Không phải ai cũng biết sự thật là tỷ phú Warren Buffett - thần chứng khoán và nhà đầu tư thành công hàng đầu thế giới - từng bị Đại học Harvard từ chối. Dù vậy, ông cho rằng đây chỉ là bài học về cách rũ bỏ những thất bại không đáng kể, tiến tới những nỗ lực lớn và tốt hơn.
Tỷ phú Warren Buffett gợi ý rằng việc học hỏi từ thất bại là bước tiến quan trọng trên con đường dẫn đến thành công. Là người ham đọc sách, ông đặc biệt yêu thích những cuốn tiểu sử mô tả thất bại của người khác. Nhờ đó, ông rút ra được bài học cuộc sống để vượt qua những cơn bão trong tương lai, cuối cùng thu được lợi ích từ kiến thức trong sách.
Tuy nhiên, những người sợ thất bại thường chần chừ và chính sự do dự đó khiến họ không có khả năng hiện thực hóa ước muốn, đồng nghĩa với xác suất thành công giảm. Cho dù bạn tài giỏi đến đâu, nỗi sợ hãi là thứ có thể đè bẹp và ngăn cản bạn thực hiện ước mơ của mình.
Tỷ phú Warren Buffett thú nhận rằng khi còn trẻ, ông từng có nỗi sợ nói trước đám đông khủng khiếp. Mãi đến khi đăng ký lớp học diễn thuyết trước công chúng của nhà văn Dale Carnegie, ông mới có đủ can đảm để đạt những kỹ năng cần thiết cho sự thành công sau này.
Warren Buffett đưa ra 3 lời khuyên hữu ích, giúp mọi người khắc phục nỗi sợ thất bại của họ.
Tỷ phú Warren Buffett từng bị Đại học Harvard từ chối. Ảnh: Inc. Magazine.
Sợ hãi có thể trở thành bạn, không phải kè thù
Theo tỷ phú Warren Buffett, sự sợ hãi là kẻ thù của những nhà đầu tư nhắm đến lợi nhuận ngắn hạn và trung hạn. Họ là nhà giao dịch mua cổ phiếu nóng rồi bán chúng để kiếm lời nhanh chóng và sau đó tìm kiếm cơ hội tiếp theo.
Mặt khác, sự sợ hãi là bạn của những nhà đầu tư giá trị. Họ thích những cổ phiếu được định giá thấp hơn giá trị thực. Họ mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị thực, sau đó xem lợi nhuận khi giá cổ phiếu tăng theo thời gian.
Môi trường đầu tư đáng sợ làm tăng cơ hội cho nhà đầu tư giá trị. Khi các nhà đầu tư đồng loạt bán cổ phiếu, giá cổ phiếu giảm xuống, đôi khi thấp hơn giá trị của chúng. Đây là thời cơ để nhà đầu tư giá trị nắm lấy cơ hội, chọn những cổ phiếu tốt với mức giá thấp tạm thời. Khi thị trường phục hồi, những cổ phiếu này sẽ tăng trở lại, mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận đáng kể.
Ảnh minh họa: Ausmed.
Học cách chấp nhận nỗi sợ hãi
Nỗi sợ hãi phi lý có thể xuất phát từ sự tiêu cực vô căn cứ hoặc từ dự đoán do trí tưởng tượng hoang đường. Mọi viễn cảnh về nỗi sợ chỉ là kịch bản bạn tự viết nên trong đầu và không có thật. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn có không ít vấn đề quan trọng hơn cần lo toan và giải quyết và quỹ thời gian là có hạn. Nếu chỉ nghĩ về những nỗi sợ hãi vô thực, bạn sẽ đánh mất lượng thời gian quý báu đáng lẽ có thể dùng để làm việc có ích, như kinh doanh sinh lời.
Đối với những người lần đầu bước vào thế giới đầu tư và thị trường chứng khoán, mọi thứ có thể sẽ khó khăn và vất vả. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của các cố vấn có hiểu biết, nỗi sợ hãi có thể được giải quyết. Bằng cách tận dụng kiến thức chuyên môn của nhà phân tích thị trường, bạn có thể đánh giá lợi nhuận tiềm năng và rủi ro.
Ảnh minh họa: Succeed Feed.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Sự trì hoãn có thể gây ra nhiều tốn kém trong thế giới tài chính. Vì vậy, việc bù đắp khoảng thời gian đã mất có thể là thách thức, do bạn đã để nỗi sợ hãi lấn lướt và ngăn cản bạn đến với những cơ hội mới. Mọi sự cố gắng dù lớn hay nhỏ đều có ích hơn việc ngồi yên một chỗ.
Bất kỳ ai cảm thấy an toàn trong "cái kén" nhỏ mà họ xây dựng cho chính mình, họ vẫn luôn sống với nỗi sợ hãi nào đó. Rốt cục, dù bạn có nỗ lực trốn tránh thế nào, nỗi sợ vẫn sẽ trở thành hiện thực một ngày nào đó. Bạn càng cảm thấy bất lực bao nhiêu, nỗi sợ hãi càng dữ dội bấy nhiêu. Sẽ luôn có những yếu tố không chắc chắn và không lường trước được mà bạn không thể kiểm soát. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào những sự quyết định có thể kiểm soát được để tạo ra sự thay đổi tích cực.
Bạn có thể hành động bất chấp nỗi sợ hãi và sau đó bạn bắt đầu tự tin hơn vào khả năng của chính mình. Việc chiến thắng nỗi sợ hay hành động bất chấp sợ hãi cũng như một kiểu động lực. Bạn chỉ có thể cảm nhận được nguồn động lực này bằng cách thực hiện và hoàn thành được công việc mà bạn luôn cảm thấy khó nhằn. Chỉ khi đó, nỗi sợ hãi mới lắng xuống.
Bạn nên bao quanh mình bằng những người không sợ hãi trước thất bại, biết cách khích lệ người khác cố gắng thay vì nhạo báng. Dần dần, bạn cũng sẽ học được cách họ đối mặt với nỗi sợ và sự thất bại. Quan trọng nhất, bạn không nên để sự tự mãn trở thành rào cản ngăn cản cơ hội thành công.
Theo Forbes, Fool