Cùng với nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như bún nước lèo, mè láo, bánh pía, bánh cống, bún gỏi dà, bò nướng ngói..., một trong những đặc sản nổi tiếng mà bạn nhất định phải nếm thử khi đến Sóc Trăng chính là mì sụa.
Mì sụa (hay còn gọi mì trường thọ) vốn là món ăn truyền thống của cộng đồng người Hoa, phổ biến ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh..., thường được dùng trong những dịp lễ Tết hoặc các bữa tiệc sinh nhật.
Mì sụa (mì trường thọ) vốn là món ăn truyền thống của người Hoa (Ảnh: Mì sụa Tân Hương Nam)
Từ món ăn dân gian, truyền thống của người Hoa, mì sụa dần lan tỏa tới các cộng đồng dân tộc anh em quanh vùng, trở thành món ăn sáng phổ biến của người dân Sóc Trăng.
Buổi sáng tinh mơ, từ những gánh hàng rong, người dân lao đông, thợ xây, thợ nề thường ghé qua các sạp hàng, quán ăn bình dân để lót dạ với món mì sụa Sóc Trăng. Mỗi tô mì sụa thường có mì, sườn nướng hoặc gà nướng, xá xíu, hải sản, thập cẩm hay xương ống, sa tế... Tùy theo nhu cầu thưởng thức mà thực khách có thể gọi món cho phù hợp.
Mì sụa dài và to hơn các loại mì khác, có vị ngọt đặc trưng (Ảnh: diadiemanuong)
Nguyên liệu chính để làm mì sụa là đậu nành và trứng nên sợi mì nổi bật với màu vàng óng, dài, to hơn các loại mì khác và có vị ngọt đặc trưng. Trải qua nhiều lần nhồi, bột được cán từng miếng mỏng vừa phải và cắt thành sợi. Sau ít phút đem luộc, những sợi mì to tròn được vớt ra để ráo, tẩm với dầu ăn và đem chế biến ngay để tránh bị lên men.
Mì sụa có hai loại chính là mì sụa mặn và không mặn, được chế biến thành các món ăn khác nhau như mì sụa mặn sẽ được dùng để làm món chiên hoặc xào, còn mì sụa không mặn thường dùng để nấu chè.
Mì sụa có hai loại chính là mì sụa mặn và không mặn (Ảnh: diadiemanuong)
Ở Sóc Trăng, người dân thường dùng mì sụa dạng khô hoặc nước, ăn kèm giá hẹ và chén nước chấm. Với mì sụa khô, người bán sẽ trộn sợi mì cùng dầu tỏi, chút xì dầu, thêm chén nước súp nhỏ có vị ngọt thanh. Theo nhiều thực khách sành ăn, mì sụa khi ăn khô sẽ ngon hơn bởi vị đậm đà đặc trưng trong từng sợi mì.
Cách chế biến món mì sụa xào khá đơn giản. Sợi mì tươi (mì mặn) được trụng sơ qua nước nóng và đem xào chung với cải xanh, nấm, tôm, mực hoặc thịt gà, thịt heo, chấm nước tương hoặc nước mắm chanh ớt tùy khẩu vị.
Mì sụa xào hải sản (Ảnh: Minh Thương)
Tô mì xào thường đi kèm chén nước dùng được hầm từ xương heo, với hương thơm tỏa ra bởi ngò gai (mùi tàu), ngò rí (mùi ta), hành lá, hành phi, tiêu xay... Thưởng thức mì sụa xào, thực khách vừa húp từng muỗng nước ngọt ngào, vừa cảm nhận vị giòn dai của sợi mì hòa cùng vị béo, ngọt từ các nguyên liệu chế biến.
Với loại mì sụa không mặn (mì ngọt), người dân thường dùng để nấu chè cùng trứng gà luộc. Màu đỏ của lòng đỏ trứng gà tượng trưng cho lời chúc bình an, cuộc sống thêm may mắn, trọn vẹn nên món ăn này thường được nấu trong các bữa tiệc liên hoan, sinh nhật hoặc ngày lễ, ngày kỷ niệm. Mì sụa nấu chè có hương thơm đặc trưng, vị ngọt thanh rất lạ miệng.
Mì sụa nấu chè (Ảnh: Minh Thương)
Vì là món điểm tâm quen thuộc nên hầu hết các quán ăn sáng trong trung tâm thành phố đều có bán mì sụa như khu chợ Sóc Trăng, tiệm mì Hiệp Lợi, tiệm mì Thúy… Hoặc nếu thích tự tay nấu nướng theo cách riêng để thực đơn bữa cơm gia đình thêm phong phú, bạn có thể mua mì sụa tươi ở tiệm tạp hóa trong chợ trung tâm hoặc các siêu thị ở TP. Sóc Trăng.
Trên hành trình du lịch Sóc Trăng, ngoài việc thăm thú những địa danh, thắng cảnh nức tiếng như chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Đất Sét, bảo tàng Khmer, chợ nổi Ngã Năm, vườn cò Tân Long... hay tham gia những lễ hội đặc sắc như lễ hội đua ghe ngo, lễ Dâng y Kathina, lễ thả đèn nước Lôi Prôtip… thì khám phá nền ẩm thực độc đáo nơi đây cũng là trải nghiệm cực hấp dẫn.
Mì sụa gà nướng (Ảnh: Mì sụa Tân Hương Nam)
Với những tâm hồn "đam mê ăn uống" thì mì sụa Sóc Trăng chắc chắn là món ngon không thể bỏ qua bởi hương vị độc đáo, nét văn hóa đặc trưng của người dân miệt vườn nơi miền Tây sông nước.