Năm 2022 kết thúc, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hầu hết đã công bố kết quả kinh doanh, trong đó, nhiều tập đoàn báo cáo lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc so với năm 2021, thậm chí đạt mức lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động. Ngược lại, cũng có một số công ty thua lỗ.
Một số tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước đã vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC),...
Tập đoàn nhà nước lớn nhất là PVN năm vừa qua đã xác lập nhiều kỷ lục lịch sử kinh doanh. Thứ nhất, tập đoàn ghi nhận tổng doanh thu cao nhất trong 61 năm qua với 931.200 tỷ đồng, tương đương gần 40 tỷ USD.
PVN cũng xác lập kỷ lục về lợi nhuận trước thuế hợp nhất trên 82.000 tỷ đồng (gần 3,5 tỷ USD); kỷ lục về nộp ngân sách Nhà nước với 170.600 tỷ đồng (hơn 7,2 tỷ USD), chiếm tỉ trọng khoảng 9,6% trong tổng thu ngân sách Nhà nước.
Năm 2022, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tiếp tục ghi nhận kết quả đột biến và phá vỡ mức kỷ lục xác lập trước đó với doanh thu hợp nhất ước đạt 62.262 tỷ đồng, lợi nhuận trên 6.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 52% so với mức đỉnh năm ngoái.
Vietnam Airlines (Mã: HVN) năm qua cũng ghi nhận sự cải thiện trong kết quả hoạt động kinh doanh. Doanh thu năm 2022 của Vietnam Airlines ước hơn 72.359 tỷ đồng, lớn hơn cả hai năm trước đó cộng lại. Nhân tố hỗ trợ chính cho Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung là chính sách mở cửa du lịch bắt đầu từ tháng 3/2022.
Đại diện hãng hàng không này cho biết công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm và cắt giảm chi phí gần 4.300 tỷ đồng; giảm lỗ gần 70 tỷ đồng so với kế hoạch; điều hành thành công dòng tiền giúp duy trì hoạt động liên tục. Ước tính mức lỗ năm 2022 của tổng công ty là 11.157 tỷ đồng. Với kết quả này, Vietnam Airlines ghi nhận năm thua lỗ thứ ba liên tiếp kể từ khi COVID-19 bùng phát năm 2020.
Một doanh nghiệp khác trong ngành hàng không là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) ước đạt tổng doanh thu 15.381 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 7.561 tỷ đồng, vượt lần lượt 49% và 195% so với kế hoạch năm đề ra.
So với năm 2021, doanh thu của ACV tăng gấp 2 lần, lợi nhuận trước thuế tăng gấp gần 10 lần, nhờ tình hình vận tải hành khách hồi phục mạnh sau dịch.
Trong khi nhiều tập đoàn nhà nước báo lãi lớn thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố có thể lỗ công ty mẹ hơn 31.000 tỷ đồng năm vừa rồi.
EVN cho biết, từ đầu năm 2022, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao.
Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm nay và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ tới 64.805 tỷ đồng.
Theo tính toán, tổng các khoản EVN cố gắng để giảm lỗ khoảng 33.445 tỷ đồng và tác động làm giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, các chi phí khâu truyền tải, phân phối, phụ trợ năm nay chỉ bằng 92,8% so với năm 2021.
“Dù đã nỗ lực, cố gắng để chi phí nhưng với các giải pháp trong nội tại mà EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn”, tập đoàn nhấn mạnh.