Nhóm dẫn đầu dần bắt nhịp đà tăng của thị trường
Trong bối cảnh VN-Index tăng 15,1% từ đầu năm, chỉ một số ít quỹ có thể bám sát hoặc vượt qua mức tăng trưởng này. Dẫn đầu là Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Năng động Bảo Việt (BVFED), ghi nhận hiệu suất 15,4% – cao nhất trong danh sách 30 quỹ khảo sát.
Danh mục của quỹ BVFED chia làm hai phần: cổ phiếu trong rổ VN30 và danh mục gia tăng không vượt quá 30%. Tính đến cuối tháng 6, BVFED nắm giữ 32 mã, trong đó HPG (9,5%), TCB (6,7%), VPB (4,8%), BWE (4,6%) và ACB (4,4%) là các khoản đầu tư lớn nhất.
Bám sát ngay sau là Quỹ Đầu tư Tăng trưởng BORDIER (BMFF) thuộc MB Capital với hiệu suất 14,9%. Quỹ thuộc MB Capital này phân bổ 39,4% vào nhóm ngân hàng, kế đến là bán lẻ (8,7%) và ngành đường (4,6%). Các khoản đầu tư lớn gồm ACB (15,4%), TCB (12%), PNJ (6%), VIB (5,6%), VPB (5,5%) và HPG (5,5%).
Hai quỹ khác cũng đạt hiệu suất hai chữ số là DCDS (13,6%) và MBVF (13,5%). DCDS, thuộc Dragon Capital, phân bổ danh mục lớn vào TCB (8,4%), STB (7,8%), CTG (7%), MWG (6,5%) và VHM (5,9%) (cuối tháng 6).
Trong khi đó, MBVF thuộc MB Capital đầu tư tập trung vào nhóm ngân hàng (37,3%), bất động sản (8,2%) và điện (5,1%), với các cổ phiếu chủ lực gồm TCB (14,2%), ACB (10,9%), QTP (5,1%), HPG (5,7%) và VPB (4,2%) (cuối tháng 6).
Nhóm hiệu suất tích cực còn có DCDE (9,2%), VEIL (7,7%), TVGF3 (7,4%), TVGF4 (7,2%), hay PYN Elite Fund (7,2%).
PYN Elite Fund đã quay lại vùng hiệu suất dương từ tháng 6 và tiếp tục cải thiện trong tháng 7. Danh mục cuối tháng 6 của quỹ tập trung mạnh vào nhóm tài chính như STB (19,1%), MBB (12,6%), CTG (5,7%), VIB (4,6%), OCB (4,4%), cùng các mã ACV, MWG, HVN, VCI và VIX.
Một số quỹ nội khác như VCAMDF (6,6%), TBLF (5,9%), VCAMBF (5,6%), LHCDF (5,6%) cũng đạt hiệu suất khá, dù cách biệt đáng kể so với VN-Index. Các quỹ này thường có chiến lược linh hoạt, phân bổ vào nhóm vốn hóa trung bình hoặc ngành đặc thù.

(Nguồn: X.N tổng hợp).
Nhiều quỹ vẫn chậm chân
Ở chiều ngược lại, vẫn có một nhóm quỹ ghi nhận hiệu suất âm sau nửa đầu năm – trái ngược với diễn biến tích cực của thị trường chung. Tiêu biểu là Quỹ Vietnam Holding với hiệu suất -6,9%, thấp nhất trong thống kê. GFM-VIF cũng âm hiệu suất 3,1% tính đến 8/7, tuy nhiên báo cáo tháng 6 không công bố rõ danh mục đầu tư của các khoản tỷ trọng lớn.
Quỹ VDEF thuộc VinaCapital có hiệu suất âm 0,3% từ đầu năm. Danh mục theo báo cáo tháng 5 cho thấy tỷ trọng lớn phân bổ vào nhóm tài chính như MBB (7,9%), CTG (6,5%), PVI (7,1%), bên cạnh các mã đầu ngành như HPG (6,8%) và FPT (6,5%).
Nhóm hiệu suất thấp còn có các quỹ như VLGF-SSIAM (0,9%), KIM RSP (1,3%), Lumen Vietnam (1,8%), VCBF-BCF (2,0%), VESAF (2,1%), VEOF (2,6%), VMEEF (2,7%), PHVSF (2,9%) và SSI-SCA (3,5%). Mặc dù có mức sinh lời dương, nhưng phần lớn các quỹ này vẫn bị bỏ lại khá xa so với VN-Index.
Sự phân hóa rõ nét cho thấy một số quỹ không phân bổ mạnh vào nhóm trụ hoặc chậm cơ cấu danh mục, dẫn đến đang bị tụt lại so với diễn biến chung của thị trường.
Kỳ vọng nội tại và dòng tiền là động lực chủ đạo
Các nhà quản lý quỹ duy trì góc nhìn tích cực với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm. Nhìn chung, các quỹ cho rằng dòng tiền là yếu tố chi phối xu hướng ngắn hạn, trong khi tăng trưởng dài hạn sẽ được dẫn dắt bởi các động lực nội tại như tiêu dùng nội địa, đầu tư công và cải cách thể chế.
Về vĩ mô, báo cáo tháng 6 của PYN Elite Fund dẫn chứng mức tăng trưởng GDP quý II đạt 7,6%, nâng tăng trưởng nửa đầu năm lên 7,3%. Du lịch phục hồi mạnh với 9,2 triệu lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm, tăng 21,3% so với cùng kỳ.
Quỹ Phần Lan cũng đánh giá cao việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi các tổ chức tín dụng và các chính sách thúc đẩy đầu tư hạ tầng quy mô lớn như đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Theo báo cáo tháng 6 của BMFF, MB Capital cho rằng xu hướng tăng của thị trường vẫn đang được củng cố, với dòng tiền là yếu tố quan trọng trong ngắn hạn. Quỹ dự báo các nhịp điều chỉnh – nếu có – sẽ không quá sâu và là cơ hội để tích lũy cổ phiếu, đồng thời khẳng định sẽ duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong năm 2025.
Dragon Capital cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn tích lũy nền tảng cho một chu kỳ tăng trưởng bền vững kéo dài. Tại tọa đàm Investor Day, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược Đầu tư của Dragon Capital, nhận định nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh về cấu trúc, với khu vực tư nhân và tiêu dùng nội địa đóng vai trò trung tâm trong mô hình tăng trưởng mới.
Dragon Capital đánh giá nhiều ngành trong nước đã đạt mức phát triển đủ để dẫn dắt tăng trưởng. Quá trình đô thị hóa và sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu là hai động lực quan trọng giúp duy trì tiêu dùng và mở rộng sản xuất.
Với triển vọng GDP tăng hai chữ số trong nhiều năm tới, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ tăng từ gấp đôi đến gấp năm trong vòng 5 năm. Các chuyên gia dự báo lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025 có thể tăng 12–13%, và nếu xu hướng này duy trì, định giá cổ phiếu sẽ có điều kiện mở rộng.
Ngoài yếu tố tăng trưởng, Dragon Capital cũng nhấn mạnh cơ hội nâng hạng thị trường là yếu tố có thể thu hút hàng tỷ USD vốn gián tiếp. Với hệ thống KRX đã đi vào hoạt động, rút ngắn chu kỳ thanh toán về T+2, cải thiện cơ chế giao dịch và tiến trình sửa đổi quy định sở hữu nước ngoài, thị trường Việt Nam đang tiệm cận các tiêu chí của MSCI và FTSE.
Bên cạnh việc gia tăng thanh khoản, nâng hạng còn có thể thu hẹp khoảng cách định giá giữa Việt Nam và các thị trường mới nổi khác.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược Đầu tư của Dragon Capital, chia sẻ tại toạ đàm 12/7. (Ảnh chụp màn hình).
SGI Capital, trong báo cáo tháng 6 của The Ballad Fund (TBLF), đánh giá tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại khi VN-Index tăng 3,26% trong tháng 6.
Nhà quản lý quỹ nhìn nhận thị trường hiện đang chuyển sang theo dõi các yếu tố hỗ trợ dài hạn như kỳ vọng nâng hạng, điều hành chính sách linh hoạt và tăng trưởng nội tại. Theo SGI, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, hút bớt thanh khoản ngắn hạn và tạo khoảng đệm tích cực cho xuất khẩu nhờ đồng USD suy yếu.
Ngoài ra, SGI nhấn mạnh đầu tư công là điểm sáng nổi bật, với giải ngân 6 tháng đạt hơn 32% kế hoạch – tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Việc hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương mới giúp gỡ vướng về thủ tục, tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ dự án. Tín dụng tăng 9% trong nửa đầu năm – tương đương mức tăng hơn 19% so với cùng kỳ – hỗ trợ tốt cho tăng trưởng của hệ thống ngân hàng và ổn định thanh khoản thị trường tiền tệ.
SGI Capital cũng nhận thấy dòng vốn ngoại bắt đầu quay lại mạnh từ đầu tháng 7, đồng pha với xu hướng tại các thị trường ASEAN. Theo nhà quản lý quỹ, mức định giá hiện tại cùng triển vọng nâng hạng đang thu hút trở lại dòng vốn sau giai đoạn bị rút ròng.
Chứng khoán Việt Nam hiện là một trong số ít kênh tài sản chưa quay lại vùng đỉnh 2022, trong khi nhiều doanh nghiệp niêm yết đã vượt đỉnh về doanh thu và lợi nhuận. SGI dự báo có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn hạn do chốt lời, nhưng nền tảng dòng tiền, chính sách và định giá vẫn đang hỗ trợ xu hướng tích cực cho phần còn lại của năm.