên dòng sông Phước Giang

Chiều 23.4, ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), cho biết huyện đã tiếp thu ý kiến người dân, thay đổi lại tên gọi các xã mới và bỏ tên xã đặt theo số thứ tự 1-2-3-4…

Nhiều xã Quảng Ngãi đặt tên mới theo dòng sông quê hương, bỏ số thứ tự - Ảnh 1.

Người dân H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) tham gia ý kiến về tên gọi xã mới và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

ẢNH: Đ.NHƯ

Cụ thể, khi sắp xếp lại đơn vị hành chính xã, H.Nghĩa Hành còn 4 xã, dự kiến lấy tên từ xã Nghĩa Hành 1 đến xã Nghĩa Hành 4. Đến ngày 23.4, H.Nghĩa Hành đã thống nhất thay đổi tên gọi các xã thành: Nghĩa Hành, Đình Cương, Thiện Tín và Phước Giang.

Theo đó, xã Nghĩa Hành sắp xếp từ xã Hành Thuận, TT.Chợ Chùa và xã Hành Trung, trụ sở làm việc dự kiến ở trung tâm hành chính H.Nghĩa Hành hiện nay.

Nhiều xã Quảng Ngãi đặt tên mới theo dòng sông quê hương, bỏ số thứ tự - Ảnh 2.

Các tên xã mới và đơn vị hành chính mới được các cấp chính quyền Quảng Ngãi niêm yết công khai, để người dân góp ý kiến

ẢNH: Đ.NHƯ

Còn xã Đình Cương sáp nhập từ các xã: Hành Đức, Hành Phước và Hành Thịnh. Đình Cương là ngọn núi mang tính biểu tượng của vùng đất trung du màu mỡ này bên dòng sông Phước Giang thơ mộng. Nơi đây từng diễn ra nhiều trận đánh nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến ở Quảng Ngãi. Năm 1993, núi Đình Cương được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Xã Phước Giang thì sáp nhập từ các xã: Hành Dũng, Hành Nhân và Hành Minh. Phước Giang là dòng sông chở đầy phù sa đi qua địa bàn H.Nghĩa Hành, giúp vùng đất này tốt tươi, trở thành thủ phủ cây ăn trái của Quảng Ngãi, trong đó có nhiều loại cây của miền Nam, nhất là chôm chôm, sầu riêng, bưởi Năm Roi…

Nhiều xã mới mang tên dòng sông quê hương

Cũng trong ngày 23.4, H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã chỉ đạo cán bộ các xã, thị trấn trên địa bàn đi xuống dân lấy ý kiến để thay đổi tên xã mới trong dự kiến sắp xếp. Theo đó, H.Tư Nghĩa thay đổi tên xã theo số thứ tự sang 4 xã: Tư Nghĩa, Vệ Giang, Trà Giang và Nghĩa Giang.

Trong 4 tên xã nói trên, có 3 xã gắn với chữ giang, mang tên 2 dòng sông lớn nhất Quảng Ngãi: Trà Giang và sông Vệ.

Xã Vệ Giang (ban đầu dự kiến đặt tên xã mới là Tư Nghĩa 1, gồm các xã: Nghĩa Phương, Nghĩa Hiệp và TT.Sông Vệ) mang tên dòng sông Vệ nổi tiếng trong thơ ca, gắn bó với tuổi thơ, đời người của bao lớp người sinh ra, lớn lên và mưu sinh dựa vào sự cưu mang của con nước lớn ròng ở đây.

Nhiều xã Quảng Ngãi đặt tên mới theo dòng sông quê hương, bỏ số thứ tự - Ảnh 4.

Trà Khúc là dòng sông lớn nhất ở Quảng Ngãi

ẢNH: P.A

Còn xã Trà Giang (sáp nhập 3 xã: Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm và Nghĩa Sơn) lấy tên dòng sông Trà Khúc huyền thoại, linh thiêng và là dòng sông lớn nhất của Quảng Ngãi. Người dân xã này sống ở tả hữu ngạn dòng sông, ngày đêm được sông vỗ về giấc ngủ, lớn lên trong tiếng sóng vơi đầy và những sản vật nổi tiếng trên sông.

Theo thông tin PV Thanh Niên nhận được, cũng trong ngày 23.4, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã tiếp thu ý kiến người dân, thảo luận và thống nhất thay tên gọi các xã mới sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Nhiều xã Quảng Ngãi đặt tên mới theo dòng sông quê hương, bỏ số thứ tự - Ảnh 5.

Tượng đài chiến thắng Mỏ Cày ở H.Mộ Đức (Quảng Ngãi)

ẢNH: B.HÒA

Dự kiến tên gọi xã mới ban đầu của H.Mộ Đức là Mộ Đức 1, Mộ Đức 2, Mộ Đức 3 và Đức Tân. Tuy nhiên, H.Mộ Đức đã đổi lại tên khác hay hơn, ấn tượng hơn, gồm các xã: Long Phụng, Mỏ Cày, Mộ Đức và xã Lân Phong.

Trong đó, xã Mỏ Cày sáp nhập từ 3 xã: Đức Minh, Đức Thạnh và Đức Chánh. Mỏ Cày chính là nơi diễn ra các trận đánh oai hùng của quân và dân Mộ Đức trong các thời kỳ kháng chiến. Bây giờ, những người con đất này đi xa, khi nhắc đến Mỏ Cày thì ai cũng nhớ đến, hình dung xã này ở đâu.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (24/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi lập đỉnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 119,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 118 triệu đồng/lượng.

Công an cảnh báo 1 thủ đoạn lừa đảo mới, chưa từng xuất hiện: Đối tượng nhắm đến là học sinh sinh viên, phụ huynh cũng phải tuyệt đối cảnh giác

Sau khi nhận được nhiều cuộc gọi mạo danh là công an và là người của tổ chức giáo dục liên tục gọi điện đe dọa, uy hiếp với nội dung là số tài khoản ngân hàng có dấu hiệu rửa tiền, nữ sinh đã xin bố mẹ 10 triệu đồng và chuyển cho bọn lừa đảo.

Lý do chọn tên Ninh Bình sau khi hợp nhất 3 tỉnh

Ông Trương Quốc Huy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - cho biết việc sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình lấy tên tỉnh Ninh Bình bởi đây là điểm nổi tiếng có giá trị thương hiệu quốc tế, mang ý nghĩa vùng đất bình yên, thanh bình.

Festival Phở 2025: Một sự kiện Văn hóa đầy ấn tượng

Không chỉ là một lễ hội ẩm thực, Festival Phở 2025 vừa qua là một hành trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Với sự tham gia của hàng ngàn du khách trong và ngoài nước, lễ hội đã khẳng định vị thế của phở - món ăn quốc hồn quốc túy - trên bản đồ ẩm thực toàn cầu, đồng thời khắc họa rõ nét câu chuyện về con người, lịch sử và bản sắc Việt Nam.