Những điểm nghẽn từ cung – cầu ngoại tệ

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank VCBF (Ảnh: Minh Nguyệt)
Chia sẻ tại Data Talk | Macro Insight: Kinh tế nửa đầu năm 2025 và câu hỏi tiền đang đi về đâu? do VietnamBiz tổ chức ngày 15/7, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), cho biết trong 6 tháng đầu năm, VND đã mất giá gần 3% so với USD. Điều này trái ngược hoàn toàn với chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY), giảm hơn 10% trong hai quý đầu năm.
Theo ông Linh, chỉ số DXY không thực sự liên quan đến tỷ giá VND/USD do cấu phần của DXY bao gồm một số ngoại tệ chính euro, yen Nhật, bảng Anh,...riêng euro chiếm trọng số tới 60%.
"Trong quá khứ, khi chỉ số DXY tăng, gây áp lực mất giá lên VND chủ yếu do yếu tố tâm lý găm giữ ngoại tệ. Hiện tại, tỷ giá VND lại tăng (tức là đồng Việt Nam mất giá) mặc dù sức mạnh của USD trên toàn cầu đang giảm. Điều này cần được nhìn nhận từ yếu tố cung cầu ngoại tệ trong nước", ông Linh nhấn mạnh.
Nhìn vào cung cầu ngoại tệ, vị chuyên gia đánh giá trong nửa đầu năm, nguồn cung từ thương mại quốc tế đã thu hẹp rất nhiều. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ xuất siêu 7,6 tỷ USD – thấp hơn rất nhiều so với mức thặng dư 12,1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh bất ổn về thuế quan và một số quốc gia như Hàn Quốc đang gặp khó khăn về kinh tế – chính trị, dẫn đến tình trạng các công ty FDI có xu hướng tăng chuyển lợi nhuận về nước.
"Thông thường, mỗi quý các công ty FDI chuyển khoảng 5 tỷ USD. Tuy nhiên, số liệu gần nhất cho thấy, riêng quý I vừa rồi, FDI đã chuyển về nước hơn 7 tỷ USD – làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá", ông Linh cho hay.

(Nguồn: FiinRatings)
Theo vị chuyên gia, nhìn vào cán cân thanh toán tổng thể, trước đây Việt Nam liên tục duy trì thặng dư ở cả tài khoản vãng lai và tài khoản tài chính. Tuy nhiên, thời gian gần đây tài khoản tài chính liên tục bị thâm hụt. Trong quý I vừa rồi, theo báo cáo mới nhất của NHNN, tài khoản tài chính tiếp tục thâm hụt 3,5 tỷ USD.
Phân tích về nguyên nhân, ông Linh cho biết do nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Thứ hai là doanh nghiệp cũng như chính phủ, trong bối cảnh lãi suất đồng USD ở mức cao, đã giảm dư nợ vay dài hạn bằng ngoại tệ.
Dẫn số liệu từ chuyên gia, trong năm 2024, tổng mức trả nợ ròng dài hạn lên tới 6,7 tỷ USD. Riêng quý I năm nay, con số này vẫn ở mức cao với 1,8 tỷ USD. Những yếu tố này đều ảnh hưởng tới cán cân cung – cầu ngoại tệ tại Việt Nam.
"Tuy nhiên, một điểm tích cực đó là trong hai năm qua, đặc biệt kể từ khi cuộc chiến Nga – Ukraina nổ ra, sai số và phần lỗi trong báo cáo cán cân thanh toán tổng thể từng rất lớn, phản ánh việc găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế. Nhưng đến quý I vừa rồi, dấu hiệu này đã giảm rất nhiều", vị chuyên gia nói thêm.
Ông Linh cho rằng điều này phần lớn nhờ việc Chính phủ đã kiểm soát hiệu quả thị trường vàng, từ đó làm giảm nhu cầu nắm giữ USD để phục vụ cho việc nhập khẩu vàng bất hợp pháp.
Tuy nhiên, về câu chuyện găm giữ ngoại tệ, ông Linh nhận định mặc dù áp lực đã giảm, nhưng xu hướng thì vẫn còn. Hiện nay, cả người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh bất ổn thuế quan, địa chính trị – vẫn có tâm lý muốn nắm giữ USD để phòng ngừa rủi ro. Điều này phần nào ảnh hưởng đến nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam.
Rủi ro chưa dừng lại

Ông Trần Ngọc Báu – CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup (Ảnh: Minh Nguyệt)
Theo ông Trần Ngọc Báu – CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup, trong bối cảnh mất giá của VND so với USD như hiện này, khả năng cao xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra bởi vì áp lực vẫn còn.
Chuyên gia phân tích, hiện nay chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là ở lãi suất huy động và tín dụng, vẫn đang ở mức cao. Điều này khiến dòng vốn từ thị trường trong nước chảy ra nước ngoài còn tương đối nhiều. Ngay cả cán cân tổng thể được công bố trong quý I vừa rồi cũng cho thấy áp lực rút vốn nước ngoài vẫn còn hiện hữu rất rõ.
"Hiện tại, chúng ta mới chỉ xóa bỏ được khoản swap âm trên thị trường liên ngân hàng còn hai thị trường quan trọng là thị trường huy động và tín dụng thì vẫn chưa xử lý được một cách hiệu quả, do đó áp lực lên tín dụng vẫn còn", ông Báu nhấn mạnh.
Ngoài ra, còn có áp lực trả nợ nước ngoài. Khi tỷ giá tăng mạnh, lãi suất cao thì người ta sẽ có xu hướng vay vốn trong nước, hoặc huy động vốn nội địa, thay vì vay từ nước ngoài. Chính phủ lẫn khu vực tư nhân hiện đều đang có xu hướng trả nợ nước ngoài khá mạnh.
Ông Báu nhận định với bối cảnh tỷ giá như hiện tại, việc tập trung trả nợ nước ngoài và hạn chế vay mới sẽ trở thành xu hướng tất yếu. Nhu cầu vốn để trả nợ ròng, cộng với nhu cầu chuyển vốn ra nước ngoài thông qua tín dụng và huy động, sẽ tiếp tục diễn ra và gây thêm áp lực lên tỷ giá.
"Vừa rồi, xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng nhập khẩu cũng tăng trưởng mạnh. Do đó, thặng dư thương mại nhìn chung không đủ để bù đắp áp lực rút vốn. Khác biệt năm nay so với những năm trước là: Những năm trước tỷ giá thường tăng mạnh trong một vài kỳ rồi sau đó ổn định. Nhưng năm nay, tỷ giá có xu hướng trượt đều cả năm – tức là trượt tăng liên tục", ông nói.
Theo ông Báu, từ giờ đến cuối năm, tỷ giá vẫn sẽ chịu áp lực và có khả năng tăng tiếp. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh bơm tiền, thậm chí bỏ trần tăng trưởng tín dụng để tạo không gian nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế, thì áp lực lên tỷ giá sẽ còn tiếp diễn.

(Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt)
Lạm phát chưa tạo sức ép lớn
Về lạm phát, ông Báu cho rằng dù cung tiền trong năm nay được dự báo tăng khoảng 17–18% – mức cao nhất trong vòng 10 năm và tín dụng có thể tăng đến 20%, nhưng lạm phát vẫn sẽ trong tầm kiểm soát. Năm sau, tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn nhờ các cơ chế phá rào cản và khi đó áp lực lên lạm phát sẽ rõ ràng hơn.
“Trong điều kiện bình thường, nếu tín dụng tăng khoảng 20%, cung tiền tăng 17–18% thì áp lực lên lạm phát cũng chỉ ở mức trung bình, khoảng 4–5%. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, khi tiêu dùng trong nước còn yếu, thì lạm phát khó có thể bứt phá mạnh”, ông phân tích.
Một trong những lý do khiến lạm phát chưa tạo sức ép quá lớn là do chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) vẫn chưa phản ánh đầy đủ biến động thực tế của các nhóm chi tiêu.
Chuyên gia dẫn ví dụ, chi phí thuê nhà chỉ chiếm khoảng 10% trong rổ tính CPI, trong khi với người dân đô thị, tỷ lệ này thực tế cao hơn nhiều. Chính điều này khiến CPI chưa thể hiện chính xác gánh nặng chi tiêu mà giá bất động sản gây ra.
"Vì vậy, từ vấn đề phương pháp tính toán chưa phù hợp, đến câu chuyện tiêu dùng trong nước đang yếu và dù cung tiền có tăng nhưng chưa tới mức nguy hiểm, cá nhân tôi cho rằng lạm phát từ nay đến cuối năm sẽ chưa phải là một yếu tố gây áp lực quá lớn. Tuy nhiên, sang năm thì mọi thứ có thể sẽ áp lực hơn", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Về phía ông Linh, mặc dù chỉ số lạm phát theo giá tiêu dùng hiện đang ở mức thấp so với kế hoạch của Chính phủ, nhưng lạm phát tài sản lại có dấu hiệu tăng nhanh trong thời gian qua, đặc biệt là giá bất động sản nhà ở.
Điều này dẫn đến hệ quả là mặc dù nhu cầu nhà ở còn nhiều, nhưng rất nhiều người dân lại không mua được nhà. Thậm chí, khi giá bất động sản tăng thì tiền thuê nhà cũng tăng theo, kéo theo chi phí sinh hoạt tăng lên – gây áp lực lớn lên đời sống người dân.
Theo ông Linh, về lạm phát, có nhiều ý kiến cho rằng nếu tỷ giá chịu áp lực quá lớn thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát Việt Nam – điều này là có. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cách tính chỉ số lạm phát giá tiêu dùng của Việt Nam thì phần lớn hàng hóa nhập khẩu chỉ ảnh hưởng nhiều đến nhóm chi phí xăng dầu.
Giai đoạn vừa qua, giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức thấp do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, trong khi nguồn cung xăng dầu may mắn chưa bị gián đoạn. Do đó, đến thời điểm hiện tại, tác động lan tỏa từ tỷ giá sang lạm phát vẫn chưa nhiều.
Đặc biệt, trong rổ tính CPI – chỉ số giá tiêu dùng – của Việt Nam, hơn 1/3 đến từ nhóm lương thực, thực phẩm. Trước đây, nhiều người hay nói vui: "Muốn biết lạm phát Việt Nam thế nào thì nhìn giá thịt heo." Giá thịt heo từng có thời điểm tăng nhanh do dịch bệnh, nhưng hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát và giá heo đã giảm trở lại.
Trong năm 2024, giá gạo cũng tăng nhanh do Ấn Độ cấm xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước. Nhưng hiện tại, Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm, dẫn đến giá gạo trong những tháng gần đây đã giảm nhiều.
Do đó, chỉ số giá lương thực – thực phẩm (cấu phần lớn nhất trong CPI) hiện nay không còn là vấn đề lớn. Nếu loại trừ nhóm lương thực – thực phẩm, thì lạm phát 6 tháng đầu năm của Việt Nam đến chủ yếu từ việc điều chỉnh chỉ số giá dịch vụ y tế và một phần từ giá nhà ở.
Về giá dịch vụ y tế, chuyên gia đánh giá đây là yếu tố mà chính phủ có thể kiểm soát hoàn toàn và các đợt điều chỉnh cũng theo lộ trình. Điều đó đồng nghĩa rằng, nếu lạm phát trong tương lai gặp áp lực, thì chính phủ hoàn toàn có thể điều tiết bằng cách kiểm soát các nhóm giá dịch vụ như y tế, học phí hay cả giá điện.Trong 6 tháng đầu năm, giá điện cũng đã tăng 4,5–4,8% trong tháng 5.
Tựu trung lại, về mặt số liệu thống kê, lạm phát hiện chưa phải là mối lo lớn.Tuy nhiên, thực tế chi tiêu của người dân thì rất nhiều chi phí – đặc biệt là chi phí liên quan đến nhà ở – đã tăng mạnh.